Bao giờ biếm họa 'vươn ra biển lớn'?

08:00 22/11/2013

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ khai mạc Giải Biếm họa báo chí Việt Nam – Cúp Rồng tre lần IV do báo TT&VH/TTXVN tổ chức tại Hà Nội tuần qua đã trở thành một cuộc tọa đàm sôi nổi về phong trào biếm họa trên báo chí hiện nay, cả trong nước và trên thế giới. Khi “trao nhau nụ cười”, biếm họa đã làm được rất nhiều điều lớn lao, không biên giới mà các bài báo hàng trăm, hàng nghìn chữ cũng chưa chắc đã làm được.

Họa sĩ (HS) Lý Trực Dũng, một trong những “kiến trúc sư” của giải Biếm họa, năm nay tiếp tục ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng giám khảo. Là người từng có biếm họa được đăng báo chí quốc tế, và luôn theo sát sự phát triển của thể loại biếm họa, ông trao đổi với TT&VH Cuối tuần:


HS Lý Trực Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam – Cúp Rồng tre lần IV

* Thưa ông, thông qua một bài viết của ông trên báo TT&VH cách đây ít lâu về vụ biếm họa Fukushima, có lẽ nhiều người đã quan tâm hơn và hiểu rằng đời sống biếm họa thực sự sôi động và có tác động mạnh mẽ đến tình hình thế giới theo cả hai chiều. Có phải vậy không, thưa ông?

- Biếm họa với sức mạnh và sự hấp dẫn của nó luôn sôi động. Hàng năm trên thế giới có trên 30 cuộc thi tranh biếm họa, hí họa là một ví dụ. Cuộc thi biếm họa chủ đề Border (Biên giới) ở Berlin (Đức) có cả một số HS biếm họa Việt Nam tham gia. Riêng ở Mỹ, hàng năm có trên 20 cuộc triển lãm và thi tranh biếm họa. Tranh biếm họa nhiều kỳ Garfield của HS Jim Davis hiện được đăng tải ở 2.570 báo với số lượng bạn đọc lên tới 263 triệu người, trong đó có báo Vietnamnews. HS biếm họa Matt Wuerker đã vinh dự dành được giải Pulitzer Prize danh giá dành cho thể loại biếm họa báo chí.

Đề tài của biếm họa là vô hạn, nhưng nóng bỏng luôn là các đề tài nóng mang tính thời sự về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Mới đây, tranh biếm họa FUKUSHIMA của  Tuần báo châm biếm Le Canard Enchaine của Pháp đã vẽ tranh biếm họa giễu cợt nước Nhật vừa giành được quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2020, gây sóng gió ở Nhật khiến Bộ Ngoại giao Nhật phải lên tiếng phản đối. Tôi cho rằng tác giả của 2 bức tranh biếm họa nói trên và Ban Biên tập Le Canard Enchaine là những người vô trách nhiệm và có thể nói vô nhân đạo, xúc phạm đến  hàng trăm ngàn nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Đây là vụ việc xấu hổ, phải bị lên án.



Tranh bên trái thể hiện cảnh 2 người trang bị áo quần chống nhiễm xạ cầm thiết bị kiểm tra phóng xạ đứng trên bờ, dưới là chú thích: "Chắc là người ta sẽ cho vận động viên mặc “đồ bơi đặc chủng”. Tranh bên phải thể hiện 2 võ sĩ Sumo gầy gò, tay chân biến dạng, phía sau là tàn tích của nhà máy điện hạt nhân. Trong tranh, một phóng viên truyền hình được bảo vệ chống phóng xạ thốt lên: “Tuyệt diệu, nhờ Fukushima nên Sumo được thi đấu ở Olympic”.


* Thưa ông, những thông tin về đời sống biếm họa đó rất ít được biết đến ở Việt Nam. Có phải là sự hội nhập của biếm họa nước ta với thế giới còn rất thấp? Theo ông cần thiết phải có sự hội nhập như thế nào, và liệu biếm họa nước ta có đủ dấu ấn để... hội nhập, vươn ra thế giới?

- Hội nhập biếm họa thế giới, Việt Nam? Thực chất đây là câu hỏi “cung cầu”. Trong thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ tranh biếm họa Việt Nam được thế giới săn lùng, nhu cầu của người xem trên thế giới rất lớn vì họ quan tâm.

Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam giờ khác trước, không còn là tiêu điểm thời sự thế giới nữa, mà biếm họa thì so với thời kỳ trước là bị tụt lùi, cầm chừng, đang cố gượng dậy, cố vươn lên và mặc dù đã ít nhiều khởi sắc trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung vẫn chưa thể hấp dẫn quốc tế được.

Ngoài ra, về tổ chức, các nước đều có tổ chức biếm họa riêng, các tổ chức này tham gia vào các tổ chức biếm họa quốc tế có uy tín như FECO (The Federation of European Cartoonists  Organisations - Liên đoàn HS biếm họa châu Âu). Về tổ chức, ở nước ta chỉ có một tổ biếm họa nằm trong ngành Đồ họa thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam! Quanh quẩn cối xay là chính, chẳng giao lưu với các bạn HS biếm họa quanh ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia..., nói gì tới chuyện “vươn ra biển lớn...”.

 Hiện có vài HS biếm họa Việt Nam đang sống ở các nước như Canada, Mỹ..., nhưng theo dõi không thấy có tranh biếm họa nào của họ được đăng trên bất kỳ một tờ báo có uy tín ở các nước này cả. Kỳ thị chủng tộc ư? Không phải, đơn giản, ở đó HS biếm họa phải có tầm về trí tuệ và tay nghề thì mới có cơ may tồn tại. Còn hội nhập? Một sự thật, không có một tờ báo Việt Nam nào đăng bất kỳ một cái tranh biếm họa nào của một HS biếm họa Việt Nam về một đề tài quốc tế, vì không có nhu cầu?!

* Trở lại với biếm họa trong nước: qua theo dõi, ông thấy biếm họa thời gian qua có nhiều khởi sắc không? Những chủ nhân của giải biếm các năm có còn giữ được phong độ? Ông ấn tượng với những tác giả nào?

- Phải khẳng định “giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ I, 2007 - 2008” quy mô toàn quốc do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức thực sự là một cú hích cho biếm họa Việt Nam. Uy tín của giải này được khẳng định trong 2 cuộc thi tiếp theo 2009 - 2010 và 2011 - 2012. Tiếp theo là sự hưởng ứng của các cuộc triển lãm biếm họa ở Hà Nội do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ở TP.HCM, báo Tuổi trẻ cười cũng đã tổ chức một cuộc thi biếm họa rất thú vị mang tên Muôn màu giao thông 2011 có tới 90 HS biếm họa chuyên và không chuyên tham gia với gần 350 tác phẩm dự thi.

Mới đây, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) và báo Pháp luật TP.HCM đã phát động cuộc thi “Vẽ tranh biếm họa về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí”... Báo Tuổi trẻ cười vẫn giữ được truyền thống biếm họa châm biếm của mình. Các tạp chí Mỹ thuật & Nhiếp ảnh của Bộ VH,TT&DL, Nhân dân hằng tháng cũng mới dành hẳn một trang để đăng tranh biếm họa. Ngắn gọn, biếm họa đang khởi sắc.Với tư cách là một HS biếm họa, tôi rất mừng về sự phát triển này.

 Về chủ nhân của các tác phẩm biếm họa đã “ẵm” các giải thưởng trong 3 cuộc thi vừa qua? Rất mừng vì phần lớn các anh ấy như NOP, DAD, LAP, LEO, Văn Thanh... vẫn thể hiện “phong độ” ấn tượng của mình qua tranh của họ được đăng thường xuyên trên các báo khác nhau.

* Xin cảm ơn ông              
                            

Thể lệ giải Biếm họa lần IV



- Đề tài: Tự do (không hạn chế đề tài)

-  Các tác phẩm đã được đăng báo hoặc sáng tác để đăng báo trong 2 năm, tính từ kết thúc thời hạn nhận tranh giải lần trước (31/1/2012) đến giải lần này (14/2/2014).

- Số lượng: Một tác giả được gửi tối đa 10 tác phẩm.

- Kích thước: Khổ tối thiểu A4 (210 x 297 mm) và tối đa là A2 (594 x 420 mm). - Nhận tác phẩm từ ngày phát động (14/11/2013) đến hết ngày 14/2/2014 - tính tới thời điểm nhận được tranh tại Tòa soạn báo Thể thao & Văn hóa, 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội hoặc theo dấu bưu điện. Tác giả dự thi cũng có thể gửi thêm phiên bản điện tử của tác phẩm đến hộp thư biemhoa@thethaovanhoa.vn.

- Triển lãm: Các tác phẩm lọt vào chung khảo và đoạt giải sẽ được tuyển chọn in vựng tập và triển lãm dự kiến khai mạc vào đầu tháng 4/2014, triển lãm trong khoảng từ 7 - 10 ngày tại Hà Nội hoặc TP.HCM.

- Giải thưởng: 1 giải Nhất (Cúp Rồng Tre) trị giá 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng) và 1 năm báo biếu báo TT&VH Hàng ngàyTT&VH Cuối tuần; 2 giải Nhì trị giá 8.000.000 đồng/giải và 1 năm báo biếu báo TT&VH Hàng ngày và TT&VH Cuối tuần; 2 giải Ba trị giá 5.000.000 đồng/giải; 5 tặng thưởng (khuyến khích) 2.000.000 đồng/giải; 1 giải “Lựa chọn của công chúng” trị giá 3.000.000 đồng: dành cho tác phẩm được công chúng yêu thích và đánh giá cao trên chuyên trang của giải thưởng (www.thethaovanhoa.vn/biemhoa), thể hiện qua lượt bấm like, số lượng và chất lượng comment...

* Ngoài ra, còn có các giải riêng của một số cơ quan và tổ chức quan tâm trao tặng - vì những giá trị riêng biệt của từng tác phẩm. Tại kỳ giải này Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục trao một giải Đặc biệt dành cho tác giả có nhiều tác phẩm chất lượng cao tham gia giải lần này và đã được đăng báo trong 2 năm (2013 - 2014). Chi tiết xem trên www.thethaovanhoa.vn/biemhoa

Nguyễn Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự