Khoa học chỉ ra cách để các đêm nhạc điện tử trở nên sôi động hơn

08/11/2022 17:01 GMT+7 | Bạn cần biết

Khoa học chỉ ra cách để các đêm nhạc điện tử trở nên sôi động hơn

Với những người đam mê âm nhạc điện tử, một quy luật bất thành văn là nhạc bass (âm trầm) nổi lên thì đám đông cũng lắc lư theo và phấn khích hơn. 

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ khoa học giữa tần số của âm bass với phản ứng có ý thức của con người để lý giải cho hiện tượng này.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm tại một đêm nhạc điện tử thực tế và hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa tần số âm bass và phản ứng lắc lư của cơ thể. Kết quả nghiên cứu được công bố ngày 7/11 trên tạp chí Current Biology, cho thấy những người tham gia đêm nhạc nhảy nhiều hơn khoảng 12% khi các nhà nghiên cứu cho phát âm bass tần số rất thấp mà người tham gia hầu như không thể nghe được. 

Nhà khoa học thần kinh David Cameron, từ Đại học McMaster - Trưởng nhóm nghiên cứu nêu rõ dù những người tham gia không biết cụ thể khi nào nhạc được điều chỉnh nhưng thực tế sự thay đổi đã có tác động tới chuyển động cơ thể của họ. Những kết quả này phần nào xác nhận mối quan hệ đặc biệt giữa âm bass và chuyển động lắc lư của người nghe, điều chưa từng được khoa học chứng minh.

Chuyên gia Cameron, một tay chơi trống đã qua đào tạo, lưu ý rằng những người tham gia các đêm nhạc điện tử thường thích âm bass sâu và thường muốn bật âm này lên thật to. 

Tuy nhiên, không phải chỉ những người yêu thích nhạc điện tử mới có cảm nhận này. Trên thực tế, với nhiều nền văn hóa và truyền thống trên toàn thế giới, những nhạc cụ âm bass như guitar bass hay bass drum thường là những công cụ chính tạo nên nhịp điệu âm nhạc khiến người nghe nhún nhảy.

Khoa học chỉ ra cách để các đêm nhạc điện tử trở nên sôi động hơn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thí nghiệm nêu trên diễn ra tại Canada, trong tòa nhà LIVElab, được sử dụng như một phòng hòa nhạc kiêm một phòng thí nghiệm. Khoảng 60 trong tổng số 130 người tham gia hòa nhạc điện tử đã được lắp tai nghe có cảm ứng chuyển động để theo dõi những động tác nhún nhảy của họ. Trong buổi hòa nhạc, nhóm nghiên cứu có lúc bật hoặc tắt một cách ngẫu nhiên loa phát âm bass ở tần suất rất thấp. Trong bài khảo sát thực hiện sau đó, những người tham gia đều cho biết không nhận ra sự thay đổi này. 

Giả thuyết nhóm nghiên cứu đặt ra là kể cả khi không được phát hiện bằng tai thường, âm trầm vẫn kích thích hệ thống cảm ứng của cơ thể như cảm ứng da và tiền đình (còn được biết đến là tai trong). Những hệ thống này kết nối chặt chẽ với hệ thống chuyển động của cơ thể nhưng bằng trực giác vòng qua phần vỏ não trước. 

Theo chuyên gia Cameron, nhóm nghiên cứu tin rằng việc kích thích được những hệ thống này cũng có tác động nhất định tới hệ thống chuyển động và qua đó góp phần nhỏ bổ sung năng lượng và sinh lực cho các chuyển động của cơ thể. Ông hy vọng sẽ chứng minh được giả thuyết này trong những thí nghiệm khác trong tương lai.

Lê Ánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm