Sang năm, viện phí sẽ tăng

15/09/2011 10:51 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Tại Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia để xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định 95/CP của Chính phủ về việc thu một phần viện phí do Bộ Y tế và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức sáng ngày 14/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc điều chỉnh khung viện phí đối với 350 dịch vụ y tế đang áp dụng từ năm 1995 là việc làm cần thiết, nhưng phải nằm trong khả năng chi trả của người dân và phải có hỗ trợ tối đa cho người nghèo, đối tượng chính sách, không gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Trong quý 4/2011 Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ về mức điều chỉnh cụ thể của 350 dịch vụ y tế, để đến năm 2012 triển khai thực hiện.

Tăng viện phí là… cấp thiết

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong hơn 3.000 dịch vụ y tế đang được thực hiện, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành khung giá từ năm 1995, đến nay đã 16 năm chưa được điều chỉnh. 2.650 dịch vụ được ban hành khung giá từ tháng 1/2006, đến nay cũng đã gần 6 năm. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc điều chỉnh là yêu cầu cấp bách.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến so sánh: “Trong khi mức lương cơ bản đã tăng từ 120 nghìn đồng những năm 1990 lên mức 830 nghìn đồng hiện nay mà giá dịch vụ y tế vẫn không thay đổi là điều hết sức vô lý”.

“Giá dịch vụ y tế được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí phục vụ người bệnh, phần Nhà nước đã đầu tư thì không thu của người bệnh. Đổi mới cơ chế tài chính trong các đơn vị y tế công lập gắn với việc thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân” - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.

Ông Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E cho rằng: “Nhiều bệnh viện đã quá bức xúc muốn đổi mới cơ chế hoạt động tài chính vì nếu chậm đổi mới thì sẽ dẫn đến tình trạng hoạt động bế tắc. Hiện tượng chảy máu chất xám tiếp tục ngày càng phổ biến, các bác sĩ chuyển hết sang bệnh viện tư nhân hoạt động gây khó khăn không ít cho các cơ sở y tế công lập”. Ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đưa ra ý kiến: “Tăng giá dịch vụ y tế, người dân có thể có khó khăn nhưng nếu không tăng bản thân người dân lại chịu thiệt thòi nhất. Nhiễm khuẩn bệnh viện có nơi tới 30-40% chính là hậu quả mà bệnh nhân phải gánh”!

Nhưng người tham gia BHYT sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi tăng viện phí

Người có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng nhiều

Trong dự thảo lần này, Bộ Y tế dự kiến giai đoạn 2011-2012 sẽ điều chỉnh phí của 350 dịch vụ đã áp dụng từ năm 1995.

Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ quy định từ năm 1995 chỉ từ dưới 3 nghìn đồng/lần khám đến nay không đủ để mua găng tay, khẩu trang, trong khi còn nhiều chi phí trực tiếp khác như vật tư, điện, nước, dụng cụ...

Trên cơ sở tính toán chi phí hiện nay, Bộ Y tế đề xuất mức điều chỉnh từ 6 đến 25 nghìn đồng tùy theo từng hạng bệnh viện, từng chuyên khoa sẽ có mức phù hợp.

Đối với giường điều trị nội trú quy định tại thông tư ban hành năm 1995 chỉ từ 4 đến 18 nghìn đồng, trong khi đó chỉ tính riêng tiền xử lý chất thải cho 1 giường bệnh trong 1 ngày đã vào khoảng 10 đến 17 nghìn, tiền điện, nước vệ sinh cũng khoảng 10 nghìn đồng/ngày, nếu phòng có điều hòa thì chi phí cao hơn nhiều. Bộ Y tế dự kiến mức điều chỉnh sẽ thay đổi theo hướng trạm y tế xã từ 10 đến 15 nghìn đồng/ngày, giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 30 đến 120 nghìn đồng/ngày...

Đối với các thủ thuật có nhiều phương pháp thực hiện khác nhau như nội soi, siêu âm hoặc có thể gây tê, gây mê thì quy định cụ thể khung giá theo từng loại để thuận lợi cho việc thanh toán.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc tăng giá viện phí không ảnh hưởng nhiều tới 53 triệu người đã có thẻ BHYT vì chi phí khám chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản đã được BHYT chi trả, kể cả 1 số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Phần tăng thêm cũng được BHYT thanh toán theo tỷ lệ quy định tại Luật BHYT.

Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm