Thơ lục bát và chuyện... lộc phát!

24/09/2009 14:58 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trong khuôn khổ Ngày thơ Lục bát Việt Nam có một hoạt động có cái tên “đậm không khí Tết” ấy là Lễ phát lộc (BTC còn chua thêm mấy chữ “Nhân ngày lộc phát” - Kỷ Sửu (tức 6/8 AL).

Có thể nói đây là lần đầu tiên từ “lộc phát” đã được sử dụng một cách khá chính thức làm tên gọi cho một tuyển tập thơ lục bát truyền thống của dân tộc (vì thơ lục bát là thơ “trên 6 dưới 8”). Bằng chứng là ấn phẩm Lộc phát Kỷ Sửu do NXB Công an Nhân dân xuất bản nhân dịp này. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đặng Vương Hưng (NXB Công an Nhân dân), người khởi xướng ý tưởng về các hoạt động nói trên.


 Nhà thơ Đặng Vương Hưng
* Thưa anh, từ hai con số 6 và 8, đọc “trại” thành “lộc phát” là cách gọi rất “đời” của nhiều người, nhất là những người làm ăn buôn bán, hoặc ít nhiều tin vào tài lộc của những con số (số điện thoại, biển số xe...) Gọi thơ lục bát là “lộc phát” có phải là cách của riêng anh? Cách gọi đó rất lễ hội và rất hóm hỉnh, nhưng theo anh liệu có phù hợp với thể thơ mang hồn dân tộc này? Theo anh được biết thì có nhiều người tán đồng và sử dụng cách gọi này không?


- Tôi được biết tiếng Trung Quốc phát âm hai con số 6 - 8 là “lu - pa”. Gọi “lộc phát” thay cho “lục bát” là do dân gian sáng tạo ra.

Từ xa xưa, người ta đã biết đến hình ảnh ba vị Tam đa Phúc - Lộc - Thọ. Cuộc sống hạnh phúc của con người bình thường, suy cho cùng là phấn đấu để có được ba chữ Phúc - Lộc - Thọ ấy. Nên ngày Tết, ngày vui đến thăm nhau, người ta thường chúc Phúc - Lộc - Thọ và rủ nhau đi “hái lộc cầu may”. Đầu năm, ngày rằm, mùng một đi chùa, nhiều người còn cầu trời, khấn Phật để xin “lộc rơi, lộc vãi”. Chữ “lộc” ở đây, xin đừng hiểu chỉ đơn giản chỉ là tiền bạc, mà còn là sự mong muốn, sự mơ ước những điều tốt đẹp, may mắn, hanh thông và thành công trong mọi việc của cuộc sống hàng ngày. Bởi thế, nếu không chỉ là “lộc rơi, lộc vãi” mà còn được ai đó chủ động “phát lộc” cho mình, thì tôi tin rằng đó cũng là một nhu cầu chính đáng, không ai nỡ từ chối... “Lộc phát” chỉ là một cách gọi mới theo dân gian, thay cho “lục bát”. Chúng tôi đã nêu khái niệm Ngày lộc phát mùng 6 tháng 8 từ cách đây một năm, khi khai trương trang web lucbat.com, các tác giả đều tán đồng, chưa thấy ai phản đối.

* Ấn phẩm Lộc phát Kỷ Sửu có những điểm gì đáng chú ý? Có phải vì tập hợp thơ lục bát nên mới mang tên “lộc phát”?

- Từ hàng ngàn bài thơ lục bát đã được lucbat.com giới thiệu năm qua, trên cơ sở các tác giả tự tuyển chọn và giới thiệu, chúng tôi biên soạn thành tập Lộc phát Kỷ Sửu. Mục đích là góp phần tôn vinh thơ lục bát, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, gắn kết những tâm hồn Việt với tình yêu quê hương, đất nước; đồng thời, thông qua việc phát hành, còn góp phần gây quỹ cho các hoạt động phi lợi nhuận của www.lucbat.com, đặc biệt là việc xã hội hóa Ngày Thơ lục bát Việt Nam.


Ấn phẩm Lộc phát Kỷ Sửu

Lộc phát Kỷ Sửu còn được nhiều vị cao tăng đại đức cho chữ pháp danh nhà Phật; nhiều văn nghệ sĩ và trí thức ký tên.

Điều đặc biệt hơn là Lộc phát Kỷ Sửu bản dành cho các Mạnh Thường Quân, chỉ được phát hành đúng 68 tập. Và 68 người có may mắn, vinh dự được sở hữu những cuốn sách này, sẽ được vinh danh họ tên, địa chỉ trên website lucbat.com trong suốt một năm.

Như vậy, có thể coi mỗi ấn phẩm Lộc phát Kỷ Sửu đều là một “độc bản” mang đậm chất văn hóa - tâm linh của người Việt, vì chúng đã được các vị cao tăng đại đức “thổi hồn” và dâng hương “lấy lộc” trước khi chính thức phát hành.

* Lấy tên là Lộc phát Kỷ Sửu có phải còn vì chiều theo các Mạnh Thường Quân của ấn phẩm mà đa số là những người kinh doanh, ít nhiều tin vào tài lộc từ các con số? Hay vì muốn có một món quà văn hóa mới thay cho lời chúc tài lộc?

- Xin khẳng định rằng tổ chức cuốn sách trên chúng tôi không chiều theo ý ai cả. Mà chỉ mong muốn có một món quà văn hóa thay cho lời chúc tài lộc. Và có thêm một hình thức tôn vinh thơ, đặc biệt là thơ lục bát!

* Xin cảm ơn anh!

Đông Kinh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm