Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Khởi động Giải Bùi Xuân Phái lần 6 - năm 2013: 'Tình yêu Hà Nội' ở bề sâu…

06:28:00 17/08/2013

>>> Giải Bùi Xuân Phái lần 6 - năm 2013

(Thethaovanhoa.vn) - Trải qua 5 mùa giải, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội, được trao vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm đã trở thành “ngày hội” của những tình yêu Hà Nội, là “nhiệt kế” biểu thị tình yêu với Thủ đô của các tầng lớp nhân dân: Từ tình yêu của các văn nghệ sĩ, trí thức trăn trở với những sáng tác, nghiên cứu về chủ đề Hà Nội; đến những người dân bình thường, đang sống và làm việc trên đất Thủ đô; cho đến cả những người nước ngoài, ngẫu nhiên hay định mệnh, gắn bó với mảnh đất này.

1. Hà Nội vừa trải qua những ngày cao điểm kỷ niệm 5 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Bên cạnh rất nhiều những thành tựu quan trọng đã gặt hái được trong thời gian qua, ở một Thủ đô với quy mô trải rộng như thế cũng còn rất nhiều những vấn đề chưa thể giải quyết đồng bộ. Và, dễ thấy nhất đó là nề nếp, lối sống, là chất văn minh, thanh lịch của người Tràng An đang phai nhạt dần. Có sự ồn ào, xô bồ, có sự pha tạp, xuống cấp, có những sự bức xúc…

Nhưng tất cả đó chỉ là một phần của bức tranh Hà Nội hiện nay, thậm chí là phần bề nổi khó tránh của một Thủ đô đang phải gồng mình phát triển. Xuyên qua cái bề nổi đó vẫn là một Hà Nội nguyên vẹn, đích thực, một Hà Nội bề sâu với những con người, những tác phẩm, những việc làm, những ý tưởng đau đáu vì “Tình yêu Hà Nội”. Xuyên qua cái bề nổi đó, Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội thấy hết sức bất ngờ trước một mùa bội thu những “Tình yêu Hà Nội”, để lần đầu tiên, trong 5 mùa giải, Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo Giải thưởng phải “phá lệ” trao 2 giải thưởng ở một hạng mục đề cử.

Đó là vài nét về giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 6 năm 2013.

Năm nay, dựa trên sự tìm tòi, phát hiện của Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo (HĐGK) và của đông đảo công chúng; hàng loạt những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng phù hợp với tiêu chí của giải thưởng là “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội” đã được đưa vào danh sách dự kiến đề cử. Danh sách đề cử chính thức do HĐGK chấm chọn, TT&VH sẽ công bố sau.


2. Nói đến những con người đã gắn bó với Hà Nội, với Hồ Gươm theo một cách thật bền bỉ, thật chậm rãi, thật tinh tế, mà cũng hết sức đời thường, người ta không thể không nhắc đến nhiếp ảnh gia Quang Phùng. Và một điều thật cảm động, là trong những ngày Bờ hồ biến thành sông vừa qua, ông lão ngoại bát tuần (sinh năm 1932), từng trải qua cơn tai biến này lại chống gậy bì bõm lội ra tận Hồ Gươm để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử. Với nhà nhiếp ảnh này, tác giả của bộ sách ảnh song ngữ Dạo quanh hồ Gươm, lịch sử Hà Nội ẩn trong những nét đời thường mà ông bền bỉ ghi lại trong cả đời mình.

Sự chuyển mình của Hà Nội thật lạ lùng. Những bức ảnh về một Hà Nội mới chỉ vài chục năm trước, khi đang là thời bao cấp, mà đã mang đầy dáng vẻ xưa, gợi đầy sự thương nhớ. Trong danh sách dự kiến đề cử trình HĐGK năm nay có bộ sưu tập 1.700 bức ảnh về Hà Nội đầu thập niên 1980 của nhà ngoại giao Anh John Ramsden. Những khuôn hình về Hà Nội những ngày bao cấp đã được John mang trở lại Thủ đô ngàn năm sau 30 năm lênh đênh trong các nhà triển lãm châu Âu.  Qua ảnh của John Ramsden, khung cảnh những mái phố cổ lô xô, những con đường vắng vẻ bình lặng khiến nhiều người nhớ tới tranh phố Phái. Và ông cũng giữ những mối liên hệ đặc biệt với Bùi Xuân Phái. “Trong khu nhà xập xệ với 4 người con, Bùi Xuân Phái thường vẽ trên gác xép. Tôi rất thán phục khi trong điều kiện sống như vậy, ông vẫn sáng tác ra những kiệt tác về Hà  Nội" - ông kể về danh họa.

Một tác giả khác, trẻ hơn, là nhà văn Nguyễn Việt Hà với cuốn tản văn Con Giai phố cổ cũng thể hiện cái tình Hà Nội trong những “đoản văn” đầy cá tính về những gã trai phố cổ “bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội”.

3. Những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng thấm đẫm tình yêu Hà Nội sẽ được tập hợp lại đưa vào các hạng mục đề cử tương ứng với số lượng không hạn chế. Sau đó, HĐGK sẽ chọn ra tối đa 3 đề cử chính thức cho mỗi hạng mục, trong đó hạng mục Giải thưởng Lớn (dành cho tác giả) chỉ công bố duy nhất một đề cử.

Ở đây lại phải nói, Giải thưởng không phải là một cuộc thi mà có sự so sánh hơn thua, mà đó là một sự bình chọn vô tư cho những tình yêu Hà Nội. Triển lãm khổng lồ về “Phố” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân được ghi nhận vì nỗ lực muốn đưa một Hà Nội chân thật vào nghệ thuật sắp đặt. Cái mới và “độc” của triển lãm “Phố” là, toàn bộ khu nhà tròn, sân khấu và sân của Trung tâm Triển lãm Vân Hồ được trưng dụng làm bối cảnh để thể hiện sự “ngổn ngang thương mến” của phố Hà Nội. Ở đó có taxi tải Thành Công, những chiếc xe máy cổ, xe xít-đờ-ca ba bánh nằm kề nhau... Ở đây có những cột điện, đường dây, biển báo, loa phóng thanh dã chiến.

Cũng trong lĩnh vực mỹ thuật, được đưa vào danh sách dự kiến đề cử có triển lãm thường niên mang triển lãm "Made in Hà Nội". Lần ra mắt đầu tiên có sự góp mặt của 13 họa sĩ trẻ. Điểm chung gắn kết họ lại là tình yêu đối với Hà Nội, nơi họ đang  sống và làm việc. Qua lần đầu tiên này, “Made in Hà Nội” sẽ trở lại vào mùa Xuân hàng năm để công chúng được ngắm nhìn Hà Nội tinh khôi qua nét cọ của những họa sĩ trẻ”.

Một triển lãm khác cũng được ghi nhận “Vì tình yêu Hà Nội”. Đó là những bức tranh phái sinh từ tranh Phố Phái để diễn tả Hà Nội đương đại tại triển lãm Ám ảnh cuộc sống (diễn ra từ 15/7 tới 30/7). Trên chất liệu nguyên sơ là những “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu” trong tranh Bùi Xuân Phái, họa sĩ Nguyễn Đức Lợi đã ghép lại thành những bức tranh với bố cục khác, tông màu khác nhằm phác họa Hà Nội đương đại. Đặc biệt, anh lại dùng Ipad để vẽ những bức tranh mà theo anh “vẽ về một Hà Nội tuổi 1.001 nhếch nhác hiện thực, long lanh trên Facebook”.

Chuyển sang lĩnh vực âm nhạc. Một chương trình “sắp đặt âm thanh” rất trẻ trung, hiện đại thời…smartphone cũng được đánh giá cao. Đó là chương trình Nghe dạo Hà Nội (Hanoi Soundwalk). Chỉ là hoạt động bên lề Liên hoan âm thanh Hà Nội 2013, song chương trình Nghe dạo Hà Nội (Hanoi Soundwalk) diễn ra vào chiều 13/4/2013 lại nhận được hưởng ứng nhiệt tình tới bất ngờ của các bạn trẻ (đặc biệt là các bạn trẻ khiếm thị). Chỉ cần một chiếc smartphone và tai nghe, Nghe dạo Hà Nội sẽ đưa người trẻ khám phá lịch sử Hà Nội bằng âm thanh. Những âm thanh sẽ thay đổi theo mỗi chuyển động của người tham gia. Cảm xúc ùa tới với người tham gia có thể chỉ bằng đôi câu xẩm quặn thắt, tiếng thở dài của dòng người khất thực, tiếng khóc khan xé lòng của trận đói năm 1945 hay tiếng những bước chân hành quân rầm rập rung đất, tiếng hò reo chiến thắng vang trời… Nghe dạo Hà Nội vừa mang bản sắc Hà Nội vừa mang tính toàn cầu. Chương trình kết nối được nhiều tư liệu địa phương để làm giàu thêm cho kho tư liệu thế giới. Bởi toàn bộ âm thanh, hình ảnh chuyến “nghe dạo” tại Hà Nội sẽ được gửi về Barcelona, trụ sở của dự án “Âm thanh địa phương”.

4. Nhưng với giải Bùi Xuân Phái, không chỉ các tác phẩm hay ý tưởng về văn học, nghệ thuật mới được ghi nhận. Khá nhiều những hành động, việc làm “Vì tình yêu Hà Nội” cũng được gửi đến HĐGK để xem xét. Đó là việc dời quy hoạch ga C9 đường tàu điện ngầm khỏi khu vực đền Ngọc Sơn. UBND TP Hà Nội hồi tháng 2/2013 đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc đặt nhà ga C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2) phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng. Đó là những phương án đề xuất thay đổi hướng tuyến cầu vượt để giảm thiểu tác động lên di tích Đàn Xã tắc. Đó là những nỗ lực giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn và nhu cầu dân sinh ở làng cổ Đường Lâm.

Đặc biệt, năm nay, trong các dự kiến đề cử còn có một việc làm đặc biệt “Vì tình yêu Hà Nội”. Đó là việc tìm kiếm các bằng chứng lịch sử, tổ chức vinh danh các liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại chiến trường Bắc Kon Tum. Ngày 19/7/2013, tại xã Ya Xier, huyện Sa Thầy, UBND tỉnh Kon Tum, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức lễ bàn giao và công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại chiến trường Bắc Kon Tum. Khu tưởng niệm được xây dựng trong quần thể của di tích lịch sử điểm cao 995 - Chư Tan Kra. Tại đây, trong khoảng từ tháng 3 - 6/1968, gần 400 chiến sĩ, chủ yếu là con em Thủ đô Hà Nội đã hy sinh.

Đó còn là việc làm của những con người đầy tâm huyết như nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura và một số nông dân ở làng Kim Lan đã đi nhặt gốm cổ, rồi huy động kinh phí xây dựng Bảo tàng gốm của làng Kim Lan - tôn vinh làng gốm sứ cổ của Hà Nội. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi của Việt Nam tự lập được bảo tàng riêng.

BAN SƠ KHẢO
Thể thao & Văn hóa




Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái sáng lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội.

Hệ thống giải thưởng gồm: 1 Giải thưởng Lớn (dành cho tác giả gắn bó với Hà Nội bằng cả cuộc đời, sự nghiệp của mình); cùng 3 giải đồng hạng là giải Tác phẩm, giải Ý tưởng và giải Việc làm.

Hội đồng Giám khảo gồm: GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; nhà báo Ngô Hà Thái, Phó TGĐ TTXVN; nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội; họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; KTS Đoàn Đức Thành.

Giải thưởng lần thứ 6 - năm 2013 sẽ được trao vào 14h ngày 29/8 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội


Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)