Hôm nay, 69 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 – 27/3/2015): Một góc nhìn khác về Thể thao Việt Nam

27/03/2015 06:07 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày truyền thống của Thể thao Việt Nam không chỉ là dịp để tôn vinh mà còn là cơ hội để chúng ta nhìn nhận thể thao ở đâu trong bức tranh toàn cảnh xã hội.

Trong dự toán chi ngân sách Nhà nước 2015 của Bộ Tài chính, ngành thể thao dự trù sẽ nhận được 730 tỉ đồng (khoảng 35 triệu USD), nằm trong khoản mục chi ngân sách thường xuyên.

Số tiền này là nhiều hay ít? Xin trả lời ngay: Đứng thứ 3 từ dưới lên trong 12 hạng mục chi thường xuyên. Thể thao đứng trên Dân số kế hoạch hóa gia đình (590 tỉ) và Trợ giá mặt hàng chính sách (460 tỉ).

Trong số những hạng mục đứng trên Thể thao thì ngoài Giáo dục, Y tế, Lương hưu... còn có Bảo vệ môi trường (1.700 tỉ) và cả Văn hóa thông tin (2.200 tỉ).

Vậy, ở các nước khác thì ngành thể thao được đầu tư từ ngân sách Nhà nước thế nào?

Trung Quốc trong năm 2014, theo Tân Hoa xã, chi khoảng 8,9 tỉ USD (khoảng 54 tỉ NDT) cho văn hóa, thể thao và truyền thông, tương đương với khoảng 4,26% tổng ngân sách. Không có một con số cụ thể cho thể thao, nhưng tỉ lệ nó chiếm trong 3 lĩnh vực ấy hẳn không phải là nhỏ, vì Trung Quốc muốn dùng thể thao như một sự bổ trợ cho những phương thức tạo dựng quyền lực mềm.

Nếu chúng ta gộp Thể thao với Văn hóa Thông tin thì với con số 2.900 tỉ cũng mới chỉ chiếm khoảng 2,55% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Còn Triều Tiên với những con số công bố dừng lại ở mức tương đối, thì thể thao nằm trong nhóm các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, nghệ thuật có tổng chi chiếm khoảng 38,2%. Đây là con số được cung cấp bởi Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Choe Kwang Jin. GDP của Triều Tiên ước tính khoảng 28 tỉ USD.

Trở lại với Việt Nam, thể thao từ lâu không nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư chi ngân sách. Nó buộc ngành phải đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, tận dụng mọi nguồn lực trong xã hội, giống như các nước phát triển. Yêu cầu thúc bách tới mức: Môn nào không xã hội hóa thành công thì cơ hội phát triển là cực nhỏ, như tennis, cầu lông, bóng chuyền...

Còn ở một số quốc gia phát triển? Singapore từ năm 2013 đã thông qua một kế hoạch đầu tư cho thể thao khoảng 250 triệu USD trong vòng 5 năm với mục đích nâng cao văn hóa thể thao cho công dân nước này.

Mỹ không có một con số cụ thể vì quốc gia này không có một cơ quan cụ thể quản lý thể thao về mặt Nhà nước. Các khoản đầu tư thường "gửi" trong các chương trình của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Nhưng ngân sách của Hiệp hội Thể thao Đại học nước này (với 230 hội) chi ra khoảng 10 tỉ USD mỗi năm thì khoảng hơn một nửa trong số đó là từ các khoản trợ cấp. Đó là chưa kể đầu tư ở các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao chuyên nghiệp. Hay như hệ thống sân chơi thể thao công cộng (tennis, bóng chày, bóng rổ, bóng đá...) lại do bên Hiệp hội Công viên Giải trí Quốc gia đầu tư.

Một vài so sánh như thế để thấy đầu tư cho thể thao ở Việt Nam có những hạn chế, trong khi nền tảng cho thể thao đỉnh cao phát triển là thể thao học đường có lẽ sẽ cần thêm rất, rất nhiều thứ khác chứ không chỉ là những cuộc hội thảo mở ra, bàn xong rồi đóng lại.

Những chỉ trích đối với ngành thể thao từ việc phát triển chệch hướng trong thời gian dài cho tới bất cập trong nhiều khâu quản lý có lẽ cũng có lúc cần được chia sẻ để có những nhận thức mới. Vì một quốc gia phát triển toàn diện phải có một nền thể thao phát triển. 

Ngày 27 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Cùng ngày đó, trên báo Cứu quốc, cơ quan của Mặt trận Việt minh, đã đăng bài viết ”Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ năm 1991, ngày 27/3 chính thức được coi là Ngày Thể thao Việt Nam.

3 Trong dự toán chi ngân sách Nhà nước 2015 của Bộ Tài chính, ngành thể thao dự trù sẽ nhận được 730 tỉ đồng (khoảng 35 triệu USD), đứng thứ 3 từ dưới lên trong 12 hạng mục chi thường xuyên

2.900 Nếu chúng ta gộp Thể thao (730 tỉ) với Văn hóa Thông tin (2.200 tỉ) thì với con số 2.900 tỉ cũng mới chỉ chiếm khoảng 2,55% tổng chi ngân sách Nhà nước.

250 Singapore từ năm 2013 đã thông qua một kế hoạch đầu tư cho thể thao khoảng 250 triệu USD trong vòng 5 năm với mục đích nâng cao văn hóa thể thao cho công dân nước này.


Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm