Chết vì món quen… cá nóc

28/12/2010 10:06 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Cuối tuần rồi người chú họ tôi ở Quảng Ninh gọi điện thông báo rằng “cô mày chết rồi”, chưa kịp trấn tĩnh chú ấy nói tiếp “chị ấy ăn cá nóc bao nhiêu năm nay chẳng sao, lần này thì đi theo nó thật rồi, đúng là cái số run rủi...”.

Chuyện là chị Nguyễn Thị H. 46 tuổi ở phường Cao Thắng, TP Hạ Long đi chợ mua cá nóc về ăn, cả nhà có 3 người cùng bị ngộ độc, chị H. ăn nhiều đã chết trên đường cấp cứu, còn chồng và con gái lâm cơn nguy kịch. Chồng chị nói, bao nhiêu năm nay gia đình vẫn mua loại cá quen thuộc này về ăn mà không hề hấn gì, không ngờ lần này ăn phải con cá có trứng nên chỉ sau khi ăn 1 tiếng đồng hồ là thấy bì mặt, dày môi, khó thở và nôn... Vừa tới bệnh viện thì chị tắt thở, anh hôn mê sâu, may cho đứa con gái chỉ bị nhẹ vì ăn ít.

Nhiều người tử vong do ăn cá nóc. (Nguồn: Internet)

Câu chuyện cho thấy người dân đã mất cảnh giác với loại cá độc này đến mức nào. Họ biết ăn cá nóc là rất nguy hiểm, nhưng vẫn ăn chỉ vì thịt nó ngon, đã ăn nhiều lần rồi mà chẳng sao! Họ chủ quan, làm liều với chính mạng sống của mình. Chỉ số ít chết oan khi ăn phải cá nóc độc mà không biết.

Hiện ở các vùng biển nước ta có 66/400 loại cá nóc khác nhau và hầu hết là cá nóc độc. Độc tố trong cá nóc rất lớn, với người bình thường chỉ cần ăn 10 gram thịt cá là đã bị ngộ độc. Chỉ từ 1 - 2 miligam độc tố Tetrodotoxin trong cá có thể gây chết người. Lượng độc tố này trong cá nóc có thể cao gấp 275 lần chất Xyanua và gấp 50 lần so với hạt mã tiền. Chất độc trong cá nóc khi nấu chín, ở nhiệt độ dưới 1.000 độ C thì nó không hề giảm, có nghĩa nó rất bền vững, khó phân hủy nên khi nấu chín mà ăn vẫn bị độc. Không chỉ có cá tươi mới độc, cá đã phơi khô, để lâu ngày lượng độc tố Tetrodotoxin vẫn không bị mất đi, kể cả chế biến thành nước mắm cá nóc khi ăn vào vẫn ngộ độc như thường.

Cá nóc còn có tên cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà, cá bò hòm... màu sắc cơ thể thường rất sặc sỡ, hình thù lạ mắt. Độc tố của nó nằm chủ yếu ở các cơ quan nội tạng như mật, gan, ruột, các cơ quan sinh sản và da. Vào mùa sinh sản lượng độc tố trong cơ quan sinh sản tập trung rất cao.

Nhiều lần, các cơ quan chức năng đã khuyến cáo, thậm chí còn cấm người dân không được mua bán, chế biến các loại cá nóc làm thực phẩm, nhưng nhiều năm nay vẫn có người tử vong vì ngộ độc cá nóc. Hiện nay khoa học chưa tìm được thuốc giải độc cá nóc. Như thế, nhiều người không phải vì “điếc không sợ súng” mà vì món ngon quen miệng cứ ăn?
Thái Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm