Biếm họa đặc sắc của tuần báo LOA

12:42 14/07/2013

Tuần báo LOA

(TT&VH Online) - Chỉ tồn tại ngắn ngủi trong hai năm, bắt đầu từ 8/2/1934 với 103 số, tuần báo LOA in khổ lớn, ra vào thứ năm hàng tuần và có rất nhiều biếm họa đặc sắc để lại dấu ấn trong lịch sử biếm họa Việt Nam, nhất là biếm họa về các nhà văn.

Khác với biếm họa Lý Toét - Xã Xệ của báo Phong Hóa, Ngày Nay còn ngây ngô, khờ khạo khi va chạm với nền văn minh Tây phương, biếm họa của LOA cho chúng ta cái nhìn tổng quan, trực tiếp về đời sống thị thành Việt Nam khi nền văn minh nhập khẩu với rất nhiều yếu tố tích cực và cả rác thải của nó đó đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thường nhật và đã trở thành nhu cầu của xã hội.
 
 Xà phòng, đèn măng sông, đèn điện, xe đạp, tàu hỏa... cả xe tang; Âu phục, áo tắm một mảnh... đến cả cái bắt tay giao tiếp! Tất cả đều được gắn cho cái nhãn “tân thời” và đều được thể hiện sinh động trong biếm họa của LOA.

 Múa kiếm kiểu... Đác-ta-nhăng
trong Lên đồng

Gái điếm, nhà thổ được nâng cấp, con lai đen, trắng... Rất nhiều biếm họa của LOA lên tiếng về vấn đề xã hội bức xúc này một cách nhẹ nhàng, hài hước nhưng thâm thúy.
 
Ở một bức tranh ta thấy một bà bế đứa con đen như hòn than đang an ủi ông chồng bị cắm sừng, rằng: con đen là do mình... lỡ ăn quá nhiều thục địa (tên một vị thuốc bắc có màu đen) khi có mang!
Nhưng bức xúc nhất vẫn là sự va chạm giữa văn hóa Đông, Tây. Phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật mới lạ... với sức hấp dẫn ghê gớm của nó làm không ít người đã lo sợ về một sự nô dịch văn hóa, một sự đồng hóa dẫn đến sự diệt vong của nghệ thuật truyền thống Việt.
 
Ngày 7/11/1935, số 90, LOA đã có bức tranh biếm họa mang tên Lên đồng cải lương thật độc đáo về đề tài này. Người ta những tưởng ngay cả lên đồng cũng bị Tây hóa. Nhưng thực tế hơn bảy mươi năm qua đã chứng minh điều ngược lại: Văn hóa Việt có được gìn giữ hay không phụ thuộc chính vào yếu tố nội tại. Bức tranh này đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự, nhất là gần đây người ta luôn nói về “đậm đà bản sắc dân tộc” trước làn sóng toàn cầu hóa.
 
Lên đồng kiểu "Âu hóa"
Về chính trị, LOA châm biếm, công kích không thương tiếc chính phủ thuộc địa bù nhìn thối nát với đầy đủ danh tính trong nhiều bài viết và ở nhiều tranh tranh biếm họa như ở bức tranh Diễn thuyết gia mà Chính phủ thuộc địa chỉ là con rối chuyên môn gật.
Diễn thuyết gia thời thuộc Pháp
 
Nhưng gây dư luận nhất, lôi cuốn nhất là mảng phê bình văn học Việt Nam hiện đại do Lan Khai và đặc biệt là Trương Tửu đảm nhận, có sự hỗ trợ đắc lực của các bức tranh biếm họa vô cùng đặc sắc về các nhà văn hiện thời do họa sĩ Côn Minh (Đỗ Mộng Ngọc) vẽ.
 
 Ai đã từng xem qua những tranh biếm họa các nhà văn này thì khó mà quên được vì quá ấn tượng: Nhà văn Nhất Linh được thể hiện cực kỳ “khủng bố” trong hình hài KingKong dữ dội của Hollywood.
Nhà văn Nhất Linh trong hình hài... KinhKong
 
Thế Lữ với nửa thân dưới mình dê của thần Pan trong thần thoại Hy Lạp là chuyên gia của hoan lạc và ái tình.
Thế Lữ trong hình ảnh thần Pan
 
Khái Hưng trong vai đạo sĩ người Ấn thổi kèn phủ dụ những con rắn độc là cánh chị em.
Khái Hưng trong vai đạo sĩ người Ấn thổi kèn phủ dụ
những con rắn là cánh chị em
 Tú Mỡ, với chùm thơ đả kích ở trần đóng khố cố tát “Giòng nước ngược” - một chuyên mục vốn nổi tiếng của ông trên Phong Hóa và Ngày Nay.
Tú Mỡ tát “Giòng nước ngược"
Có thể nói, đây là một thời kỳ vô cùng sôi động trong đời sống văn học Việt Nam với nhiều tác phẩm có giá trị và với “cuộc chiến” giữa “phái cũ”, “phái mới” và phái “trung dung”, tuy qua đó không ít nhà văn bị “sứt đầu, mẻ trán” nhưng hay nhất là không có ai bị đi tù.

Không kiểm soát nổi, cay cú vì bị châm biếm, Chính phủ thuộc địa quyết định bịt mồm LOA bằng cách rút giấy phép của LOA vào tháng 2/1936.
 
Lý Trực Dũng

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự