Trịnh Thanh Bình: Opera – sự lựa chọn “bảo thủ” của tôi

21/07/2012 09:37 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Vẫn thường có mặt trong các vở opera của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch như La boheme, Carmen, Người đi qua thung lũng hay thậm chí, anh còn có cả những suất diễn trong dự án Opera kết hợp với ẩm thực của nhạc trưởng Graham Sutcliffe tại Luna D'autunno nhưng dường như, phải chờ đến chương trình Hòa nhạc Toyota 2012 Việt Nam – Lào – Campuchia, giọng nam cao Trịnh Thanh Bình mới được chú ý đến. Bản thân Thanh Bình cũng không phủ nhận điều đó song thực tâm, anh vẫn luôn muốn được công chúng biết đến qua những vở diễn opera của mình.

Trong chương trình Hòa nhạc Toyota 2012 Việt Nam – Lào – Campuchia diễn ra từ ngày 24/7 - 6/8, ca sĩ Trịnh Thanh Bình sẽ hát hai ca khúc của Việt Nam: Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn,Tình ca và hai ca khúc của Lào, Campuchia. Kể từ năm 1998, Quỹ Toyota Việt Nam đã tài trợ cho Dàn nhạc tổ chức chương trình Hòa nhạc Toyota hàng năm.

* Opera hợp với tính cách

Trịnh Thanh Bình trong Người đi qua thung lũng.

Ít ai biết, trước khi trở thành sinh viên trung cấp thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia năm 2000, giọng tenor Trịnh Thanh Bình đã từng "chinh chiến" để trở thành sinh viên của một số trường đại học. Cũng như bao học sinh phổ thông khác, Thanh Bình đã từng ước mở trở thành sĩ quan công an, rồi đến cán bộ quản lý văn hóa và muốn trở thành nhà báo. Nhưng lần thi nào anh cũng bị... thiếu điểm. Và định mệnh đến với opera của Trịnh Thanh Bình là khi anh tham gia CLB ca hát tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, học thầy Lê Gia Hội rồi quyết định thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 

Không phải con nhà nòi khi đến với nghệ thuật, đó là một trở ngại và cũng là một sự thiệt thòi đối với Thanh Bình. Chính vì thế, mới vào trường bản thân Thanh Bình cũng chẳng biết opera là gì mà chỉ nghĩ làm sao học cho tốt. Và ngay cả khi được học nhiều thể loại, có nhiều sự lựa chọn thì anh vẫn chọn opera - một thể loại mà cho đến lúc này không phải quá quen với người nghe nhưng cũng chưa đến mức được công chúng đón nhận một cách đông đảo như nhạc nhẹ, nhạc cách mạng.

Đây là một sự lựa chọn khá bảo thủ của Thanh Bình vì anh thích thể loại sang trọng này, thích giá trị mang tính toàn cầu của opera để ở đâu, dù là Việt Nam hay bất kì đất nước nào thì vẫn có thể hát được. Và một lý do không nhỏ, nó phù hợp với tính cách con người anh. Đã có những lúc Thanh Bình cũng cảm thấy chạnh lòng trước sự lựa chọn của mình lại không thực sự như mong muốn rất đỗi đời thường của gia đình, chỉ mong con có một công việc ổn định. Song, khi đã dấn thân vào con đường này, đã bị cuốn hút và đam mê thì anh không thể dừng lại được.

* Học opera giống như… thương binh!

Và để theo đuổi opera, có khả năng ca hát thôi chưa đủ, nhất là đào tạo thanh nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở hát nhạc thính phòng. Những kĩ năng để trở thành một nghệ sĩ opera thực sự như diễn xuất, trình diễn sân khấu và ngôn ngữ là những "lỗ hổng" mà mỗi nghệ sĩ opera của Việt Nam luôn phải tranh thủ "bù đắp" từ chính những vai diễn, qua bạn diễn, đạo diễn và những dự án nghệ thuật diễn ra tại Việt Nam để hoàn thiện bản thân. Chính vì thế, Thanh Bình nói rằng, học opera cũng giống như một người... thương binh, một chân thấp một chân cao, một tay dài một tay ngắn, vừa đi vừa tìm đường nên cũng rất cần có sự kiên nhẫn và cả sự kiên định.

Khi được hỏi một câu không mới rằng anh sống thế nào với nghề này? Trịnh Thanh Bình nói vui rằng, có lẽ đây là câu hỏi có nhiều cách trả lời nhưng rồi cũng chỉ có một đáp số. Chuyện những người làm nghệ thuật không sống nổi vì nghệ thuật, đa phần còn chết trong nghèo đói là điều đã có từ hàng thế kỉ trước trên thế giới nên để tồn tại cùng nghệ thuật như Thanh Bình thì anh phải "chân trong, chân ngoài", vừa làm nghệ thuật, vừa kinh doanh. Và dù, opera không có nhiều đất diễn như những loại hình nghệ thuật khác, thì cho đến giờ Thanh Bình cũng vẫn chỉ muốn gắn bó với nghiệp diễn lâu dài, muốn được đứng trên sân khấu, hóa thân vào nhiều vai diễn hơn vì anh đang dần thấy sự quan tâm của công chúng dành cho opera ngày một đông hơn.

Chính sự có mặt của khán giả trong mỗi đêm diễn là nguồn động viên để anh hi vọng cho sự nghiệp của mình cũng như nghệ thuật opera tại Việt Nam trong tương lai. Còn sau này, nếu có ý định trở thành giảng viên như con đường mà nhiều nghệ sĩ khác đã chọn, anh muốn mình phải nghiên cứu về việc giảng dạy một cách thận trọng và nghiêm túc vì theo anh, khi làm nghệ sĩ, nếu có hát sai một lần cũng chỉ làm khán giả đau tai một lần, nhưng với giáo dục, nếu bất cẩn thì sẽ làm hỏng cả một thế hệ, làm hỏng cả những ước mơ và hi vọng của những người xung quanh. Điều đó là rất nguy hiểm!

Lam Ngọc

    
    
    

    
    

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm