"Điều chỉnh giá hàng thiết yếu nhằm xóa bao cấp giá"

22/02/2011 08:48 GMT+7 | Thế giới

Tỷ giá VND/USD tăng và giá một số các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than... đang rục rịch tăng đã có những tác động lớn đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh những vấn đề này.

(Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN)

- Thưa ông, việc điều hành giá năm 2011 được dự báo là sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vậy ông có thể đưa ra dự báo gì về thị trường giá cả trong năm nay, cũng như những giải pháp để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% mà Chính phủ đã đưa ra, đồng thời giữ vững sự ổn định của xã hội?

Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa: Đúng vậy. Mục tiêu năm 2011 phải kiểm soát CPI tăng không quá 7% là mục tiêu phấn đấu rất khó khăn. Tính khả thi không vững chắc do nhiều nhân tố tác động bất lợi, khó kiểm soát như nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với các nguy cơ lớn, lạm phát, giá cả đang xảy ra ở mức cao, đe dọa sự bất ổn kinh tế của nhiều nước tương tự như giai đoạn từ giữa năm 2007 đến giữa năm 2008.

Ở trong nước, những yếu kém vốn có về cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, kết cấu hạ tầng…chưa được khắc phục có hiệu quả vẫn là những yếu tố tiềm ẩn gây lạm phát cao và bất ổn định nền kinh tế vĩ mô. Tổng cầu của nền kinh tế đang cao hơn so với tổng cung.

Mặt khác, chúng ta lại phải tiếp tục lộ trình điều chỉnh một số giá theo cơ chế thị trường nhằm xóa một bước bao cấp qua giá mà Nhà nước đang định giá như điện hoặc kiểm soát giá bằng những hình thức thích hợp (đối với xăng, dầu)…. Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng sẽ tạo ra sức ép đẩy mặt bằng giá tăng.

Để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9/1/2011 Chính phủ đã đề ra, nhưng với liều lượng mạnh hơn, quyết liệt hơn.

Cụ thể như phải thực hiện ngay các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh; thực hiện các biện pháp khống chế tổng cầu của nền kinh tế thông qua việc giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu xuống dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, áp dụng các giải pháp kinh tế tăng tính ổn định của thị trường vàng, ngoại tệ, lãi suất; thực hiện cơ chế giá thị trường, đẩy mạnh cạnh tranh về giá; kiểm soát độc quyền và liên minh độc quyền đồng thời với kiểm soát có hiệu quả hoạt động của thị trường chống các hành vi gian lận thương mại, vi phạm hoặc chấp hành không nghiêm túc các pháp luật về kinh doanh, tài chính, tiền tệ, giá cả….

- Với mức tăng của giá điện dự kiến là 15,28% và có khả năng áp dụng từ ngày 1/3 năm nay, ông đánh giá thế nào về khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm và mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến toàn bộ nền kinh tế?

Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa: Theo số liệu trên thì giá điện mới sẽ tăng bình quân là 165 đồng/kWh, đó là giá điện chưa được tính đủ, còn phải khoanh lại khoảng 27.917 tỷ đồng chi phí phát sinh từ năm trước để phân bổ dần cho các năm sau; cũng như chưa tính theo tỷ giá mới điều chỉnh, Nhà nước lùi khấu hao tài sản của ngành điện và không tính lợi nhuận….

Giá điện tăng đương nhiên tác động làm tăng giá thành sản phẩm và giảm lợi nhuận của các ngành sử dụng điện. Nhưng tăng giá thành, giảm lợi nhuận bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc quản lý, sắp xếp sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của từng đơn vị trong nền kinh tế.

Đối với các hộ nghèo theo tiêu chí mới, Nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ đối với 50 kWh đầu tiên của điện sinh hoạt. Giá điện tăng sẽ tác động làm CPI tăng trực tiếp của vòng 1 về lý thuyết khoảng 0,38%. Nếu tính tác động đến các vòng tiếp theo và cả các yếu tố tâm lý kỳ vọng thì tỷ lệ tăng chung vào khoảng 0,76%.

- Từ ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá VND/USD lên 9,3%, đây là mức điều chỉnh cao nhất từ trước tới nay, điều này kéo theo sự tăng giá đồng loạt của nhiều loại hàng hóa, nhất là các mặt hàng phụ thuộc nhập khẩu và mặt hàng sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa: Tỷ giá là một yếu tố cấu thành nên giá vốn của hàng nhập khẩu; giá nhập khẩu không tăng, tỷ giá tăng (đồng Việt Nam giảm giá) sẽ làm tăng giá thành, giá vốn của hàng nhập khẩu và mặt hàng sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu. Nếu năm nay kim ngạch nhập khẩu đạt 93 tỷ USD, tỷ giá tăng lên 1.400 đồng/USD thì nền kinh tế bị một khoản chi phí tăng lên không nhỏ.

Tỷ giá tăng không chỉ khiến giá hàng nhập khẩu bị tác động mà giá mua hàng xuất khẩu ở thị trường nội địa cũng tăng, do tỷ giá tăng khuyến khích xuất khẩu đã đẩy nhu cầu xuất khẩu tăng kéo giá tăng. Nhiều kết quả nghiên cứu cho biết cứ giảm giá danh nghĩa đồng nội tệ 1% thì đẩy lạm phát tăng 0,1%.

Tuy nhiên, tình hình thực tế của nước ta hiện nay không hoàn toàn diễn ra như vậy, vì trừ những doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa được ưu tiên bán ngoại tệ với tỷ giá 19.500 VND/USD, nay bị điều chỉnh tăng thêm 1.400 VND/USD, còn những doanh nghiệp phải mua tỷ giá thỏa thuận, tỷ giá thị trường thì đã phải hạch toán theo tỷ giá xoay quanh mức tỷ giá mới điều chỉnh khá lâu rồi.

Chính vì thế mà khoản chi phí đẩy lên đối với nền kinh tế không lớn đến mức như trên, và chính vì vậy "phương trình" cứ giảm giá đồng nội tệ 1% thì lạm phát tăng 0,1% cũng không hoàn toàn diễn ra như vậy nữa.

Cái chính ở đây là một mặt các doanh nghiệp phải có biện pháp hạn chế tác động; còn Nhà nước phải nhận diện được rất nhiều hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh tỷ giá cộng tác động cộng hưởng của lòng tin vào đồng tiền, của yếu tố tâm lý mà giá cả bị đẩy lên. Do đó, các giải pháp điều tiết, kiểm tra và kiểm soát phải được áp dụng kịp thời.

- Tỷ giá tăng, chắc chắn giá xăng dầu phải tăng theo. Vậy theo ông, sau khi giá điện tăng, thời gian tới giá than và giá xăng sẽ được điều chỉnh như thế nào để phù hợp với khả năng chịu đựng của nền kinh tế?

Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa: Câu hỏi này đúng với trường hợp giá xăng dầu đang ở mức cao làm cho giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành. Nếu giá thế giới giảm thì lại có cách ứng xử khác.

Chúng ta đang vận hành việc kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; trong đó, giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Do đó, việc sử dụng các công cụ để bình ổn giá (chứ không phải cố định giá), trong đó có việc phải điều chỉnh giá cũng là bình thường. Điều hành lần này vẫn có nhiều biện pháp không gây sốc mà vẫn thực hiện chia sẻ với người tiêu dùng bởi Nhà nước vẫn thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu với mức 0%.

Nếu phải điều chỉnh giá tăng cũng là để xóa bao cấp một bước qua giá, tránh làm méo mó toàn bộ hệ thống giá và ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới đang diễn biến rất phức tạp.

- Xin cảm ơn ông!

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm