28/10/2013 07:26 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sự thiệt thòi vì bị xóa tên trên bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám của danh nhân Ngô Thì Nhậm đã được nhiều học giả nhắc lại với sự cảm thông và xót xa trong lễ tưởng niệm 210 năm ngày mất của ông diễn ra hôm qua (27/10) tại Hà Nội.
1. Buổi lễ được UBND huyện Thanh Trì, đại diện dòng họ Ngô Thì và Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết cùng phối hợp thực hiện. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, địa điểm được chọn cho lễ tưởng niệm, cũng là nơi danh sĩ này chấm dứt cuộc đời, sau trận đòn phạt vào triều Gia Long năm 1803. Không chỉ vậy, phần thông tin về Ngô Thì Nhậm từng khắc trên tấm bia đá năm Cảnh Hưng 36 (1775) cũng bị đục bỏ trong lịch sử.
Hiện, tấm bia đá này vẫn được trưng bày trong Văn Miếu, và là 1 trong 82 tấm bia được UNESCO tôn vinh là Di sản tư liệu thế giới năm 2010. Trong danh sách 18 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, dòng thứ 5 (có nội dung bằng chữ Hán, được ghi lại trong sử liệu: Ngô Thì Nhậm, người xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Thiêm tri, Hiến phó) đã bị đục bỏ hoàn toàn và chỉ còn một số nét khắc mờ.
Bia đá năm Cảnh Hưng 36 tại Văn Miếu, nơi dòng tên Ngô Thì Nhậm đã bị đục bỏ |
Theo giới nghiên cứu, việc đục bỏ tên Ngô Thì Nhậm tại bia Văn Miếu diễn ra vào thời Nguyễn vì lý do ông từng rời bỏ nhà Lê để làm quan cho "ngụy triều" Tây Sơn. (Ngoài trường hợp Ngô Thì Nhậm, nhà Nguyễn cũng cho đục bỏ tên một danh sĩ khác là Lê Quý Đôn trên tấm bia năm 1752, cùng một số đoạn bi kí ca ngợi công đức của chúa Trịnh). Thậm chí, theo GS sử học Lê Văn Lan, cũng có khả năng Ngô Thì Nhậm bị xóa tên khỏi bia đá Văn Miếu vào cuối năm 1788, khi Lê Chiêu Thống cùng quân Thanh tái chiếm Thăng Long và trả thù những người từng theo nhà Tây Sơn.
2. Trong lễ tưởng niệm sáng 27/10, một số tham luận đã tập trung phân tích về những đóng góp quan trọng của Ngô Thì Nhậm trong nền văn học trung đại, cũng như cho triều Tây Sơn trong vai trò một nhà chính trị, quân sự, ngoại giao. Đặc biệt, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rất cao cách hành xử tiến bộ, vượt khỏi hệ tư tưởng Nho giáo của ông trong việc đoạn tuyệt với một triều đại phong kiến mục nát, lỗi thời để phò tá nhà Tây Sơn triều đại mới vừa xuất hiện.
Tuy nhiên, trước câu hỏi về ý tưởng khôi phục tên các danh sĩ Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn trên bia đá Văn Miếu (từng được một vài nhà báo nhắc tới), các nhà nghiên cứu đều cho rằng đây là việc làm không cần thiết.
Lễ tưởng niệm 210 năm ngày mất Ngô Thì Nhậm tại Hà Nội sáng 27/10
"Bia đá Văn Miếu là di vật mà thực tế lịch sử để lại, và chúng ta cần tôn trọng. Dù là triều Lê hay triều Nguyễn, việc đục tên như vậy đúng sai thế nào thì hậu thế đã có câu trả lời rõ ràng rồi" - GS sử học Lê Văn Lan cho biết - "Thậm chí, câu chuyện ấy càng khiến chúng ta nhớ tới Ngô Thì Nhậm nhiều hơn, khi so sánh sự nghiệp của ông với toàn bộ các tiến sĩ được vinh danh cùng thời."
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (Giám đốc Trung tâm Minh Triết) chia sẻ thêm: "Ý tưởng khắc lại tên Ngô Thì Nhậm tưởng đơn giản, nhưng sẽ dẫn ra nhiều câu chuyện phức tạp khi chúng ta chạm tới một di vật của lịch sử. Trong khi đó, vượt khỏi chức phận của một ông tiến sĩ, Ngô Thì Nhậm đã có những đóng góp đặc biệt cho lịch sử giai đoạn này và luôn được hậu thế vinh danh. Tôi nghĩ, câu "Trăm năm bia đá thì mòn" rất đúng trong trường hợp này."
Theo ông Ngô Đức Diễn, hậu duệ của dòng họ Ngô Thì, chính quyền huyện Thanh Trì đang lên kế hoạch mở rộng, nâng cấp khu di tích mộ phần và nhà thờ Ngô Thì Nhậm (hiện nằm tại xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) cho xứng đáng với đóng góp của danh nhân lịch sử này. Hiện, khu vực này có diện tích khoảng 4ha và từng nhận danh hiệu Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1994.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất