12/06/2013 08:27 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Sau quá trình làm việc kiên nhẫn với Hội đồng thẩm định nghệ thuật (Cục Điện ảnh) và chấp nhận những chỉnh sửa cần thiết, Blue Production (do diễn viên điện ảnh Hồng Ánh làm giám đốc) cũng đưa được Đường đua “qua ải”. Bộ phim sẽ ra rạp trong tháng 7 với “nhãn”: 16 +.
Gặp “sự cố” ngay ở tác phẩm đầu tay chắc chắn chẳng vui vẻ gì nhưng với đạo diễn của bộ phim, Nguyễn Khắc Huy, đó cũng là những kinh nghiệm quý giá để anh “hiểu” thêm và hòa nhập vào môi trường làm nghề tại quê nhà sau nhiều năm du học.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy
Đường đua được “khen” sẽ thấy “khó chịu”
* Là một cái tên còn quá mới ở làng điện ảnh, anh có thể cho biết cơ duyên nào đưa anh gắn bó với điện ảnh?
- Thực ra điện ảnh không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi. Gia đình cũng không có ai theo nghệ thuật. Nhưng tôi có may mắn là từ nhỏ tới lớn được xem phim rất nhiều. Lúc ở quê (La Di - Bình Thuận), trong xóm gần như chỉ nhà tôi có tivi màu nên phim ảnh được cập nhật thường xuyên. Tôi còn nhớ lúc đó trên HTV7 có chuyên mục Thế giới điện ảnh thường giới thiệu “behind the scene” của các phim. Tuần nào tôi cũng đón xem bằng được. Nhưng thích thì chỉ thích vậy thôi chứ không hề có ý định sẽ đi làm phim. Vào đại học, chỉ học được một năm ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Tôn Đức Thắng thì bị… đình chỉ.
Có quá nhiều thứ “quyến rũ” bên ngoài nên học không vô. Sau đó tôi chuyển sang học Graphic Design ở FPT Arena, trong đó có môn Edit Film. Tới đó bỗng phát hiện ra có một thứ mình thực sự đam mê tại sao lại không làm. Lúc này mới bắt đầu có ý định học về điện ảnh, mới đi lùng sách vở, tài liệu điện ảnh (cực kỳ hiếm) khắp nơi, tìm hiểu thông tin và chọn trường theo học.
* Khi du học ở Úc, lần đầu tiếp xúc với một nền điện ảnh mới anh thấy như thế nào?
- Chỉ ngay trong 1 - 2 tuần đầu tiên, toàn bộ thế giới quan về điện ảnh của tôi đã được khai thông mà nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp là được “đã thông kinh mạch” (cười). Tầm nhìn về một bộ phim được mở rộng, không như trước đây xem phim chỉ như xem một câu chuyện nữa mà mình thực sự bước vào thế giới điện ảnh. Lần đầu tiên biết thế nào là ngôn ngữ điện ảnh, bị cuốn vào đó, lạc lối trong đó không thấy đường ra mà cũng chẳng buồn ra. Trường tôi học lại là trường quốc tế, lớp học có 20 người thì chỉ 7 - 8 người Úc, còn lại đến từ nhiều nước.
Được tiếp xúc với đa dạng các nền văn hóa như thế cũng là tiếp cận thêm những cách nhìn khác nhau về điện ảnh của từng nền văn hóa. Tôi học được rất nhiều từ bạn bè (trong đó có thói quen xem mỗi ngày ít nhất một bộ phim từ một anh bạn người Tây Ban Nha). Thầy cô thì không bao giờ áp đặt, họ chỉ khơi gợi vấn đề, còn chọn đường đi như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người. Có một cô giáo và một người thầy qua những bài tập thực hành và kịch bản tôi viết đã định hướng cho tôi phong cách phù hợp nhất là thể loại: trữ tình, lãng mạn. Có lúc tôi chuyển sang viết cái gì “dark” hơn một chút thì đã được bảo: đây không phải là Huy, hãy trả Huy lại đây.
Nhưng dù nhận xét như thế nào thì quyết định luôn là ở sinh viên, họ luôn ủng hộ học trò hết mình. Và khi về đây có vẻ tôi lại càng làm trái lời thầy cô! (cười).
Trên trường quay
* Và đó chắc là trường hợp của Đường đua. Anh đã hình thành dự án này như thế nào?
- Hồi còn học ở Úc, tôi đã viết một kịch bản lấy bối cảnh đồng quê Úc, nhân vật là người phương Tây, kể những câu chuyện ở Úc. Tôi muốn thực hiện thành bộ phim tầm 20 phút nhưng điều này quá tầm một sinh viên (nhất là về kinh phí). Học xong về Việt Nam khi đi du lịch lại có cơ hội tham quan đoàn làm phim. Cảm giác của tôi cứ như một cầu thủ chuyên nghiệp đang trong kỳ nghỉ thì bất chợt gặp một sân bóng đá phủi vậy.
Lúc này, Blue Production có dự án phim ngắn 89600 km +… thế là tôi làm Chuyện tào lao. Rồi chị Hồng Ánh hỏi tôi có kịch bản phim dài nào không. Kịch bản thì tôi viết nhiều nhưng có một kịch bản mà tôi cho rằng hoàn toàn vừa sức. Và từ câu chuyện của kịch bản cũ đã phát triển thành 3 kịch bản khác nhau theo dạng trilogy: 3 câu chuyện khác nhau cho cùng một chủ đề. Đường đua là một phim trong series đó.
* Là một đạo diễn trẻ, ở tác phẩm đầu tay đã được đầu tư khá lớn. Anh có cho là mình may mắn?
- Tôi không nghĩ đó là may mắn mà là một cơ hội mà mình đã nắm bắt được thì đúng hơn. Vì những gì đang làm đều nằm trong kế hoạch đường dài của tôi khi về nước. Nếu không phải là Blue Production thì cũng sẽ là một hãng phim khác hoặc tôi sẽ làm phim độc lập.
* Vậy Đường đua là bộ phim anh “nên” làm hay “phải” làm?
- Cả hai. Tôi “nên” làm vì đây là kịch bản tôi cho rằng hoàn toàn vừa sức, vừa khả năng, tôi tự tin mình có thể làm tốt. Và tôi “phải” làm một phim dài đã, điều này trong kế hoạch rồi. Mà mọi đạo diễn khi viết kịch bản đều có một thôi thúc là phải làm bằng được kịch bản đó.
* Anh có hài lòng với bộ phim?
- Khi quyết định làm Đường đua là tôi tự tin vào khả năng chuyên môn cũng như những gì đã học được ở trường. Nhưng khi bước vào thực tế làm phim dài ở Việt Nam rồi thì lại có quá nhiều khác biệt so với những gì tôi đã làm ở Úc. Có quá nhiều những thứ hầu như không thể lường trước được. Và tôi buộc phải có một số thỏa hiệp nhất định. Đây lại là điều tối kỵ của người đạo diễn. Nhưng nhìn chung quá trình từ khi thực hiện đến lúc dựng là tôi đã dốc hết tâm sức, đã làm hết sức trong khả năng có thể.
* Khi biết Đường đua vướng phải khâu duyệt phim, anh cảm thấy thế nào?
- Bất cứ một đạo diễn nào khi làm phim mà tác phẩm của mình bị cắt xén là đã đau lòng lắm rồi. Huống chi đây lại là lần đầu tiên phim của mình bị người khác cho ý kiến, bảo chỉnh sửa. Lúc đầu chưa quen cũng thấy buồn nhưng tôi chấp nhận vì đó là luật rồi, ở đâu cũng vậy (kể cả nền điện ảnh thông thoáng như Hollywood).
* Bản chỉnh sửa này có làm ảnh hưởng nhiều đến kịch bản gốc?
- Dù gì thì đây cũng là bộ phim mà tôi phát triển ý tưởng, khai sinh nó, cho nó ra đời. Dù có bị thay đổi hình hài, khen chê như thế nào cũng là bộ phim của tôi. Thành thực mà nói nếu bộ phim bị chê thì tôi còn chấp nhận được chứ được khen mới là khó chịu. Vì từ đầu tôi đâu có định làm như vậy đâu. Có khen cũng là khen Hội đồng thẩm định chứ đâu có khen mình.
* Sự việc này có ảnh hưởng đến anh?
- Thẳng thắn mà nói là ảnh hưởng nhiều. Hầu như đã làm xáo trộn kế hoạch đường dài của tôi khi Đường đua bây giờ đã không còn dính gì tới series 3 phim tôi định làm nữa rồi. Nhưng về nhiệt huyết thì chắc là không giảm vì ngay từ đầu tôi đã xác định mình không làm phim vì danh vọng hay tiền bạc (kiếm tiền nhờ phim thì ở đâu kìa chứ ở Việt Nam thì… khó).
Chỉ đạo Phạm Anh Khoa diễn xuất
Không ai làm phim cổ súy bạo lực
* Thời gian qua có khá nhiều bộ phim vướng phải khâu duyệt vì bị cho là bạo lực, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Tại sao đã biết vậy mà các nhà làm phim vẫn làm rồi trách cứ Hội đồng thẩm định không thông thoáng mà bản thân lại không tìm cách thích nghi?
- Thực ra từ đầu tôi đã hỏi ý kiến nhiều người có kinh nghiệm rằng với kịch bản như vậy có vướng mắc gì không. Cũng đã tham khảo kỹ luật điện ảnh, những quy định về vấn đề bạo lực: như việc dùng vũ khí nóng, tiếp xúc da thịt như thế nào… và tôi đều né hết.
Quan điểm của tôi khi làm phim là không phải kể một câu chuyện mà dẫn dắt người xem vào một thế giới khác mà mọi người sẽ nhìn và cảm nhận theo cách riêng của mình. Không ai làm phim để cổ súy bạo lực hết. Mục đích của người làm phim có sử dụng yếu tố bạo lực là hướng tới sự cảnh báo (như kiểu những biển cảnh báo tai nạn giao thông với hình ảnh tai nạn ghê rợn trên đường). Nhưng bộ phim bao giờ cũng là một bộ phim nó khác với tin nóng thời sự hay những clip đánh nhau, giết chóc thực sự ắp đầy trên các mạng xã hội.
“Cảm giác sung sướng nhất của người đạo diễn là phim của mình làm ra được công chiếu, thế giới của mình sáng tạo được hiện diện trên màn ảnh rộng” (Nguyễn Khắc Huy)
Nhưng dù sao tới thời điểm này tôi thấy mình cũng đã tạm thích ứng và hòa nhập được với môi trường làm nghề tại Việt Nam. Buộc phải thích ứng thôi vì tôi là người Việt Nam và muốn làm phim Việt Nam. Tôi nhớ mãi câu nói của một người thầy ở Úc: dù tôi có sống ở phương Tây bao lâu, có đổi màu da, màu tóc thì tư duy vẫn là người Á Đông và đừng bao giờ cố gắng làm một bộ phim kiểu phương Tây.
* Khó khăn nhất với một đạo diễn trẻ như anh là gì?
- Tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ cũng là một bất lợi khi tiếng nói của mình không được mạnh như mong muốn. Tại sao mọi người cứ nghĩ đã là đạo diễn thì phải già nhỉ? Với tôi còn có đôi chút khó khăn do môi trường làm phim ở Việt Nam quá khác.
Ở Úc dù sao cũng là “sân sau” của Hollywood nên được chuyên nghiệp hóa cao độ, mỗi bộ phận đều có chuyên viên hết. Việt Nam mình thiếu hụt nhân lực nên mỗi người phải kiêm nhiệm nhiều vị trí. Với Đường đua tôi cũng không được toàn tâm toàn ý chỉ làm nhiệm vụ của mình mà cũng góp ở khâu này một chút, khâu kia một chút. Nhưng đó là những trải nghiệm thú vị đặc biệt khi được làm chung với một ê-kíp còn rất trẻ, cùng thế hệ và nhất là cùng “hệ tư tưởng”. Tôi xem đó là thử thách hơn là khó khăn.
* Và thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay rõ ràng rộng mở hơn nhiều cho các đạo diễn trẻ?
- Đúng, cơ hội đã nhiều hơn rất nhiều. Sau những dư luận về Bụi đời Chợ Lớn, rồi Đường đua… tôi thấy người Việt mình đã quan tâm nhiều tới điện ảnh đó chứ. Đến rạp xem phim đã là một thói quen văn hóa của giới trẻ, phim ảnh cũng trở thành chủ đề bàn luận trong những câu chuyện hàng ngày. Rõ ràng, điện ảnh Việt Nam đang trên đà phát triển dù có hơi chậm.
* Cám ơn những chia sẻ của anh. Chúc bộ phim thành công!
Thực hiện Ngọc Tuyết
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất