Tạ Lựu- người giễu cợt cả... Diêm Vương!

11:31 30/07/2008

          Tự họa của Tạ Lựu
(TT&VH Online) - Khi còn sống, HS biếm Tạ Lựu đã tự trào về cuộc đời lắm ba chìm bảy nổi của mình, rằng cơ quan tôi thì thởphàonhẹ nhõm khi tôi về hưu. Mấy ông phường, ông xã nơi tôi cư trú ngán tôi bèn lịch sự đề nghị tôi chuyển chổ ở đi nơi khác cho khuất mắt, mà tốt nhất là xuống âm ti địa ngục.Nhưng dưới đó Diêm Vương bị tôi giễu cợt, cười quê nên tức khí cho tôi đầu thai trở lại cõitrần... (Nguyễn Triều).
 
 Đó chính là Tạ Lựu, người hơn 45 năm dấn thân sống chết với biếm hoạ, cười cợt thiên hạ, kể cả tự giễu cợt cười bản thân mình - tiếng cười của những người thông minh nhất!
 
Lắm tài, hiếu động, có khiếu vẽ bẩm sinh, tự mày mò học vẽ cái mình thích, năm 1954 thi đỗ vào trường Mỹ thuật Hà Nội nhưng chỉ đúng dăm ngày là tự bỏ vì ông cho cái tạng của mình không hợp với trường quy!
 
HS Tạ Lựu
Tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi (ông sinh năm 1929), ở mảng tuyên truyền, ông vẽ không ít tranh cổ động kêu gọi kháng chiến rồi cả tranh binh vận kêu gọi lính Pháp quay súng theo ta. Nhưng nhiều thế hệ chúng ta biết đến Tạ Lựu khi ông chính thức trở thành hoạ sĩ biếm của báo Thống Nhất, tờ báo lớn có trụ sở ở 80 - Nguyễn Du - Hà Nội, một tờ báo mà những người miền Nam tập kết ra Bắc như tôi coi là báo của mình!
 
Đầu những năm 60 của TK 20, mới 13 -14 tuổi khi tôi may mắn mượn được một tờ báo Thống Nhất, việc đầu tiên là tìm xem tranh đả kích của Tạ Lựu... Tranh đả kích của ông sâu sắc về ý, rất chắc và sắc sảo về hình hoạ. Vô số tranh đả kích trực diện Tổng thống độc tài Ngô Đình Diệm, cái nào cũng độc đáo. Khuôn mặt Diệm mập ú bị “bóp” hình, cực giống, mới xem qua ai cũng thấy tức cười, nhưng xem kỹ càng thấy căm thù Mỹ - Diệm. Đó là cái tài, cái “siêu” của Tạ Lựu, phát huy tối đa sức mạnh của biếm hoạ. Chính vì vậy, loại tranh đả kích chính trị này nhanh chóng được rất nhiều báo trung ương khác quan tâm, xuất hiện đều đều trên báo Tiền Phong, báo Văn (Văn nghệ), Nhân dân ...

Rất nhiều thế hệ trẻ Việt Nam thích thú, say mê với nhân vật rất hài hước do Tạ Lựu vẽ trong cuốn Mít Đặc và Biết Tuốt, và vô số tranh vui, tranh minh hoạ có khuôn mặt tròn trịa, hai mắt là hai chấm tròn đen lay láy, trông rất tếu mà lại dễ thương, nghịch ngợm nhưng lương thiện. Cứ trông những bức tranh này, không cần nhìn chữ ký có hình quả tạ bên dưới bức tranh là ai cũng nhận ra đó là tranh của Tạ Lựu.Tranh vui cho trẻ em của ông ở báo Thiếu niên Tiền phong, Nhi Đồng, Hà Nội mới...đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của hàng triệu trẻ em.

Tranh biếm của Tạ Lựu

Ngoài tranh, Tạ Lựu cũng từng được tin tưởng vẽ tem.Một cái tem rất đặc biệt, rất quý có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Liên Xô vào năm 1957 nhân kỷ niệm 40 năm cách mạng tháng Mười Nga. Tôi may mắn được xem cái tem này và thực sự phục tài nghệ của ông, một hoạ sĩ tay ngang chả qua một trường lớp hội họa nào cả.

Tranh Tạ Lựu

Cuộc đời của HS biếm Tạ Lựu cũng thực lắm gian truân.Ông lao động miệt mài, rất nghiêm túc với tính chuyên nghiệp rất cao. Có tài, nhưng ông khiêm tốn, tôi biết tôi khôngcó tài như nhiều hoạ sĩ khác nên lấy "cần cù bù khả năng", nói như dân gian là "ngắn hai dài một". Người ta làm một, tôi phải cố gắng hai, ba ...(Nguyễn Sĩ Đại).
 
 Được hỏi về niềm vui của ông, ông bộc bạch, đời tôi chưa có gì vui nhất, chỉ là những niềm vui nho nhỏkhông đáng phô trương. Còn lại là tai hoạ và khắc nghiệt của kiếp người. Tôi luôn phải sống chung với những thăng trầm. Lúc “thăng” chẳng được bao nhiêu, và thật ra cũng chảcần thiết lắm; lúc “trầm” nhớ lại lúc “thăng” mà thú vị (Việt Văn).
 
Con người khảng khái đó vì vậy rất quý những giọt sáng, giọt vui đôi khi bất chợt đến với ông. Những năm cuối đời mình, ông làm việc cho tờ báo Nhi Đồng cười. Đã quá cái tuổi 75, có cháu nội, cháu ngoại rồi thế mà nhiều em thiếu nhi vẫn trìu mến gọi ông là "Anh Tạ Lựu" khiến ông rất vui. Tiếng cười, báu vật của con người mà ông đem lại cho chúng ta, cho nhiều thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Ông đáng được tự hào về điều đó.
 
Ông mất hơn một năm nay nhưng hình ảnh của ông với bức chân dung tự hoạ của ông vẫn luôn đọng lại trong lòng những người hâm mộ. Sinh thời, ông ngao du với rất nhiều người, nhưng hầu như không có bạn. Nhưng có một ngoại lệ, một người bạn đặc biệt, đó là Biếm hoạ. Đó là người bạn mà ông có thể chia sẻ lúc cô đơn, chung thuỷ với ông đến cuối đời.
 
 Dưới cõi âm, ông cũng hoàn toàn có thể tự hào về những người phụ nữ đã và vẫn đang yêu thương ông. Xét cho cùng, cõi dương và cõi âm cũng không quá cách biệt.
 
Lý Trực Dũng

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự