Cô gái Việt sống sót thần kỳ trong bão tuyết Nepal chia sẻ kinh nghiệm leo núi cực hữu ích

07/07/2017 12:02 GMT+7 | Tư vấn du lịch

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Không thể phủ nhận rằng, trekking là một môn thể thao hấp dẫn với những người ưa thích khám phá, thử thách. Nó rèn luyện sức chịu đựng của bạn. Nó rèn luyện tính thích nghi của bạn. Nó rèn luyện cả sự kiên nhẫn, cách giải quyết vấn đề và giúp bạn nhận ra bản thân bạn là ai khi đối phó với những vấn đề đó.

Và trên hết, nó cung cấp cho bạn những góc nhìn đẹp mà chỉ đi qua những chặng đường đó bạn mới thấy được. Như câu nói mà tôi vẫn hay nói rằng “Vì cuộc sống này có quá nhiều thứ xấu xa. Vì cuộc sống này có quá nhiều thứ chán chường và tuyệt vọng. Nên đôi khi bạn phải học cách leo lên một đỉnh núi, ngắm nhìn một bông hoa nở trên đá để thấy rằng mọi thứ vẫn tuyệt vời.”

Trước hết, phải phân biệt rằng, tôi đang chỉ bạn kinh nghiệm leo núi nhưng leo núi theo kiểu trekking chứ không phải kinh nghiệm climbing. Trong tiếng Việt, khi nói trekking hay climbing thì chúng ta đều dịch ra là “đi leo núi” cho dễ hiểu. Tuy nhiên, trong tiếng Anh trekking và climbing hoàn toàn khác nhau.

Chú thích ảnh

Ngoài ra còn có thêm một thuật ngữ khác là hiking. Cả hiking và trekking đều là hoạt động đi bộ đường dài, đi bộ leo núi tuy nhiên hiking phần lớn đi trên đường mòn có sẵn hoặc đường nhựa, đường đã được làm, trong khi trekking lại được thực hiện trên nhiều bề mặt địa hình, có nhiều mạo hiểm và thử thách hơn.

Hãy nhớ rằng, trước khi trekking mình hoàn tàn không biết tí kiến thức gì về leo núi cả. Đó chính là lý do khiến mắt tôi bị mù tạm thời, mặt bị bỏng vì nóng và tay, chân tôi bỏng vì lạnh. Nhưng sau khi sống sót qua cơn bão tuyết, tôi biết được lý do vì sao tôi sống sót. Và đây là tất cả những kinh nghiệm trong chuyến đi đáng nhớ mà tôi san sẻ cho các bạn.

1.Hành lý leo núi gồm những gì?

Tất cả đồ đạc, áo quần bạn sắm sửa phải là đồ dành riêng cho leo núi. Vì sao phải nhấn mạnh cụm từ “Dành riêng cho leo núi”. Hãy hình dung thế này, dưới cái nắng của mặt trời và việc vận hành liên tục 8 tiếng/ngày để trekking, mồ hôi sẽ làm bết dính, ẩm ướt và bốc mùi những quần áo làm bằng chất liệu thông thường. Bạn sẽ khó có thể giặt khô những quần áo này vì phải di chuyển liên tục. Trong khi đó, đối với quần áo dành riêng cho leo núi (sportswear/activeswear) hầu hết được làm từ chất liệu “Moisture-wicking fabrics” một loại vải sợi công nghệ cao (hi- tech fabrics) sẽ kiểm soát lượng mồ hôi, giúp áo quần không bị bết dính, khiến bạn vận động dễ dàng. Trong điều kiện thiếu nước không thể giặt, bạn chỉ cần hong đồ vào buổi tối là có thể mặc lại vào sáng hôm sau.

Chú thích ảnh

Từ việc giày và găng tay bị ướt khiến tay và chân bỏng lạnh, tôi nhận ra rằng, chất liệu waterproof cho giày và găng tay là rất quan trọng. Vì vậy hãy chắc chắn rằng, bạn có thể tiết kiệm tiền không thuê guide (người dẫn đường) hay porter (người khuân vác) nhưng đừng tiết kiệm tiền mua quần áo, phụ kiện chuyên dành cho thể thao với giá mắc hơn một chút vì nó đảm bảo mạng sống và hạn chế nguy hiểm cho bạn. Đồng thời, phải mua một kính râm dành riêng cho leo núi có chức năng kháng tia UV chuẩn, nếu không, mắt bạn sẽ bị mù tạm thời giống tôi.

Hiện tượng mù mắt tạm thời khi leo núi hay còn gọi là Snow blindness/ photokeratitis xảy ra khi bạn vượt qua những địa hình tuyết ở độ cao quá cao nhưng mắt không được bảo vệ để chống lại sức ảnh hưởng cực mạnh của tia cực tím. Nếu không may chuyện mù xảy ra trên đường xuống núi, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của bạn. Tôi may mắn vì xuống đến làng an toàn thì mới bị mù. Ngoài ra bạn cũng cần chuẩn bị 2 cây gậy leo núi gọi là Trekking Pole. Nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc đi lại ở những khu vực hiểm trở. Đây là danh sách những vật dụng nhất thiết phải có mà các bạn cần chuẩn bị:

Bình đựng nước
Viên than hoạt tính để khử trùng nước
Túi ngủ
Áo mưa
Áo phao giữ ấm
Quần áo mặc
Quần áo lót
Giày leo núi
Vớ đi kèm giày
Thuốc trị chứng say độ cao khi leo núi (Diamox)
Gậy leo núi
Găng tay leo núi
Nón rộng vành chống nắng
Kính râm
Kem chống khô môi
Kem chống nắng
Đèn pin đội đầu
Bản đồ
Máy ảnh
Cục sạc dự phòng
1 con dao nhỏ
Chocolate/Hạt hạnh nhân
Giấy phép leo núi
Passport
Tiền.

2. Bao nhiêu kg hành lý là đủ?

Tâm lý những người đi leo núi thường là, “mang càng nhiều càng tốt – bỏ cả thế giới vào ba lô ”. Tuy nhiên đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và việc mang quá nhiều thứ đồ đạc chỉ càng khiến cơ thể bạn mệt mỏi và đuối sức, nhất là leo những ngọn núi thuộc top cao nhất thế giới như Annapurna, Everest….

Khi bắt đầu chuyến đi, hành lý của tôi nặng 8-10 kg. Tom - bạn đồng hành của tôi có hành lý nặng 15 kg.Với việc vượt qua địa hình hiểm trở để tiến lên theo độ cao đồng thời phải mất khoảng 20 ngày để trek toàn bộ chu vi của dãy núi Annapurna thì một ba lô nặng 8kg -10kg đối với tôi và 15kg đối với Tom là điều hết sức ngu xuẩn. Thậm chí, chỉ cần nặng thêm 1 gram thôi cũng là cả một vấn đề. Đấy chính là lý do vì sao những lúc cảm thấy nặng và khó thở, tôi và Tom phải suy nghĩ nên vứt đi những gì không cần thiết nhất.

Chú thích ảnh

Chẳng hạn như ban đầu tôi có 1 chai dầu gội, 1 chai dầu xả, một cục xà bông tắm. Tôi quyết định vứt đi chai dầu gội và dầu xả, chỉ giữ lại cục xà bông. Chẳng hạn như Tom có một khăn tắm to có thể choàng hết cả người, cậu ta quyết định vứt đi cái khăn tắm đi vì khăn khi thấm nước rất nặng và rất lâu khô. Cứ thế, chúng tôi vứt dần. Đến khi hoàn thành chặng hành trình leo núi, tôi chỉ còn lại chiếc máy ảnh, 1 bộ đồ, 1 bình nước, 2 cây gậy và chiếc ba lô trống.

Thế nên, dù bạn có muốn nhét cả thế giới vào trong balo, xin hãy ghi nhớ rằng hành lý của bạn chỉ nên nặng 5kg đối với nữ và 8kg đối với nam. Để hạn chế khối lượng hành lý, đối với đồ underwear, bạn có thể mua loại dùng 1 lần rồi vứt đi cho tiện. Một số người phu khuân vác họ chỉ mặc đúng một bộ quần áo trong suốt 20 ngày leo núi. Bạn đừng vội ồ lên rằng, ôi, ở bẩn thế, 20 ngày mà chỉ mặc một bộ đồ. Vâng, leo núi còn là môn thể thao dành cho người ở bẩn. Nếu bạn đi leo núi mà còn lăn tăn chuyện sạch – bẩn, thì lời khuyên chân thành nhất tôi dành cho bạn là, nên ở nhà bám váy mẹ.

3. Máy ảnh nào phù hợp cho leo núi?

Vật bất ly thân của người leo núi là chiếc máy ảnh vì đây là thứ ghi lại toàn bộ những kỷ niệm của bạn trong suốt hành trình leo núi. Nhiều bạn muốn chụp ra một bức ảnh đẹp nên chọn mang theo máy DSLR với đủ thứ súng ống cồng kềnh. Tuy nhiên, một là, như mình nói ngay từ ban đầu, với hành trình đi leo núi, việc nặng thêm 1 gram đã là cả vấn đề. Hai là, khi đi leo núi, thông thường bạn phải vượt qua rất nhiều đoạn đường có thác, dốc dựng đứng. Nếu bạn phải đeo một chiếc máy ảnh nặng cồng kềnh trước cổ của bạn, nó sẽ cản trở quá trình đi lại rất nhiều và nếu không may sẩy chân té ngã, máy ảnh sẽ bị ướt hoặc vỡ. Ba là, việc leo núi chủ yếu là chụp landscape. Một chiếc máy ảnh du lịch nhỏ gọn với độ phân giải lớn đã là quá đủ.

4. Kỹ năng leo núi

Đây gần như là phần quan trọng nhất vì nó lý giải vì sao tôi sống sót trong khi rất nhiều người khác lại chết. Hãy nhớ rằng, bất lợi của một cô gái Việt Nam là mình chưa bao giờ trải qua khí hậu lạnh có tuyết giống như các bạn phương Tây. Thêm vào đó, tôi mặc không đủ ấm. Một lý do nữa, trước đây tôi thuộc dạng gái thích mặc váy, chụp hình check-in, thể chất rất yếu, suốt 12 năm học phổ thông điểm thể dục đều dưới hạng trung bình và phải đi xin xỏ thầy cô nâng lên để được học sinh giỏi.

Trước khi bàn về kĩ năng, tôi xin lý giải nguyên nhân dẫn đến cái chết của của những bạn đồng hành tham gia leo núi cùng với mình như sau. Khi leo núi, người ta hay gặp một chứng gọi là chứng say độ cao (tiếng Anh gọi là altitude sickness). Các bạn có thể vào trang web http://www.altitude.org để tham khảo thêm về chứng bệnh này. Nói nôm na, đây là những biến chứng xảy ra khi cơ thể không thích nghi được với độ cao. Ở thể nhẹ, chứng này có thể gây ra các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn. Ở thể nặng hơn, bệnh dẫn dấn nguy cơ phù phổi (HAPE) hoặc phù não (HACE) và nếu không sơ cứu kịp thời, người mắc chứng này có thể chết trong vòng 1 giờ.

Chú thích ảnh

Thông thường với những ngọn núi cao dưới 2500m sẽ không xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, dãy núi tôi chinh phục là Annapurna cao 8100m và đích đến mình chinh phục là đỉnh Thorung La Pass (cao 5416m) thì chuyện say độ cao là chuyện thường tình. Trước khi trận bão tuyết xảy ra, trong hành trình leo núi của tôi đã có một trường hợp tử vong ở làng Manang độ cao 3540m. Pavel – anh bạn người Nga cùng đồng hành với tôi và Tom sau 2 ngày leo núi đã bị chứng nhức đầu và anh quyết định quay về không dám đi tiếp. Tom người bạn đồng hành của tôi lên đến High Camp (4800m) thì bị tình trạng tương tự và tôi đã đi một mình trong suốt đoạn đường còn lại.

Khi bão tuyết xảy ra, tôi cùng đoàn leo núi đang tiến đến đỉnh Thorung La Pass. Gió thổi mạnh, nhiệt độ thời tiết lạnh, sự run sợ, mất bình tĩnh, cộng với ở độ cao 5400m, áp suất tăng, không khí loãng, thiếu oxy, chứng thở gấp…. Tất cả những điều này kết hợp lại là nguyên nhân hoàn hảo dẫn đến cái chết.

Vì vậy, để có một hành trình chinh phục ngọn núi thành công và giảm thiểu những rủi ro có thể, bạn phải biết những thách thức đặt ra đối với người tham gia trekking là gì.

Thử thách đầu tiên đối với các trekker đó là, trong mỗi ngày bạn phải tính toán được mình đi được bao xa để chắc chắn rằng từ làng này bạn sẽ đến được làng kia trước khi trời tối nếu không sẽ rất nguy hiểm bởi giữa hai làng sẽ không có chỗ trú ẩn nào. Bao xa không phải là bao nhiêu km theo chiều dài của đoạn đường mà là bao trăm mét theo độ cao bạn có thể leo được.

Một thí dụ đơn giản cho dễ hiểu thế này. Tôi và Tom ước lượng mỗi ngày có thể chinh phục được trung bình 400-600m theo chiều cao. Nên từ làng Jagat đến làng Dharapani cao 560m, chúng tôi mất một ngày để hoàn thành. Từ làng Manang đến làng Yak Kharka nhìn trên bản đồ đoạn đường chỉ bằng 1 nửa so với từ Jagat đến Dharapani. Nhưng chúng tôi cũng mất 1 ngày để chinh phục nó vì độ cao chênh lệch giữa 2 làng này là 500m.

Khi ở thủ đô Kathmandu, mỗi lần Babu đưa bản đồ, tôi thường vứt bản đồ đi vì bảo, đường ở mồm và nếu lạc thì thật tuyệt vời bởi có cơ hội khám phá một con đường mới. Nhưng leo núi thì không như thế. Nếu lạc, bạn sẽ chết. Bản đồ sẽ giúp bạn phân tích địa hình, đoạn đường, xác định được vị trí bạn đang ở đâu để giúp bạn đi đúng hướng.

Trước khi trekking, bạn cũng cần phải rèn luyện thể lực bằng cách tập đi bộ (cách tốt nhất là tập leo cầu thang nhà bạn tầm 1 tháng). Lý do vì sao tôi bảo các bạn phải tập đi bộ. Hãy cứ liên tưởng tới việc bạn đi tập gym. Ngày đầu tiên vào phòng tập gym thế nào cơ thể bạn cũng sẽ đau ê ẩm sau khi trở về. Việc leo núi cũng tựa như thế. Nếu bạn không chịu tập đi bộ trước để chân và cơ thể bạn thích nghi với việc đi bộ, bạn sẽ cảm giác rất mệt mỏi trong hai ngày đầu tiên bắt đầu chuyến hành trình này.

Chú thích ảnh

Tôi có anh bạn tên Fahad Khan, người rất vạm vỡ và chắc khỏe. Tuy nhiên, vì không tập đi bộ trước đó nên khi bắt đầu leo núi, chân của anh đã không thích nghi được. Kết quả là anh bị tê liệt hoàn toàn hai bàn chân và phải thuê một con ngựa để chở anh đi suốt những ngày còn lại. Dĩ nhiên, tiền thuê ngựa rất mắc. Lý do chân tôi hoàn toàn thích nghi với leo núi được là trước khi qua Nepal tôi ở Ấn Độ 3 tháng và mỗi ngày tôi đều cuốc bộ 12km để đi học.

Một điều quan trọng khác khi leo núi là không nên gượng ép cơ thể. Thông thường trong đoàn leo núi, mọi người sẽ muốn về đích sớm nhất có thể nên ai cũng cố đi nhanh. Hoặc nếu đi chậm, bạn sẽ sợ người đi nhanh cười vào mặt bạn. Tuy nhiên, việc cố đi nhanh trong điều kiện thể lực có hạn dẫn đến việc thở gấp. Việc thở gấp cộng với chứng say độ cao sẽ dẫn đến nguy cơ chết như tôi đã đề cập ở trên.

Chính vì vậy, bất kể thế nào, bạn đừng nên ép bản thân bạn đi theo người ta. Mỗi sáng thức dậy, lật bản đồ ra, đo đoạn đường và chắn chắn bạn sẽ đến được làng B trong ngày. Nếu chắn chắn rồi, bạn cứ đi theo ý thích, mặc kệ ai đi nhanh hay chậm. Bản thân tôi luôn là người xuất phát sớm nhất trong đoàn những lại về trễ nhất trong đoàn. Vì tôi không ép bản thân mình đi nhanh để đuổi kịp người khác. Người ta đi 20 phút nghỉ 5 phút. Tôi đi 5 phút nghỉ 5 phút. Đó là lý do dù tôi nhỏ bé, yếu thể chất nhưng hầu như không bị chứng say độ cao, đau đầu và nghẹt mũi trong suốt hành trình chinh phục Annapurna Circuit.

Những loại thuốc tôi chuẩn bị hầu như không sử dụng đến và cuối cùng nó được dùng để cứu anh bạn phu khuân vác, người bị sốt và sùi bọt mép sắp chết khi bão tuyết xảy ra. Thử thách còn lại với người leo núi, bạn nhất thiết phải giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Vì bình tĩnh giúp bạn phán đoán, giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Một câu chuyện tôi muốn kể lại rằng, khi chúng tôi ẩn náu 50 người trong căn nhà đá chật hẹp ở đỉnh Thorung La Pass để tránh bão có nhóm bạn đã rất sợ hãi và đứng tè ra quần. Họ sợ ở lại lâu hơn sẽ chết nên kêu gọi mọi người đi theo người đàn ông bản địa xuống núi đồng thời mỗi người phải trả cho ông ta 60USD.

Khoảng 30 người đã xuống núi và hơn một nửa trong số đó đã chết. Chính vì sự mất bình tĩnh, lo sợ, họ đã không phán đoán được rằng, việc đi xuống núi với tốc độ gió khủng khiếp, tầm nhìn chỉ trong bán kính 1-2 mét và tuyết phủ dày đặc như vậy sẽ nguy hiểm hơn là ở lại. Lý do tôi giữ được bình tĩnh là hồi ở Ấn Độ mình có thời gian đi học thiền. Đây có lẽ là một yếu tố giúp tôi không sợ sệt và biết rằng, ở lại căn nhà sẽ có cơ hội sống sót cao hơn.

Bài & Ảnh: Mỹ Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm