8 năm thiết kế tượng đài Hải đội Hoàng Sa

19/07/2009 09:31 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Dự kiến hôm nay 20/7/2009, việc lắp đặt tượng đài Hải đội Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với tên gọi Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải sẽ chính thức hoàn thành và đi vào nghiệm thu. Được triển khai lắp đặt từ ngày 13/7/2009, đây là công trình do UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhà điêu khắc Hà Trí Dũng và công ty TNHH Hoàn Hảo (Ninh Bình) phối hợp xây dựng, nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

TT&VH có cuộc trao đổi với nhà điêu khắc Hà Trí Dũng, tác giả thiết kế tượng đài.

* Cơ duyên để anh thiết kế tượng đài Hải đội Hoàng Sa được bắt đầu như thế nào?

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đang được lắp đặt tại đảo Lý Sơn. Ảnh T.N
- Vào quãng năm 2001, tôi có tham dự một cuộc hội thảo quy mô lớn về Hải đội Hoàng Sa do nhiều cơ quan phối hợp tổ chức. Trong cuộc họp, vấn đề xây dựng một cụm tượng đài về Hải đội Hoàng Sa được nhắc tới nhiều. Rõ ràng, đó là công việc thiêng liêng và giàu ý nghĩa. Từ phía cá nhân, tôi thấy mình có thể tham gia ở lĩnh vực thiết kế tượng đài.

Tháng 9/2008, sau khi được duyệt phác thảo, tôi bắt tay vào chế tác tượng đài cùng các nghệ nhân tại làng đá Ninh Vân (Ninh Bình). Giữa hai mốc thời gian ấy là 7 năm trời cho hai mươi chuyến khảo sát tư liệu về Hải đội Hoàng Sa tại các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi - trong đó có 4 lần trực tiếp ra đảo Lý Sơn. Rồi triển khai làm các vấn đề về thủ tục, xây dựng các mẫu phác thảo khác nhau để lựa chọn…

* Việc tìm các tư liệu để thiết kế tượng đài có khó lắm không?

- Tư liệu về trang phục nhà Nguyễn thì không hiếm. Tuy nhiên, Hải đội Hoàng Sa khi xưa có thành phần chủ yếu là dân binh. Vì vậy, cụm tượng đài này có 3 nhân vật, trong đó người đứng giữa là cai đội trong trang phục triều đình nhà Nguyễn. Hai người dân binh đứng bên chít khăn vuông, một người ở trần vác lưới, một người mặc áo chùng, chứ không mặc áo dấu và đội nón như các tư liệu để lại. Như vậy thì hợp lý nhất. Bởi khi xưa, tinh thần khi xuất quân của hải đội Hoàng Sa là khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc chứ không nặng về lâm trận.

* Các mẫu phác thảo ban đầu của anh có khác nhiều so với tượng đài bây giờ?

- Tôi có ba phác thảo khác nhau. Tượng đài bây giờ được triển khai từ một trong ba phác thảo ấy, có bổ sung những nét đặc sắc từ hai phiên bản còn lại. Thật ra, cả ba phác thảo chỉ khác nhau về hình thức thể hiện thôi, còn các vấn đề về trang phục, số người trong cụm tượng, tinh thần chung của tượng đài… thì đều như tượng đài bây giờ cả.

* Việc thiết kế một tượng đài đặt ngoài hải đảo có đòi hỏi khắt khe về kết cấu, độ bền, điều kiện địa chất…?

- Việc đó đã được tính toán bởi các chuyên gia trong lĩnh vực này. Về phần mình, khi thiết kế, tôi có hai góp ý: thứ nhất, tượng dựng ngoài hải đảo thì không nên dùng chất liệu bằng kim loại, bởi làm vậy thì quá trình rỉ sét sẽ diễn ra rất nhanh. Thứ hai, về địa chất, đảo Lý Sơn trước kia vốn nằm trên miệng phun của hai ngọn núi lửa (đến nay đã tắt). Theo lý thuyết thì dùng đá Granic là phù hợp nhất để làm tượng đài. Hai đề xuất này được chấp nhận, và tượng đài được sử dụng đá Granic đưa từ trong Thanh Hóa ra.

* Trong quá trình lắp đặt, điều gì khiến anh nhớ nhất?

- Bạn biết đấy, đa phần những người dân trên đảo Lý Sơn đều là hậu duệ của Hải đội Hoàng Sa khi xưa. Xem dựng tượng, họ nói với tôi rằng những hình ảnh về ông cha mình vốn chỉ được họ biết tới trong tâm khảm, chứ chưa nghĩ tới một ngày được đặt sừng sững ngay giữa quê nhà. Điều ấy khiến tôi cảm động vô cùng. Có người còn kể với tôi: ở đây, bão biển mỗi khi nổi lên thì chẳng bao giờ chạm tới Lý Sơn, bởi vong hồn của các người lính thuộc Hải đội Hoàng Sa khi xưa luôn phù hộ cho quê nhà

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm