Biếm họa Việt Nam mơ tới…100 năm

16:05 18/06/2009

(TT&VH) - Nhân kỷ niệm “100 năm tranh biếm” của Hàn Quốc được tổ chức đầu tháng 6 này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của Họa sĩ Nhốp - từng là thành viên BGK Giải thưởng Biếm họa Việt Nam lần thứ I do báo TT&VH tổ chức.

Giá như VN có khoa biếm họa

Tôi được mời tham dự sự kiện đặc biệt này bởi BTC đã biết tôi từ lần Triển lãm tranh Biếm quốc tế tại Bucheon vào năm 2005. Buổi lễ diễn ra hoành tráng nhưng cũng rất gọn ghẽ, đúng phong cách diễn đạt của "tranh biếm". BTC đã giới thiệu sự phát triển của tranh biếm HQ qua nhiều thời kỳ; từ những bức tranh khắc gỗ để in báo đầu tiên đến những sản phẩm in màu kỹ thuật số hiện đại sau này bằng hình ảnh và phim chiếu trên màn hình. Nói ít và ngắn. Gói gọn “sự kiện 100 năm” trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ. Đặc biệt BTC đã trân trọng tôn vinh người họa sĩ tài năng đã vẽ bức tranh biếm đầu tiên cách nay 100 năm là Lee Do Young. Ông đã vẽ và in tranh biếm trên trang nhất của tờ Đại Hàn Minh Báo (DeaHanMinBo) vào ngày 2-6-1909 trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng HQ, và sau đó đã trao hiện vật kỷ niệm là một bản khắc trang báo có bức tranh biếm đầu tiên của ông cho người cháu, nay đã ngoài 70 tuổi.


HS Nhốp giới thiệu Việt Nam và hiện trạng Biếm họa VN tại hội thảo

Theo giáo sư Ko Gyoung Il chủ nhiệm khoa Biếm họa và kỹ thuật số tại Trường ĐH Sangmyung thì hiện có rất nhiều sinh viên theo học chuyên ngành này, và có rất nhiều Trường ĐH ở HQ giảng dạy vẽ tranh biếm và hoạt hình như ĐH quốc gia Kongju (KNU), ĐH Daejeon… Tôi chợt nghĩ, giá mà ở VN cũng có một khoa như thế thôi (không mong ước là có hẳn một trường ĐH) đã là thích lắm rồi.

Mong muốn có dịp tổ chức một cuộc triển lãm biếm họa chung tại VN

Theo chương trình, VN cùng 5 đại diện các nước khác như Mỹ, Argentina, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ có 6 bản tham luận trao đổi về chủ đề: “Tranh biếm chính trị thế giới và sự tự do trong thể hiện”. VN được chọn mở đầu cuộc trao đổi này; kế tiếp là chủ nhà HQ, Argentina, TQ, Nhật Bản và kết thúc là Mỹ với đại diện là họa sĩ tranh biếm Steve Breen, người vừa đoạt giải Pulitzer năm 2009.


Bức tranh tự họa của HS Mỹ Steve Breen người đoạt giải Pulitzer 2009, vẽ tặng HS Nhốp
Mỗi họa sĩ có một cách nhìn về sự tự do thể hiện trong tranh biếm của nước mình. Riêng hoàn cảnh lịch sử phát triển tranh biếm của của HQ và VN có sự tương đồng trong giai đoạn đất nước chịu sự xâm chiếm và đô hộ của ngoại bang. HQ chịu sự chiếm đóng của thực dân Nhật vào đầu thế kỷ 20; VN chịu sự đô hộ của Pháp và sau đó là Mỹ. Cả hai đất nước đều bị chia cắt…; và đặc biệt hơn, HQ đã có lúc tham gia cùng với Mỹ trong cuộc chiến tại VN trước đây.

Họa sĩ Nhốp và GS Ko Gyoung Il, chủ nhiệm khoa Biếm họa và kỹ thuật số tại Trường ĐH Sangmyung trước bức tường tranh với nhiều nhân vật truyện tranh nổi tiếng qua các thời kỳ Biếm họa HQ.
Tôi nhắc lại điều này trong bản tham luận ở một hoàn cảnh có nhiều đại diện các nước đã từng có “ân oán” với VN như Mỹ, TQ, Nhật Bản, HQ hiện diện, với mong muốn bày tỏ một thái độ vừa chia sẻ vừa mong muốn “khép lại quá khứ...” và “VN làm bạn với tất cả”.

Tham dự diễn đàn có nhiều họa sĩ biếm HQ, giáo sư ĐH, và các họa sĩ trẻ.

Cuối buổi gặp gỡ, giáo sư Ko Gyuong Il đã đến bắt tay tôi và chân thành nói rằng: “Tôi xin chia sẻ về hoàn cảnh lịch sử của hai đất nước chúng ta. Trong chiến tranh VN, quân đội HQ đã làm những điều không tốt với nhân dân VN. Cho đến bây giờ, HQ vẫn còn nợ một lời xin lỗi chính thức. Với riêng chúng tôi, tôi mong muốn có dịp tổ chức một cuộc triển lãm biếm họa chung tại VN để chúng tôi có dịp đến và làm một điều gì đó có ý nghĩa cho VN, cũng là để giáo dục cho thế hệ họa sĩ trẻ HQ đừng quên mình còn một món nợ tinh thần phải trả…”.

Tôi thật sự ngạc nhiên về lời bày tỏ này. Điều gì đã khiến một giáo sư ĐH Hàn Quốc trăn trở về một cuộc chiến đã kết thúc hơn 30 năm? Sự hối lỗi? Lòng tự trọng dân tộc? Tính nhân bản của một con người? Có lẽ là tất cả.

Họa sĩ biếm “dấn thân”

Trên quả đồi nhỏ của một khách sạn bên bờ sông Hàn tuyệt đẹp, một cuộc triển lãm “bỏ túi” của các họa sĩ biếm HQ được bày ngay trên sân cỏ. Nội dung của những tranh biếm này là đấu tranh chống tiêu cực ở một vùng đất gần Seoul, ở đó người dân đã bị chính quyền o ép giải tỏa thô bạo để giao đất cho nhà đầu tư dự án mà tiền đền bù không thỏa đáng. Các tranh biếm trên đã được triển lãm dưới sự bảo trợ của Hội Họa sĩ biếm HQ. Cuộc triển lãm đã gây tác động mạnh đến dư luận xã hội và đã khiến chính quyền địa phương nơi đó phải xem xét lại việc làm sai trái của mình.

Cách làm này làm tôi nhớ đến thời “hoàng kim” của các họa sĩ biếm VN ở các thập niên 1979-80. Các cuộc triển lãm biếm họa chống tiêu cực xã hội, chống chiến tranh xâm lược đã được mở ra liên tục và cũng đã gây được tiếng vang và sự đồng thuận trong xã hội không nhỏ… Hóa ra, vai trò của biếm họa, dù ở bất cứ đâu cũng đều mang trong mình nó “sứ mệnh” chống cái xấu, cái ác để cái tốt tồn tại và vươn lên.


Một gian triển lãm 100 năm biếm họa HQ
Từ bức tranh biếm đầu tiên trên báo chí năm 1909 , nền biếm họa, truyện tranh và hoạt hình của HQ những thập niên gần đây đã tiến nhanh và lớn mạnh không ngừng. Có thể thấy điều này khi vào gian hàng truyện tranh đủ thể loại tràn ngập các nhà sách, trong các siêu thị, ở các bảng quảng cáo dọc đường và trên xe buýt; thậm chí là các bảng chỉ dẫn vào… toillet, người ta đã hình tượng hóa và cách điệu các nhân vật theo kiểu hoạt hình rất đa dạng. 100 năm biếm họa HQ chỉ là một chặng đường. Trong những dự án sắp tới, họ sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Nhân kỷ niệm 85 năm ra đời của nền biếm họa báo chí Việt Nam (1922- 2007), báo TT&VH đã khởi xướng Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần I. Chỉ chỉ 13 năm nữa thôi, chúng ta có quyền tự hào làm một “sự kiện 100 năm bức tranh biếm họa đầu tiên của VN” không hề thua kém Hàn Quốc chút nào. Vấn đề là các nhà quản lý về Văn hóa của chúng ta có quyết tâm làm hay không thôi. Giới họa sĩ biếm VN mong lắm thay cho một ngày không xa đó.

Họa sĩ Nhốp

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự