24/01/2013 12:58 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sự hòa giải giữa Pháp và Đức sau Thế chiến II đã được ghi dấu trong Hiệp định Elysee được ký cách đây 50 năm (22/1/1963 - 2013). Nhưng nhiều người tin rằng chỉ khi một ca khúc xuất hiện sau khi hiệp ước này được ký, quan hệ giữa đôi bên mới thực sự nồng ấm trở lại.
Trên thế giới này, liệu có bao nhiêu ca khúc đủ khả năng thay đổi thế giới?
Thực tế đã có nhiều ca khúc rất được ưa thích đã xuất hiện và một số trong số đó có chứa các thông điệp khác nhau. Nhưng liệu chúng có thể lay động con tim, khối óc của người bình thường. Liệu chúng có thể thay đổi bầu không khí chính trị?
Có một ca khúc đã làm được những điều này, và tới nay chẳng mấy người còn biết tới nó.
Ca khúc kết nối hai cựu thù
Cách đây 50 năm trước, hai nước láng giềng Đức và Pháp bước ra khỏi chiến tranh, với những vết sẹo còn chưa kín miệng. Đức dưới thời phát xít đã xâm lược Pháp và bị đẩy lùi, từng bước một, từng thị trấn một.
Những người Đức đã cố tìm cách đương đầu, không chỉ với việc họ bại trận hoàn toàn, mà còn bởi ý nghĩ dằn vặt rằng vì sao một đất nước văn minh như họ lại thực hiện những tội ác lớn nhất lịch sử.
Nữ ca sĩ Barbara |
Trong “bãi mìn” của những cảm xúc oán giận và sự thù hằn rất dễ bùng nổ này, một giọng ca nhẹ nhàng, mềm mại đã xuất hiện. Barbara là nghệ danh của chủ nhân giọng hát đặc biệt ấy. Bà chào đời ở Paris vào năm 1930 với tên Monique Serf.
Barbara là người Do Thái và vì thế bà cũng là mục tiêu của phát xít Đức. Nhưng 2 thập kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt, bà đã tới thành phố Goettingen, nơi gần với trái tim nước Đức nhất mà người ta có thể tới khi đó. Bà đã phải lòng thành phố và người dân nơi đây. Những cảm xúc khiến bà viết ra và ghi âm lại một ca khúc, đầu tiên là bằng tiếng Pháp, sau đó bằng tiếng Đức, ngôn ngữ mà những kẻ thù một thời của bà sử dụng.
Ca khúc mang tên Goettingen, có nói về "Herman, Peter, Helga và Hans". Họ là ai, các khán giả băn khoăn. Họ là bạn? Hay người yêu của tác giả?
Không ai có câu trả lời, chỉ biết rằng bài hát đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả Đức. Nó trở thành ca khúc ăn khách.
Một con phố ở Đức đã được đặt theo tên Barbara. Thành phố Goettingen trao tặng bà Huân chương Danh dự. Trong thông tin tuyên dương kèm theo huân chương, người ta nói rằng ca khúc đã "kêu gọi một cách khẽ khàng, nhưng kiên quyết, sự thấu hiểu giữa đôi bên". Việc ca khúc được ưa chuộng, "đã có đóng góp quan trọng tới quá trình hòa giải giữa Pháp và Đức".
Một ngôi sao bị lãng quên
Hãy thử xem qua nội dung ca khúc đặc biệt này: "Dĩ nhiên chúng tôi có sông Seine/ Và có cánh rừng ở Vincennes/ Nhưng Chúa ơi, những bông hồng thật đẹp đẽ/ Ở Goettingen, tại Goettingen"... "Nhưng những đứa trẻ đều giống nhau/ Dù ở Paris hay ở Goettingen/ Cầu xin thời gian của máu đổ và sự thù ghét/ Không bao giờ quay trở lại/ Bởi có những con người tôi yêu dấu/ Ở Goettingen, tại Goettingen".
Trong số các khán giả đã thích mê bài hát của Barbara có một sinh viên tên là Gerhard Schroeder. Về sau, ông trở thành Thủ tướng Đức và đã sử dụng các ca từ của bài hát trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày Pháp và Đức ký Hiệp ước hòa giải quan hệ Elysee (ngày 22/1/1963).
Khi đó ông nói rằng: "Tôi đã là một sinh viên đang theo học tiến sĩ ở Goettingen khi cô ấy (Barbara) tới biểu diễn. Bài hát đã đi sâu vào trong tâm trí chúng tôi và khởi đầu cho mối quan hệ bè bạn tuyệt vời giữa hai nước chúng ta".
Nghe nội dung bài hát trong ngày hôm nay, thật dễ hiểu vì sao nó lại có hấp lực lớn tới vậy. Ca khúc mang phần lời đẹp đẽ một cách ám ảnh, ca tụng tình yêu nhưng vẫn chứa đựng chút buồn bã.
Với Barbara, buồn bã đã chiếm một phần lớn trong cuộc đời bà. Bà bị chính cha đẻ lạm dụng tình dục khi còn nhỏ và trong suốt cuộc chiến tranh đã phải tìm cách trốn chạy cuộc săn lùng của phát xít Đức. Bà rời Paris tới phương Nam để lánh nạn. Nhưng ở đây, Barbara vẫn phải trốn tránh lực lượng hợp tác với chính quyền phát xít, những kẻ sẵn sàng giao nộp bà cho quân giết người, nếu phát hiện bà là dân Do Thái.
Khi chiến tranh kết thúc, bà trở lại Paris và theo học các lớp dạy hát, dạy piano tại Nhạc viện Paris. Bà rất mê các giọng hát của Edith Piaf và Jacques Brel. Bước đột phát lớn của bà tới vào đầu những năm 1960 với đĩa nhạc Barbara Chante Barbara. Và dĩ nhiên, không thể không nói tới Goettingen.
Ở Đức, bà được yêu mến. Ở Pháp, bà là một ngôi sao. Các con phố ở quê nhà cũng thi nhau đặt tên bà. Một con tem đã in chân dung của bà. Khi bà qua đời vào năm 1997, có tới 250.000 người đã đến dự đám tang. Nhưng những điều này là sự phù phiếm của ngành công nghiệp trình diễn và giải trí. Các ca khúc ăn khách của bà, những sự nổi tiếng, những trang báo in hình bà dần phai lạt theo vòng xoáy thời gian.
Sức mạnh “mềm”
Mềm mại, mượt mà và có chất tâm tình, giọng ca của Barbara không bao giờ chứa đựng sự thịnh nộ của Piaf hay giọng hát mang phong cách nhạc blues như Jacques Brel. Các ca khúc của bà đi thẳng vào tai người nghe, khuấy động sự vô thức trong tâm hồn người nghe. Với Barbara, âm nhạc là yếu tố giúp đưa sự cô đơn hòa chung vào cái toàn thể.
Goettingen của bà được ghi âm ngay sau khi một trong những bài phát biểu chính trị lớn của thế kỷ xuất hiện. Đó là khi Tổng thống Charles de Gaulle của Pháp tới thành phố Ludwigsburg của Đức và phát biểu trước "thanh niên nước Đức". Giống Barbara, ông đã sử dụng ngôn ngữ của kẻ thù một thời. "Với tất cả các bạn, tôi xin gửi lời chúc mừng" - ông nói - "Tôi chúc mừng các bạn vì sự trẻ trung của các bạn".
Trong chiến tranh, De Gaulle đã có thời gian dài sống ở London trong vai trò nhà lãnh đạo lưu vong của phong trào đấu tranh vì tự do của Pháp. Ông đã trở về Pháp ngay khi quân Đức bị đánh đuổi, vì thế bài phát biểu của ông bằng tiếng Đức đã được đánh giá là rất quan trọng.
Thế nhưng, thật khó để nói bài phát biểu này có tầm quan trọng mạnh hơn ca khúc của Barbara, trong việc giúp phá tan băng giá và làm nồng ấm trở lại quan hệ Đức - Pháp.
Hiệp định Elysee Ngày 22/1/1963, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã đặt bút ký hiệp định Elysee (Hiệp định giữa Chính phủ hai nước CHLB Đức và Cộng hòa Pháp về hợp tác Đức - Pháp), là nền tảng cho sự hòa giải giữa Đức và Pháp. Hiệp ước hữu nghị này đã định ra những cuộc hội đàm thường xuyên giữa các Bộ trưởng Đức và Pháp, và đã được kiến lập trong suốt các thập kỷ kế tiếp. |
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất