Xem, cảm nhận và ngẫm về "Cánh đồng bất tận"

25/10/2010 16:06 GMT+7

(TT&VH Online) - Với nhiều độc giả, tác phẩm Cánh đồng bất tận đã trở thành cuốn sách gối đầu giường, có sức lay động ghê gớm đến suy nghĩ của con người trong thời buổi người ta vướng bận quá nhiều đến cơm áo gạo tiền. Và thật may cho những người yêu điện ảnh là bộ phim cùng tên cũng đã khiến người xem phải xúc động.
 

Vô hình trung, trước khi ra rạp, bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đón nhận được nhiều sự quan tâm từ những người yêu truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi cũng là một người trong số đó. Tôi hồi hộp chờ đợi ngày ra mắt bộ phim khi biết rằng ông đạo diễn này đã ấp ủ và theo đuổi dự án làm phim trong nhiều năm để đứa con tinh thần ra đời "vuông tròn khỏe mạnh". Là người yêu tác phẩm “Cánh đồng bất tận”, xin có đôi lời chia sẻ sau khi thưởng thức bộ phim.

Khung cảnh sông nước miền Tây quá sinh động và quá đẹp

Những nét đặc trưng, hoang dã của sông nước miền Tây đã được các nhà làm phim chắt lọc và đưa vào phim những hình ảnh đắt giá: cảnh họp chợ trên sông, cảnh rước dâu trên sông, cảnh cánh đồng lúa vàng chạy dài bất tận đẹp mê hồn…, thật vô cùng cuốn hút với những người như tôi, chưa một lần đặt chân đến miền đất bí hiểm ấy, cũng như làm thỏa mãn hơn trí tưởng tượng về khung cảnh lãng mạn của những người yêu tác phẩm.


Cảnh trong phim

Kết cấu phim chặt chẽ, nút thắt mở hợp lý

Bộ phim Cánh đồng bất tận mặc dù có chút đảo ngược về diễn biến câu chuyện so với tác phẩm nhưng tác giả kịch bản đã rất tỉnh tạo và có nghề tiếp thu triệt để kết cấu chung của truyện, vốn được coi là hơi thở tạo nên thành công tác phẩm. Chính vì vậy, người xem đều cảm nhận được nét buồn man mác bao trùm không gian bộ phim giống như trong không gian tác phẩm.

Những đứa trẻ (Nương và Điền) cam chịu sống trong sự hà khắc của người cha, xa lánh cộng đồng, không người quen, không bạn bè. Chúng khao khát được quan tâm chăm sóc, được yêu thương và những cảm xúc ấy dồn nén chỉ được bùng phát dữ dội khi chúng cứu cô gái giang hồ, hết lòng quý mến cô, coi cô như hình bóng trở lại của người mẹ mà chúng vẫn thầm mong nhớ. Nhưng rồi tia hy vọng ấy cũng chợt tắt khi cô gái điếm cũng bỏ chúng ra đi, cô không chịu được sự khinh mệt của ông Võ (cha hai đứa trẻ) về thân phận của mình. Cô có thể bỏ qua sự khinh miệt của người đời khi làm nghề "buôn hương bán phấn" nhưng cô không vượt qua được nỗi ê chề khi người đàn ông cô muốn hoàn lương gắn bó cuộc đời lại chỉ dành cho cô thái độ rẻ rúng như món hàng "bóc bánh trả tiền" ngoài chợ. Đứa con trai (Điền) bỏ đi sau khi cô gái điếm bỏ đi, hai bố con ông Võ tiếp tục cuộc đời du mục nay đây mai đó.

Cao trào đã thực sự đẩy lên đỉnh điểm khi ông Võ phải chứng kiến nỗi đau đứa con gái bị làm nhục bởi đám thanh niên giang hồ. Đây là chi tiết đắt mà các nhà làm phim rất tinh tế chắt lọc từ tác phẩm để đưa vào phim, để thuyết phục người xem đến kết cục ông Võ đã thực sự thức tỉnh, cùng con gái xây dựng tổ ấm, định cư lâu dài trên một mảnh đất an bình, có xóm làng và tiếng trẻ bi bô gọi nhau đi học.

Phải thừa nhận là các nhà làm phim đã rất tôn trọng những nét hay nét đẹp của tác phẩm và nâng niu, thổi hồn thêm cho những chi tiết sáng giá ấy khiến chúng trở nên rực rỡ hơn trong phim. Rất nhiều câu thoại, hành động của nhân vật trong truyện được sử dụng trọn vẹn trong phim làm nổi bật rõ nét tính cách từng nhân vật. Cảnh Hai Sương tuy bị đánh bầm dập, nằm mê man đau đớn nhiều ngày nhưng khi tỉnh dậy được hai đứa trẻ hỏi lý do bị đánh vẫn tỉnh bơ trả lời: “bị đụng hàng ấy mà”, cho thấy tính cách gan lỳ, bình thản trước những va chạm, phức tạp, hiểm nguy luôn thường trực trong cuộc sống giang hồ của cô.

Điều thành công nữa phải kể đến là bộ phim đã thực sự gây xúc động cho người xem. Mặc dù đã đọc nhiều lần tác phẩm nhưng xem xong phim, tôi vẫn bị ám ảnh bởi số phận các nhân vật, vẫn cảm thấy thương cảm trước hoàn cảnh của họ. Đây là ghi nhận và sự trân trọng của cá nhân tôi với đoàn làm phim. Nhiều phim Việt Nam mặc dù dựa trên nguyên tác nổi tiếng nhưng xem phim lại thấy xa lạ như chưa hề biết đến tác phẩm, nội dung càng bi thì càng gây cười cho khán giả, lạm dụng cảnh nóng mà chẳng nổi bật thêm điều gì (cảnh nóng trong Cánh đồng bất tận rất thẩm mỹ và chừng mực, người xem dễ dàng chấp nhận vì nằm trong mạch chính của truyện phim). Đành rằng các nhà làm phim có quyền phóng tác sáng tạo đứa con tinh thần của mình nhưng nhiều sáng tạo càng làm càng thấy tối cả bộ phim. Vậy thì không làm hay hơn được thì hãy làm giống và hay như tác phẩm cũng là đáng khen ngợi rồi.

Diễn xuất đáng ngạc nhiên

Có lẽ phải còn lâu điện ảnh Việt Nam mới lại có được thế hệ vàng với diễn xuất tuyệt vời của cô Trà Giang, chú Lâm Tới, chú Thế Anh…trong những tác phẩm làm nên diện mạo rực rỡ của nền điện ảnh nước nhà giai đoạn trước.

Tuy nhiên phải thực lòng thừa nhận, diễn xuất của các diễn viên trong phim cánh đồng bất tận rất thuyết phục, ghi nhận thái độ làm việc nghiêm túc, hy sinh hết mình vì nghệ thuật, trong khi điều này hiện nay các nghệ sỹ Việt Nam nói chung rất thiếu và yếu.

Tôi thích nhất diễn xuất của cô gái đóng vai Nương, diễn rất tự nhiên, diễn như không diễn, thể hiện đúng tâm lý của cô gái mới lớn, mau buồn, mau vui, mau nước mắt, hay nghĩ ngợi và tủi thân. Diễn xuất thành công của Nương đã góp phần đáng kể vào thành công của bộ phim, cô là linh hồn của bộ phim, dẫn dắt câu chuyện, khiến người xem buồn vui, đau đơn, hạnh phúc theo tâm trạng của cô.

Vai diễn của Dustin Nguyễn (ông Võ) cũng là bước đột phá với chính anh. Nhiều cảnh anh khắc họa được đậm nét phong cách của người đàn ông miền Tây Nam Bộ nhưng tôi vẫn cảm giác anh hơi đuối khi thể hiện nội tâm nhân vật và có một hai phân đoạn, cách bố trí góc máy lại vô tình khắc họa chất võ trong anh nhiều hơn. Cũng có thể do tính cách anh không được tái hiện rõ nét vào thời điểm trước khi xảy ra biến cố vợ bỏ đi nên người xem thấy hơi thiếu thuyết phục và khiên cưỡng trước hình ảnh ông Võ lầm lỳ, ít nói, cố chấp, nhẫn tâm với con ở các trường đoạn sau này.


Cảnh trong phim

Với Đỗ Hải Yến, vai diễn Hai Sương không thể chê được, cô xử lý và tiết chế nội tâm nhân vật rất tốt, rất đời. Chỉ hơi tiếc là mạch phim đẩy đi quá nhanh, thiếu một hai tình tiết giúp Hai Sương thể hiện chuyển biến về tâm lý, từ ý định muốn từ bỏ cuộc sống giang hồ, đến ý định muốn yêu thương và gắn bó với gia đình ông Võ.

Ngẫm về cánh đồng cuộc đời

Bộ phim gây xúc động cho người xem và đọng lại chúng ta vài suy nghĩ.. Cuộc đời con người cũng giống như cánh đồng bất tận, cuộc đời bao la, rộng lớn,  dòng chảy cuộc đời luôn bất tận, không ngừng nghỉ  khiến con người luôn cảm thấy cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng. Nhưng nếu con người biết tha thứ và thấu hiểu nhau thì con người tự tạo cuộc sống tốt hơn rất nhiều.

Nếu ông Võ có thể bỏ qua nỗi đau mà người vợ gây ra thì đã không dày vò, hành hạ hai đứa con mình, không gây thêm đau khổ cho những người phụ nữ khác. Nếu ông đừng suy nghĩ cực đoan, sống xa lánh cộng đồng thì con gái ông không rơi vào cảnh ngộ bi thảm. Sự đổ vỡ trong  lòng con người ta thật đáng sợ, nó hủy diệt mọi niềm vui cuộc sống khiến ông Võ mất đi cơ hội xây dựng lại tổ ấm gia đình cho các con mình. Hãy biết tha thứ và bỏ qua, đôi khi, người ta phải trả giá quá đắt để nhận ra điều đó. Chân lý đơn giản mà không hề đơn giản, chúng ta biết vậy mà nhiều khi không thể làm vậy.

Nhìn chung đây là tác phẩm điện ảnh đẹp từ nội dung đến hình ảnh, rất đáng xem và đáng trân trọng. Một bộ phim của người Việt Nam, chuyển thể từ tác phẩm của người Việt Nam mang đậm nét Việt Nam khiến chúng ta có thể tự hào về con người Việt Nam.

Thu Hiền(Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm