Chợ Vòm "tạm nghỉ" đâu là nguyên nhân thật?

01/07/2009 13:55 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chợ Vòm (tên tiếng Nga là Cherkizovsky) ở quận Đông của Moskva đã tạm đóng cửa 2 ngày qua. Tuy đây là chuyện nội bộ của nước Nga nhưng nó liên quan mật thiết đến sự sống còn của 100.000 thành viên cộng đồng người Việt. Báo chí phương Tây cũng quan tâm đến sự kiện này bởi đằng sau cánh cổng chợ là mối tương quan giữa các thế lực kinh tế - chính trị ở Nga.

Cuộc đọ sức giữa các đại gia?

Các ngày 29 và 30/6, khu chợ lớn nhất Moskva (rộng hơn 240ha) đóng cửa để “tẩy trùng”. Chợ Vòm từ lâu đã bị các cơ quan chức năng và người dân địa phương kêu ca là “quá bẩn”. Chính quyền quận Đông cho biết họ không có thẩm quyền đóng hẳn khu chợ này nhưng cũng không nói nó sẽ phải “nghỉ ngơi” bao lâu.

Hiện tại các cánh cổng chợ đóng im ỉm và được cảnh sát canh phòng. Bãi xe, nơi mỗi ngày có tới 5.000 chiếc xe đường dài đến vận chuyển hàng, vắng hoe.


Người Việt ở chợ Vòm trước ngày "tạm nghỉ"

Tháng 6 qua, chợ Vòm là tâm điểm của vụ scandal liên quan đến hàng lậu. Ngày 1/ 6, Thủ tướng Nga Vladimir Putin yêu cầu Bộ Nội vụ, Cơ quan An ninh Liên bang và Viện kiểm sát Tối cao nước này phải thực hiện triệt để cuộc chiến chống buôn lậu và sản xuất bất hợp pháp. Ngay lập tức các cơ quan chức năng vào cuộc.

Tuy nhiên, việc đóng cửa vĩnh viễn chợ Vòm là điều không hề đơn giản. Chính quyền thành phố Moskva ít nhất đã 5 lần hứa hẹn di dời chợ, giải phóng mặt bằng cho những công trình lớn của liên bang. Đó là vào các năm 2005, 2006, 2007, 2008 và tháng 6/2009.

Báo chí Nga cho biết chủ chính của chợ Vòm là đại gia gốc Azerbaijan Telman Ismailov, bạn thân của Thị trưởng Moskva Yury Luzhkov. Trong tháng 6 có hai “cú đấm” giáng vào Ismailov. Thứ nhất là việc khởi tố hình sự vụ buôn lậu hàng trẻ em độc hại ở chợ Vòm. Thứ hai, Thị trưởng thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) lệnh cho các cơ quan chức năng điều tra về những vụ vi phạm trong việc xây dựng khách sạn Mardan Palace của Ismailov.

Tờ Sunday Times (Anh) nhận xét rằng, Thủ tướng Nga Putin rất không hài lòng về việc Ismailov đem 1,3 tỷ USD ra nước ngoài xây khách sạn trong khi Nga đang lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế nặng nề. Vụ bắt giữ hàng lậu ở chợ Vòm xảy ra từ tháng 9/ 2008 nhưng báo chí Nga chỉ biết và làm ầm lên sau khi Mardan Palace khai trương (cuối tháng 5/2009).

Tờ Sobecednik (Nga) bình luận rằng, đằng sau sự “lình xình” xung quanh chợ Vòm là cuộc đọ sức của các thế lực ở Nga. Khu chợ sầm uất này thuộc về hai tỷ phú Ismailov và Zarakh Ilyev (cũng là người gốc Azerbaijan). Trước đây Isamailov có uy lực lớn nhưng theo tờ báo trên, bạn của ông chỉ là Thị trưởng Moskva, trong khi đó lực lượng hậu thuẫn cho Ilyev, ngoài Cơ quan An ninh Liên bang, còn có một nhân vật vô cùng “hoành tráng”. Trong bối cảnh tương quan lực lượng như vậy thì tuyên bố của Thủ tướng Nga về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu dễ dàng được hiểu là một tín hiệu ngầm. Thực ra từ trước, Ismailov đã bị một số nhân vật có thế lực của chính quyền “để ý”.

Người Việt lo ngại và chờ đợi

Suốt tháng 6, mùa làm hàng Hè của người Việt, chợ Vòm bị kiểm tra liên tục. Từ giữa tháng, lực lượng OMON (cảnh sát đặc nhiệm) có mặt thường xuyên ở chợ khiến bà con buôn bán thấp thỏm. Chị Linh Nga (quê Hải Dương) than thở: “Hè này ế quá. Một phần do khủng hoảng, một phần do thời tiết nóng lạnh thất thường. Đã thế lại còn kiểm tra, kiểm soát liên tục, hầu như hàng ngày. Tôi chỉ dám ra chợ buổi sáng, bán quáng quàng một tý rồi về, chiều nghỉ”.

Lý do chợ tạm đóng cửa, thời gian bao lâu, những người buôn bán ở đây nắm được một cách lơ mơ. Anh Đức Toàn (quê Hòa Bình) cho biết: “Thực ra chúng tôi không quan tâm đến việc chợ nghỉ là do đấu đá hay vì mất vệ sinh. Chúng tôi chỉ biết là nghỉ ngày nào thì thiệt ngày đó vì thuế má, các khoản phí ở chợ có được giảm chút nào đâu”.

Tâm lý chung của cộng đồng người Việt ở Moskva là e ngại, thấp thỏm. Hai ngày qua, những người buôn bán ở chợ Vòm vẫn dậy thật sớm, chờ người đi trước gọi điện về báo chợ có mở hay không. Quanh năm quần quật buôn bán, không dám nghỉ ngày nào, kể cả mùng Một Tết Âm lịch, thế nhưng khi “được nghỉ chợ” thì không một ai nghỉ ngơi thực sự, bởi tâm trí trĩu nặng nỗi lo về tương lai.

Chị Thanh Phương (quê Hưng Yên) đứng ngồi không yên. Vốn liếng của chị là 2 container cho thuê ở chợ AST (thuộc chợ Vòm). Bình thường, mỗi năm chị thu được vài chục nghìn USD. Nhưng năm nay mức giá thuê “công” giảm mạnh mà vẫn khó cho thuê. Thậm chí tại một số dãy chợ, chủ “công” phải “kênh ngược” cho người thuê (chủ trả một số tiền cho người thuê để “nuôi công”).

Người Việt ở các thành phố khác tại Nga cũng “nghỉ ăn theo” chợ Vòm. Thời khủng hoảng, người buôn bán ở các địa phương chỉ nhập hàng nhỏ giọt. Chợ Vòm đóng cửa bao nhiêu ngày có nghĩa là bấy nhiêu ngày không có hàng tỏa đi các điểm trung chuyển hay chợ bán lẻ ở Ufa, Ekaterinburg, Vladimir, Volgograd... Anh Nguyễn Văn Tâm (quê Hà Nội) ở Ekaterinburg ngày 29/ 6 về Moskva lấy hàng, đúng hôm đầu tiên chợ nghỉ. Hiện giờ anh trong tình trạng dở dang, quay về Eketarinburg mất 36 giờ tàu hỏa và cũng không có hàng để kinh doanh, còn đợi chợ Vòm mở cửa trở lại thì chầu chực tốn kém không biết đến bao giờ.

Không nhiều người Việt ở Nga đọc được tin, xem được truyền hình của nước sở tại. Họ tìm thông tin về chợ Vòm qua các tờ báo khổ nhỏ của cộng đồng hoặc trang web mekongnet.ru. Phần lớn người Việt tìm thông tin về Nga trên các trang báo... Việt.

Anh Hồng Hải (quê Nghệ An) tâm sự: “Phải bó gối nằm nhà đúng vụ làm ăn thế này, tôi lo lắm. Giữa tháng 7 là hết mùa quần áo Hè rồi mà tôi còn đọng rất nhiều áo phông. Nhưng bố mẹ tôi ở Việt Nam còn sốt ruột hơn, gọi điện sang liên tục. Tôi cũng như mọi người, chỉ biết chờ đợi và hy vọng chợ Vòm sẽ hoạt động trở lại. Tôi không dám nghĩ đến việc chuyện gì sẽ xảy ra cuối năm (thời điểm đóng cửa chợ Vòm như Thị trưởng Moskva từng tuyên bố)”.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm