Khi lốp xe làm từ vỏ trấu, vỏ hộp sữa chua…

04/12/2024 10:12 GMT+7 | HighTech

Chiếc máy mô phỏng quá trình chế tạo lốp ô tô từ vỏ hộp sữa chua, mẩu cao su, mẩu gỗ thừa... thu hút sự quan tâm của nhiều người khi tới thăm Trung tâm đào tạo tài năng trong khuôn viên nhà máy Michelin tại tỉnh Chonburi, Thái Lan. Đây cũng là nơi sản xuất hầu hết các lốp Michelin cho thị trường Việt Nam.

Ngay cạnh chiếc máy mô phỏng quá trình chế tạo lốp xe từ nhiều vật liệu tái chế này là một chiếc lốp ô tô Michelin thành phẩm với hoa văn trang trí tinh xảo và bề mặt mịn mượt như nhung, có thể thay đổi sắc độ với ánh sáng khác nhau.

Khi lốp xe làm từ vỏ trấu, vỏ hộp sữa chua… - Ảnh 1.

Mỗi năm trung bình có khoảng 1-2 tỷ lốp xe cũ thải loại trên thế giới tương đương với khoảng 30 triệu tấn lốp đào thải ra môi trường - một gánh nặng cho trái đất - theo ông Cyrille Roget, giám đốc truyền thông khoa học & đổi mới của tập đoàn Michelin

Nhưng đặc biệt hơn cả thiết kế rất thời trang này, thứ mà đa số chúng ta nghĩ là làm từ cao su thì sự thực có gần một nửa thành phần (45%) là vật liệu tái tạo hoặc tái chế. Và nhìn vào danh sách các vật liệu mới để tạo nên dòng lốp ô tô Michelin đầu tiên có thể sử dụng trên mọi loại đường này, có thể còn bất ngờ hơn nữa: dầu sinh học, sợi vải, kim loại phế thải, vỏ xe phế thải, đặc biệt cả... vỏ trấu được thu mua từ châu Á.

Trong trào lưu phát triển bền vững hiện nay, đa phần người tiêu dùng dồn sự quan tâm vào năng lượng tiêu thụ và phát thải từ các phương tiện giao thông, mà thời sự nhất là chuyển đổi từ động cơ đốt trong truyền thống sang sử dụng các nguồn nhiên liệu xanh gồm xe thuần điện, xe hybrid. Không nhiều trong chúng ta biết rằng phát thải từ lốp xe hơi được xem là một trong những nguồn gây ô nhiễm vi nhựa lớn nhất trên thế giới. Lốp xe, khi mòn, giải phóng các hạt nhỏ vào không khí, đất, và nước, gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

Theo ước tính, khoảng 3 triệu tấn hạt mài mòn từ lốp xe được thải ra môi trường mỗi năm trên toàn cầu. Trong số này, một phần đáng kể xâm nhập vào các nguồn nước, làm ô nhiễm hệ sinh thái thủy sinh và thậm chí ảnh hưởng đến chuỗi thực phẩm của con người.

Khi lốp xe làm từ vỏ trấu, vỏ hộp sữa chua… - Ảnh 2.

Lốp xe được làm từ 45% vật liệu sinh học và tái chế trong đó có cả vỏ trấu

Đi đầu về công nghệ (có thể kể tới như công nghệ giảm tiếng ồn Michelin Acoustic, công nghệ lốp không hơi Uptis hoặc công nghệ MaxTouch kéo dài tuổi thọ và tăng cường độ bám...), nhà chế tạo lốp cho siêu xe nhanh nhất thế giới (Bugati) và cho phi thuyền con thoi mới đây đã có những chia sẻ với giới truyền thông khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, về kế hoạch sử dụng công nghệ làm chìa khóa cho phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải ra môi trường.

Cụ thể, Michelin tập trung vào việc tăng tuổi thọ lốp và sử dụng nguyên liệu thân thiện như nhựa tái chế, cao su tự nhiên, dầu thực vật… hướng tới mục tiêu lốp sẽ được sản xuất với 100% vật liệu bền vững vào năm 2050. Michelin bắt đầu sử dụng silica lấy từ vỏ trấu trong sản xuất lốp xe từ khoảng năm 2022.

Silica từ vỏ trấu với nguồn cung cấp chính từ châu Á là lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường, giảm nhu cầu khai thác cát silica truyền thống và tiêu tốn ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt các dòng lốp được làm từ 45% vật liệu sinh học và tái chế (dành cho đường thông thường) và lên đến 71% (đối với lốp dành cho xe đua) vẫn đạt hiệu suất vận hành tương đương với các sản phẩm lốp xe truyền thống. Trong tương lai gần, những sản phẩm thân thiện với môi trường này sẽ thay thế dần các dòng lốp truyền thống trên thị trường.

Phan Ka

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm