03/11/2011 10:58 GMT+7
(TT&VH) - 1. Mới đây, khi một số báo điện tử đưa tin về việc một số hộ dân làng Vòng dùng hóa chất nhuộm màu cho cốm, nhiều người yêu mến Hà Nội cứ băn khoăn, nghi hoặc mãi.
Cứ mong rằng, thứ hóa chất được cho là độc hại kia chỉ là cảm quan của phóng viên, khi được kiểm chứng sẽ khác. Nhưng mong chỉ để mà mong. Mới đây hai mẫu cốm làng Vòng được lấy ngẫu nhiên để kiểm tra đều bị phát hiện có chất nhuộm màu chỉ được phép dùng trong công nghiệp. Vẫn biết rằng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh và dù thiệt hại kinh tế của việc này không lớn, nhưng nó đã thẳng tay đầu độc một nét Thu của Hà Nội.
2. Những ai mê cốm làng Vòng thì đều biết, trước kia và những người làm cốm gia truyền làng Vòng bây giờ cũng nhuộm cốm, bằng thứ nước nhuộm công phu và tử tế. Người làng lấy lá dong riềng, lá lúa non rửa sạch, giã nát, cho vào nước đun sôi, lọc bỏ cặn bã, rồi cô lại thành thứ nước màu xanh dịu nhuộm lên cốm. Nhưng người nhuộm cốm ít thôi, chủ yếu để phục vụ những dịp lễ tết, cưới hỏi... khi mà gói cốm và bánh cốm cần phải “đẹp mã”, tươi tắn để bày trong gian thờ.
Một người bạn phương Nam khi ra Hà Nội đã viết: “Những hạt cốm xanh ngọc mang hương trời khí đất, cả hồn quê và huyền thoại làng, được bọc bằng chiếc lá sen phảng phất hương thơm thoát tục, bên ngoài buộc thêm một vài sợi rơm không quá chặt, không quá lỏng, như gói những nét tinh tế lên hàng nghệ thuật một món quà dân dã của người Tràng An - người Hà Nội... Cốm Vòng, đựng trong lá sen, chụm mấy ngón tay nhúm vài hạt cốm, bỏ vào miệng, nhẩn nha để vị cốm dẻo, ngọt, thơm tan ra từ đầu lưỡi thấm vào... cảm hết hương vị trời, đất, đồng quê, nắng gió trong hạt cốm”.
3. Xưa kia, người làm cốm và thưởng thức đều khó tính, đầu thế kỷ 20 Hà Nội vỏn vẹn khoảng 10 vạn dân cư, với chừng ấy người, một làng cốm làm ra thế là ổn. Nhưng giờ hãy nhìn xem, mấy triệu con người chen chúc trong những ô phố chật chội, đất trồng lúa đã nhường cho nhà bê tông, cốt thép, người làm cốm cũng ít đi, nhu cầu thì nhiều lên gấp bội phần.
Giống lúa nếp cái, hoa vàng không còn chỗ đứng quanh làng Vòng nữa. Mà nước sông Tô Lịch không còn trong veo như đầu thế kỷ nữa. Đất và nước làng Vòng đâu còn được như cũ nữa...
Từ lâu, nhiều học giả, nhiều người Hà Nội hoài cổ đã lên tiếng về sự phai nhạt của nét văn hóa Tràng An bởi sự xô bồ của phố thị đất chật người đông.
Giờ đây, hạt cốm mang trong mình cả niềm hoài cổ về văn hóa Tràng An, như trong một câu Kiều, Kim Trọng trao món quà cho người yêu Thúy Kiều hết sức văn hóa và tế nhị khi coi nhẹ giá trị vật chất, nhấn mạnh giá trị kỷ niệm: “Rằng: trăm năm kể từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Vậy nên, ai đó hãy ngừng tay đầu độc kỷ niệm “gọi một chút này” của văn hóa Tràng An.
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất