12/02/2012 14:47 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Trong phần tục ở trần, chúng ta đã nói đến phần nhiều thời gian người Việt cổ đi chân đất, thậm chí trước khi lên giường cũng không rửa chân, mà chỉ chùi vào chiếc chổi lúa, gọi là ba xoa hai đập, tất nhiên chủ yếu là cách thức của đàn ông nhà nông.
1. Đàn bà cũng đi chân trần khi ra đồng, nhưng khi đi chợ, dự lễ hội và những ngày giỗ Tết của gia đình, họ cũng có những đôi guốc dép nhất định. Giày cỏ có lẽ là một “design” cổ xưa nhất còn được sản xuất đến tận ngày nay, mà chúng ta có thể mua được ở các chợ phiên Cao Bằng hay Lạng Sơn, tất nhiên nguyên liệu bện giày không hoàn toàn là cỏ nữa mà chỉ cái tên được giữ nguyên.
Người Hán gọi là Thảo hài - tức là giày cỏ, bện bằng một loại cỏ dài, dai và mềm, ở các vùng biên giới Việt-Trung người ta gọi là Hải sảo (Hài thảo), cũng vậy thôi. Đôi khi người ta bện bằng rơm, dây gai hay vỏ đay. Thoạt tiên người ta bện cái đế giày vừa lòng bàn chân của mình, sau đó tết vòng lên trên để có thể xỏ chân vào.
Cách bện cũng phong phú nhiều kiểu, lại có cả dây rút cho chặt. Ở những vùng núi phía Bắc lạnh vào mùa Đông, người ta đi thêm đôi tất vải, hoặc quấn vải từ bàn chân lên gần đầu gối, rồi xỏ Hải sảo. Giày cỏ lúc mới bện cũng hay cứa vào bàn chân, khi dây còn sắc.
Dép quai ngang |
2. Từ Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) hay Thái Nguyên,Vĩnh Yên trở xuống đồng bằng, tục đi giày cỏ không phổ biến nữa và có thể nói, giày cỏ chủ yếu được các sắc tộc miền núi ưa chuộng.
Người Kinh ở đồng bằng có nhiều loại giày dép khác. Do nghèo nguyên liệu, các bà các cô trong làng cắt một mo cau làm đôi dép đơn giản cho mình, phía trên một quai xỏ bàn chân và một vòng dây nhỏ xỏ ngón chân trỏ. Loại dép tối giản này rất nhẹ và cũng rất chóng hỏng. Sau này khi có cao su, người ta cắt những đôi dép cùng kiểu bằng cao su mỏng từ các lốp xe hỏng.
Đẽo guốc gỗ dần dà trở thành một nghề nghiệp dư vẫn còn cho đến ngày nay, dù bây giờ không dễ mua được một đôi guốc mộc, nhưng đến những năm 1970, nông dân và thị dân vẫn đi guốc mộc quai cao su phổ biến. Buổi tối người ta đi họp hợp tác xã hay liên hoan văn nghệ, tiếng guốc gỗ của hàng chục người râm ran khắp ngõ làng, nghe cũng vui tai.
Guốc phụ nữ. Những hình vẽ trích trong sách “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger |
Thực ra guốc gỗ là một mốt cầu kỳ, loại gỗ tốt nhất là gỗ bồ đề thấm được mồ hôi chân và nhẹ. Người ta đẽo đôi guốc cong lên hai đầu như cái thuyền giữ lọt bàn chân vào đó và tết quai chéo như kiểu dép cao su Thái sau này, ngón cái và ngón trỏ xỏ vào đầu quai, đế guốc cao ở gần hai đầu từ 2 - 4 phân.
Đôi nón thúng, bận áo tứ thân, đi guốc thuyền là một thời trang thế kỷ 19 của phụ nữ. Càng về sau, đôi guốc càng trở nên đơn giản, chỉ còn một đế gỗ vừa lòng bàn chân và một quai ngang. Mùa Hè đi guốc gỗ chân sạch và thoáng, nên được người ta ưa chuộng. Thơ xưa có câu: Hưởng điệp lang, hưởng điệp lang/ Guốc gỗ bồ lanh lảnh chuông vàng. Hưởng điệp lang (hành lang vọng âm) là một hành lang trong cung cấm được thiết kế nền đặc biệt cho các mỹ nhân đi guốc trên đó tạo ra tiếng gõ như chuông.
Chuyên mục xuất hiện vào Chủ nhật hằng tuần trên báo TT&VH do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng thực hiện.
Để đẽo một đôi guốc gỗ cầu kỳ đâm ra thành tốn gỗ và mất nhiều công, bán lại không được bao nhiêu, nên trong thời bao cấp, người ta đúc nhiều guốc nhựa cho phụ nữ, dưới hình dáng của đôi giày Tây cao gót. Gót nhựa cao cũng dễ gãy nên đôi khi làm cho nhiều thiếu nữ ngượng ngùng phải đi đất xách guốc hỏng về nhà.
Vùng Phú Thọ người ta chuộng những đôi guốc nhuộm đỏ, rất giống màu áo cánh của các cô các bà hát xoan, ở Bắc Ninh người ta thích đi guốc mộc không sơn, ở Hà Tây các bà chủ yếu đi dép hai quai đơn giản.
Thời hiện đại guốc gỗ trở thành một mốt quan trọng và được sơn vẽ đủ các kiểu xanh đỏ vàng trắng. Có thời, những năm 1980, vẽ guốc gỗ bằng bút than, bút điện tạo ra các hoa văn màu nâu sẫm rất được ưa thích.
Mình mặc bộ cánh nâu, tay phơ phất quạt mo, chân đi guốc gỗ trông có vẻ thư nhàn là kiểu mà các vị trung niên và các thiền sư thường thể hiện.
(Còn nữa)
Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất