(Thethaovanhoa.vn) - Sau tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, tượng đài Tây Tiến, liệt sĩ Hà Nội đã có thêm tượng đài Chư Tan Kra giữa Tây Nguyên đại ngàn. Ý nghĩa hơn, việc tìm kiếm các bằng chứng lịch sử, tổ chức vinh danh các liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại Chư Tan Kra được đề cử giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay.
Ngày 19/7, tại xã Ya Xier, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, thành phố Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã long trọng tổ chức lễ bàn giao và công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại Chư Tan Kra.
Việc quy tụ những vong hồn trên đỉnh Chư Tan Kra, bắt đầu từ chính những người lính đánh trận Chư Tan Kra năm xưa.
1. Cuối tháng 3/ 2009, hơn 30 năm sau chiến tranh, 5 thương binh già, lính đại đội 5, tiểu đoàn 7, trung đoàn 209, sư đoàn 312 trở lại Tây Nguyên tìm mồ chôn tập thể những người đồng đội. Họ là Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Minh Ngọc và Nguyễn Văn Tứ.
Hơn 40 năm trước, họ là những thanh niên Hà Nội được tuyển chọn đặc biệt, trước khi lên đường, họ được lệnh để lại miền Bắc tất cả nhật ký, ảnh, giấy tờ, tiền bạc, thư từ… Từ đây, họ là những người lính không tên.
Họ cùng đánh trận đầu tiên trong đời ở Chư Tan Kra ngày 26/3/1968 và 200 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại tại dải núi này trong hố chôn tập thể giữa trận địa.
Lễ truy điệu và an táng 77 hài cốt Liệt sĩ tại điểm cao Chư Tan Kra, ngày 25/3/2011. Ảnh: Trần Lê Tâm - TTXVN |
Trận đánh công kiên, bí mật, không có chiến lệ được viết ra sau trận đánh. Họ đi tìm đồng đội với chỉ cái tên Chư Tan Kra giữa Tây Nguyên rừng xanh núi thẳm. Chư Tan Kra - trận đánh chấn động nước Mỹ, lại là bí mật với chính người trong cuộc.
Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng, người “chỉ huy” cuộc đi tìm đồng đội năm xưa kể: “Chư Tan Kra là trận mà lính Hà Nội thấy trước là một trận cảm tử, những người lính trung đoàn 209 còn sót lại, trước sau cũng phải đi tìm đồng đội, nếu không, có chết cũng không nhắm mắt”.
2. Sau mấy chục chuyến đi vào Tây Nguyên, những hình ảnh tưởng mãi mãi vùi sâu trong ký ức của người trong cuộc được đưa ra dư luận, “đánh động” cơ quan chức năng.
Và giấc mơ: “Một ngày, tên các anh được khắc chung trên một tấm bia lớn đặt trong khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội hy sinh trên dải núi Chư Tan Kra của Tây Nguyên” của người lính già Hồ Đại Đồng dần thành hiện thực.
Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2013 diễn ra lúc 14h00 chiều 29/8 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. |
Ngày 26/5/2009, Bộ Tư lệnh Thủ đô có công văn số 539/CCT-CS gửi Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Chiến lược Quân sự Việt Nam đề nghị đánh giá ý nghĩa trận chiến đấu của Trung đoàn 209 tại Kon Tum…
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng kiến nghị: “Việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Chư Tan Kra là việc cần kíp, phải làm càng sớm càng tốt. Đồng thời, việc xây dựng khu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Chư Tan Kra là việc cần làm sớm. Nếu được, bia đá của khu tưởng niệm nên ghi: Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh tại Chư Tan Kra”.
Đến nay, lực lượng cán bộ quân đội cùng chính quyền địa phương đã quy tập được hài cốt 180 chiến sĩ là người Hà Nội, cùng 191 chiến sĩ ở các tỉnh phía Bắc thuộc Trung đoàn 209 hy sinh tại đây.
Trên cơ sở này, Bộ Tư lệnh Thủ đô báo cáo UBND TP Hà Nội đề nghị xây dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội tại Chư Tan Kra. Khu tưởng niệm được xây dựng trong quần thể của di tích lịch sử điểm cao 995 - Chư Tan Kra, vốn đầu tư 33 tỷ đồng, khởi công từ năm 2011 gồm: Khu tưởng niệm, 2 Nhà bia, sân hành lễ, phù điêu, khu nghĩa trang, nhà văn hóa…
Mạnh Cường
Thể thao & Văn hóa