Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Hoài niệm về một Hà Nội trong quá khứ

07:00:00 04/09/2012


(TT&VH) - Nguyễn Ngọc Tiến sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhưng như anh tự nhận, so với bề dày 1.000 năm lịch sử của thành phố này, anh có sống đến hết đời thì cũng chỉ “đi ngang Hà Nội” mà thôi. Điều đáng quý ở Nguyễn Ngọc Tiến là mỗi lần ra khỏi nhà, đi ngang hay đi dọc Hà Nội, anh đều lắng nghe, nhặt lại những gì anh thấy, anh biết để rồi viết nên những ký sự về Hà Nội theo cách nhìn của riêng mình.



Talkshow Radar Văn hóa do báo TT&VH và Truyền hình Thông tấn phối hợp thực hiện, phát sóng vào 18h30 thứ Sáu hàng tuần trên Vnews. Phiên bản online xem tại địa chỉ www.thethaovanhoa.vn.

Nguyễn Ngọc Tiến cũng là người gom nhặt những ký ức Hà Nội thời bao cấp. Trong nhà anh hiện giờ chỗ nào cũng ngổn ngang những kỷ vật, nhiều nhất là sổ mua phụ tùng xe đạp, xe máy, tem phiếu các loại, thậm chí là cả những lá đơn chấp thuận cho ly hôn…

Chương trình Radar Văn hóa kỳ này đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Ngọc Tiến về niềm hoài niệm Hà Nội của anh nhân dịp anh giành giải thưởng Bùi Xuân phái - Vì Tình yêu Hà Nội 2012 với 2 tác phẩm: Đi ngang Hà Nội và Đi dọc Hà Nội.

Yêu những gì thuộc về nơi mình sống

* Năm 2008 anh đã có cuốn 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, năm 2012 anh xuất bản 2 cuốn Đi ngang Hà Nội Đi dọc Hà Nội. Điều gì khiến anh viết nhiều về Hà Nội đến thế?

- Để viết về Hà Nội là sự tích lũy từ rất nhiều năm. Tích lũy đó là điều tôi đọc được trong sách, báo, ở những người hiểu biết, sống lâu tại Hà Nội và sự trải nghiệm của bản thân. Tích lũy đến khi thấy mình cũng đủ sức ra cuốn sách về Hà Nội.



Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến trò chuyện với BTV Yên Khương tại Talkshow Radar Văn hóa

* Anh là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng thấy mình chỉ “đi ngang Hà Nội” thôi. Thế còn với Đi dọc Hà Nội?

- Lúc đầu tôi định đặt tên sách là Đi ngang Hà Nội phần 2, nhưng bạn bè với mọi người nói rằng, đã có "đi ngang" Hà Nội rồi thì bây giờ "đi dọc" Hà Nội. Tôi thấy ý đó hay nên đặt tên là Đi dọc Hà Nội.

Cuốn Đi dọc Hà Nội vừa ra mắt có nhiều cái khác cuốn Đi ngang Hà Nội ra mắt hồi tháng 4. Nếu Đi ngang Hà Nội là cuốn ký - khảo cứu, thiên về kể chuyện nhiều hơn là khảo cứu. Còn cuốn Đi dọc Hà Nội, thì tính khảo cứu lại nhiều hơn tính kể chuyện.

* Sự hoài niệm về Hà Nội xưa hiển hiện rất nhiều trong những trang viết, những tư liệu. Điều gì khiến cho những tư liệu ngồn ngộn như thế?

- Tôi sống ở Hà Nội từ nhỏ, những cái hàng ngày ở Hà Nội thấm vào tôi một cách rất tự nhiên mà mình không phải học ở đâu cả.

Nguồn tư liệu chính phải thông qua sách, báo, qua những lời kể và trải nghiệm bản thân. Tôi đọc báo cũ ở Thư viện Quốc gia, nhất là báo xuất bản trước năm 1954, đấy là nguồn thông tin tư liệu rất quý về Hà Nội. Một nguồn tư liệu rất đáng quý nữa, tôi đã khai thác được từ những người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Họ biết rất nhiều chuyện về Hà Nội, những chuyện mà chưa ai viết trên sách báo.

* Khi tìm hiểu về văn hóa Hà Nội, điều gì khiến anh đặc biệt thích thú?

- Với tôi, cái gì cũng hấp dẫn, bởi Hà Nội là quê hương mình. Nói có vẻ hơi thái quá, nhưng mà tôi tin rằng tất cả những gì ở nơi mình sống đều làm cho mình yêu thích.

Điều tôi quan tâm chính là nếp sống Hà Nội, nói ra rất dài nhưng có thể nói gọn là những người Hà Nội thích sống êm ả, không thích ồn ào. Họ hóm hỉnh, có tính tự trọng, giao tiếp khéo nhưng không giả tạo. Điều tôi thích nhất là người Hà Nội khi ra đường không phải lo lắng, đối phó với người xung quanh, cảm thấy rất thoải mái.

Khi Hà Nội không "Hà Nội hóa" được người nhập cư

* Nhưng gần đây có nhiều người thất vọng vì Hà Nội hình như đã khác xưa rất nhiều, bởi có quá nhiều thứ được du nhập từ nơi khác đến. Anh thấy thế nào?

- Tôi đã đọc nhiều bài báo cùng rất nhiều lời bình luận về chủ đề này, nhưng tất cả mới chỉ là phần ngọn của vấn đề thôi. Văn hóa không phải là cái bất biến, mà nó có sự thay đổi theo thời gian.  Tôi nghĩ cần phải tìm nguyên nhân vì sao văn hóa Hà Nội có sự thay đổi và thay đổi theo cả hướng tiêu cực. Cái gốc của vấn đề cung cách quản lý. Tôi nhớ trong một bài viết năm 1994, GS Trần Quốc Vượng đã cảnh báo về sự xuống cấp của văn hóa Hà Nội.

Văn hóa Hà Nội có cú sốc tương đối lớn là năm 1988, khi bắt đầu thực hiện đổi mới, hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ phải giải thể. Nhà nước có Nghị định 176 giải quyết chế độ cho những người làm ở các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước một khoản tiền. Trở về gia đình, để sống được họ phải lao ra đường, chữa xe đạp, bán phở, làm dịch vụ… Họ quan tâm đến dạ dày của chính bản thân và người thân hơn tất cả những thứ khác, trong đó có văn hóa.

Trước đó, văn hóa Hà Nội từ 1954 đã có sự biến động nhất định, nhưng đến năm 1988 là cú sốc quá lớn.  

Còn một cột mốc nữa cũng góp phần thay đổi văn hóa Hà Nội là năm 2000. Thời điểm đó kinh tế Hà Nội nói riêng và cả nước khá tốt. Chúng ta không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế Đông Nam Á. Mọi người rất hồ hởi và thoải mái, tràn trề hy vọng một ngày không xa nữa chúng ta sẽ có cuộc sống khác hơn hiện tại rất nhiều. Khi đó, số người khá giả nhiều hơn, các công ty ra đời rất nhiều, họ cần lượng lao động rất lớn. Ở các tỉnh lân cận cũng rất nhiều người có tiền, họ đến Hà Nội mua nhà, đất và sinh sống.

Nhưng chúng ta quản lý đô thị chưa tốt, quản lý văn hóa chưa tốt và trước đó văn hóa Hà Nội đã xuống cấp.

Ba yếu tố đó cộng lại dẫn đến hệ quả Hà Nội đã không “Hà Nội hóa” được người nhập cư. Nên văn hóa Hà Nội bị biến đổi.

* Vì thế, anh lưu giữ lại cho mình một Hà Nội cũ?

- Tôi sưu tập rất nhiều thứ đồ Hà Nội thời bao cấp. Ngoài việc lưu giữ lại ký ức về một thời rất khó khăn của Hà Nội, bộ sưu tập đó còn để thỏa mãn chính bản thân tôi. Những hiện vật cũ ấy, có giá trị nào đó hay không, tôi chưa cần biết, nhưng thấy chúng là tôi vui rồi.



Nguyễn Ngọc Tiến giới thiệu bát ăn phở ở Hà Nội chỉ xuất hiện trong giai đoạn rất ngắn đầu những năm 1960.

Khi cuộc sống khá giả, nhiều người vứt bỏ các thứ đồ cũ. Những đĩa than, cái bát, cái thìa, chiếc cặp lồng méo mó... có thể nhặt được ở các đống rác, trước khi người nhặt rác lấy đi. Bạn bè người thân cũng giúp đỡ, chia sẻ với tôi rất nhiều để tôi có những hiện vật đó.

* Gần đây, người ta muốn tìm lại hình ảnh một thời đã qua, như có cửa hàng ăn uống có những hình ảnh giống như thời bao cấp. Anh nghĩ sao về điều đó?

- Tôi nghĩ, thú sưu tập này đầu tiên để thỏa mãn bản thân, nhưng qua món đồ ấy còn thấy cả một giai đoạn lịch sử. Giá trị lớn nhất qua việc này là người ta xâu được sợi dây từ quá khứ đến hiện tại, ngoài chuyện biết về thời kỳ trước đó, nó còn có giá trị giáo dục cho lớp trẻ. Để người trẻ có thể so sánh và rút ra điều gì đó về cuộc sống hiện tại.

Trở lại những nề nếp vốn có

* Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội có ý nghĩa như thế nào cho riêng anh và cho những người yêu Hà Nội khác?

- Tôi nhớ rằng, khi tôi sưu tập các đồ vật thời bao cấp và mở quán cà phê trưng bày chúng, thì báo Thể thao & Văn hóa đã có ngay bài viết phản ánh. Sau khi báo đăng, nhiều người đã tìm đến quán cà phê của tôi, ngoài chuyện uống cà phê, họ đã tặng tôi rất nhiều thứ.



Nguyễn Ngọc Tiến (giữa) nhận giải Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội

Tôi cho rằng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ra đời là việc làm rất đáng trân trọng. Như chúng ta đã nói, văn hóa Hà Nội bị xuống cấp, việc tôn vinh các tác phẩm, tác giả vì Hà Nội không chỉ là sự trân trọng giá trị văn hóa Hà Nội xưa nay, mà nó còn có tác động tới xã hội rằng: cần làm gì đó tốt hơn, đẹp hơn cho Hà Nội.

* Điều anh muốn thay đổi ở Hà Nội là gì?

- Tôi muốn Hà Nội văn hóa hơn, trở lại những nề nếp vốn có, từ cảnh đi xem phim, kịch, triển lãm đến các hoạt động cộng đồng…

* Còn dự định của anh về việc sưu tập cũng như việc sáng tác về Hà Nội?

- Các hiện vật sưu tầm của tôi ngày càng ít đi và khó kiếm hơn. Tôi cũng khát khao viết cuốn sách tiếp theo về văn hóa Hà Nội thế kỷ 20. Tư liệu cũng có, nhưng vấn đề là thời gian và cảm hứng của mình để viết ra cuốn sách đó.

* Vâng, xin cảm ơn anh!

Yên Khương - Mạnh Cường (thực hiện)

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)