Israel lo lắng vì tên lửa chống tăng Kornet

25/12/2010 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Quân đội Israel vừa bày tỏ mối quan  ngại sau vụ một chiếc xe tăng của họ đã bị tên lửa chống tăng Kornet, thứ vũ khí hết sức mạnh mẽ và nguy hiểm do Nga sản xuất, bắn trúng hồi đầu tháng ở gần dải Gaza.

Sự kiện cho thấy quốc gia Do Thái đang đối mặt với mối đe dọa đang ngày càng tăng cao tới từ các chiến binh ở dải Gaza.



Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet

Lần đầu Kornet xuất hiện ở dải Gaza

 “Ngày 6/12, một quả tên lửa Kornet bay từ phía dải Gaza đã trúng một xe tăng thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và xuyên qua lớp vỏ ngoài của xe. May mắn là quả tên lửa không phát nổ khi vào bên trong xe. Chúng tôi đang nói về quả tên lửa cỡ lớn, một trong những vũ khí nguy hiểm nhất trên chiến trường” – ông Ashkenazi Tham mưu trưởng quân đội nói. Ashkenazi cho biết đây là lần đầu tiên các chiến binh Gaza sử dụng tên lửa Kornet.

Theo báo chí Israel, chiếc xe tăng bị bắn hỏng là loại Merkava Mark IV, một trong những mẫu xe được đánh giá là có giáp dày nhất, an toàn nhất thế giới. Điều đáng quan tâm nằm ở chỗ trước đây chỉ có Syria và các chiến binh Hezbollah là có khả năng diệt chiếc xe tăng hạng nặng như Merkava. Nhưng nay khả năng đó đã được chuyển qua cho các tay súng ở Hamaz.

Ashkenazi tin rằng những quả Kornet có thể đã được chuyển lậu vào dải Gaza từ nhiều tháng trước đó và lực lượng cung cấp những quả tên lửa không có ai khác ngoài phong trào Hezbollah. Tuy nhiên Hamas đã không nhận trách nhiệm cho vụ tấn công ngày 6/12. Thay vì thế, nhóm chiến binh Army of Islam có liên hệ với Al Qaeda tuyên bố họ mới là lực lượng bắn hỏng chiếc Merkava.

Vũ khí chống tăng hạng nặng

Tên lửa chống tăng Kornet bắt đầu được Cục thiết kế công cụ KBP của Nga nghiên cứu từ năm 1988. KBP muốn tạo ra một thứ vũ khí có thể tiêu diệt mọi mục tiêu, có thể đặt trên nhiều nền tảng khác nhau và sử dụng hệ thống dẫn đường bằng tia laser khiến việc bắn vũ khí này trở nên đơn giản.

Kornet được thiết kế để thay thế tổ hợp tên lửa chống tăng 9K111 Fagot (tên mã NATO AT-4 Spigot) và 9K113 Konkurs (NATO: AT-5 Spandrel) dẫn bắn bằng dây. Kornet chính thức được đưa vào trang bị cho quân đội Nga vào năm 1994 và bán cho các nước bên ngoài với tên gọi Kornet-E.

Kornet có trọng lượng khoảng 27 kg (29 kg với ống phóng), chiều dài 1200 mm, đường kính 152 mm. Được trang bị động cơ phản lực nhiên liệu rắn, tên lửa Kornet có thể bay siêu âm với tầm bắn từ 100 đến 5500 mét (3500 mét nếu bắn trong đêm). Kornet sử dụng hệ thống điều khiển laser SACLOS, theo đó, tia laser liên tục được xạ thủ chiếu tới mục tiêu. Một cảm biến ở trên quả tên lửa sẽ điều khiển dẫn đường để tên lửa bám theo chùm tia laser đến mục tiêu. Hệ thống điều khiển này có thể chống được các biện pháp chế áp điện tử của đối phương, chống nhiễu thụ động, chủ động, và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ngày hoặc đêm.


Một chiếc xe tăng Israel trúng tên lửa cháy đen trong cuộc chiến Lebanon 2006

Mỗi quả tên lửa Kornet mang một đầu đạn liều nổ kép HEAT với khả năng xuyên giáp thép dày từ 1000-1200 mm, sau khi đã vượt qua giáp phản ứng nổ (ERA). Ngoài ra tên lửa cũng có thể trang bị đầu đạn nhiệt áp để tiêu diệt các mục tiêu giáp mỏng, công sự và binh lực đối phương. 9K123 có thể mang và sử dụng bởi một tổ chiến đấu gồm hai người. Ngoài ra một phiên bản mang vác cho bộ binh, còn có hệ thống 9K133 được gắn trên các xe đặc chủng khác.

Thách thức lớn cho Israel

Kể từ khi ra đời tới nay, Kornet đã chứng minh nó là một vũ khí diệt tăng hiệu quả. Trong cuộc chiến Iraq 2003, các tên lửa Kornet có thể đã được lực lượng Iraq sử dụng đến tiêu diệt các xe tăng M1 Abrams của Mỹ. Trang web GlobalSecurity.org tuyên bố có ít nhất 2 chiếc M1 Abrams và 1 chiếc xe bọc thép M2 Bradley của Mỹ đã bị tiêu diệt bởi tên lửa Kornet.

Bản thân Israel đã từng nếm mùi Kornet trong chiến tranh Lebanon 2006. Khi đó, Hezbollah đã sử dụng Kornet chống lại các xe tăng IDF và bắn hỏng nhiều chiếc xe. Tên lửa này cũng được dùng để bắn vào một tàu chiến mang tên lửa của Hải quân Israel và bắn rơi chiếc trực thăng vận tải khiến toàn bộ những người đi trên máy thiệt mạng.

Để đối phó với sự hiện diện của Kornet ở dải Gaza, IDF đang có kế hoạch đưa các xe tăng gắn hệ thống giáp phản ứng chủ động mới tới khu vực này. Việc triển khai các loại giáp Me'il Ruach chỉ bắt đầu từ năm sau. Tuy nhiên nó sẽ sớm được lắp trên các xe Merkava Mark IV hoạt động gần Gaza. Quân đội có kế hoạch trang bị giáp này trên nhiều tiểu đoàn tăng nữa cho tới giữa năm 2011.

Ngoài ra Israel cũng sẽ lắp các hệ thống bảo vệ chủ động mang tên Trophy cho xe Merkava. Ngoài khả năng tiêu diệt sớm các tên lửa Kornet, chúng còn có thể bắn hạ đạn RPG-29 và nhiều loại vũ khí chống tăng khác. Bên cạnh đó, IDF cũng đang tiến hành thay đổi chiến thuật hoạt động dọc theo biên giới với dải Gaza, bao gồm việc hạn chế lộ diện các xe tăng Merkava trước hỏa lực đối phương.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm