Báo thời xưa, thời nay. Ngẫm và nghĩ…

07:05 27/07/2012


(TT&VH Cuối tuần) - Họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật, và đôi khi còn là nhà bình luận bóng đá Nguyễn Quân (còn có bút danh khác khi viết báo là Nguyễn Bỉnh Quân) từng kể: Ông có thói quen đọc báo TT&VH từ hồi báo chưa rọc, xén, ghim thẳng thớm như bây giờ và luôn yêu cầu người bán báo “giữ nguyên hiện trạng” và sau đó sẽ tự tay rọc, sắp xếp lại các trang. Bài viết dưới đây nhân dịp 30 năm kỷ niệm ngày số báo TT&VH đầu tiên được xuất bản, không chỉ là một hoài niệm mà còn chứa chất nhiều suy ngẫm của ông về thế thời và báo chí.

Từng có thẻ nhà báo nhưng không phải người làm báo chuyên nghiệp, cũng mãi tới gần đây mới có thói quen đọc báo hàng ngày nên từ trẻ tôi đã sẵn lòng kính nể những người làm báo giỏi bởi từ những tờ báo đầu tiên thời Pháp tới thời internet và “thế giới mạng - ảo” bây giờ người làm báo luôn cần đủ thứ: Trí tuệ, tình yêu, ý chí, dũng khí, sức khỏe, sự khôn ngoan… Nghề báo là nghề nguy hiểm, vinh quang và cay đắng, thất bại và thành công luôn sát nách nhau.

Tuy nhiên cơ duyên thế nào lại cho tôi được viết bài cho nhiều báo/chí đủ các loại suốt 40 năm. Nói cơ duyên vì được viết cho Văn nghệ là nhờ anh Hồng Phi, cho Văn nghệ Quân đội là anh Vương Trí Nhàn, cho Nghiên cứu Nghệ thuật là anh Từ Chi, cho Quân đội Nhân dân là anh Đỗ Trung Lai, cho Lao động là anh Đỗ Quang Hạnh, cho Tia sáng là anh Văn Thành… và cho TT&VH chúng ta là nhờ hai anh Hà Vinh và Hữu Vinh (Phó TBT và TBT của TT&VH trong những năm 1990, để dễ nhớ, chúng tôi gọi theo màu da Vinh Đen và Vinh Trắng). Xem lại lịch sử báo chí thời “tiền chiến” cũng như từ thời Đổi Mới thì thấy cái cơ duyên giữa ông chủ bút với các “bỉnh bút” - những người cầm bút quyết định giá trị, uy danh, tác dụng và vị thế của một tờ báo. Thời gian trôi đi nhìn lại có khi sự ra đời, phát triển hay cái chết của một tờ báo có thể là một sự kiện của lịch sử văn hóa quốc gia. TT&VH xuất hiện trong bối cảnh xã hội “tiền đổi mới” khi bao cấp và trì trệ còn giữ thế thượng phong. Lúc ấy tôi có hỏi hai anh Vinh sao không gọi là Văn hóa & Thể thao cho thuận vì văn hóa quan trọng, bao trùm, hấp dẫn và người đọc đói khát văn hóa hơn đói khát thể thao chứ. Thì được giải thích qua quýt mà sắc sảo rằng: Văn hóa là nhạy cảm. Thể thao trung tính hơn để lên trên cho…an toàn!

Đó là thời viết EURO và World Cup mò theo màn hình TV 14 inch đen trắng, nhấp nháy nhiều hơn có hình. Đêm nào mất điện thì mấy anh em lồng lộn xe đạp hết nhà này đến nhà kia may ra còn xem kịp phần hai của hiệp hai (vẫn có bài hay, đầy đủ mới tài!). Đó là thời đói khát cùng cực về thông tin văn hóa. “Giải trí” còn là một từ xấu xa, hưởng thụ kiểu tư sản không có lập trường hay giai cấp tính. Đưa được tin về 100 năm ngày sinh của Van Gogh là một kỳ tích (bởi có vị chủ bút còn quát lên với BTV rằng: Van Gogh là thằng cha nào mà đòi ra trang 1?). Viết về các họa sĩ “vùng tạm chiếm”, họa sĩ Việt kiều hay các họa sĩ cách mạng nhưng “có vấn đề” từ Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ tới Nghiêm - Phái - Sáng… thì cả “bỉnh bút” lẫn chủ báo đều khổ sở vì đắn đo, cân nhắc câu chữ sao cho “đi được”. Viết về các họa sĩ trẻ từ Sài Gòn tới Hà Nội còn vật vã hơn. Không manh động, không đề cao cá nhân, không “vạch đường cho hươu chạy” theo tư sản phương Tây! Lúc ấy còn khá trẻ nên tôi cứ ngớ ngẩn hỏi các đàn anh: Sao lại thế nhỉ? Các sư huynh nhấp chén rượu sắn pha phân đạm xanh như giấy can cười: Cậu hãy dũng cảm và khéo léo trên trang giấy làm sao truyền được kiến thức tới độc giả là được. Viết về văn hóa nghệ thuật mà quá phụ thuộc hệ tư tưởng thì còn gì nghệ thuật với khoa học nữa? Sư huynh lại phán: Thì lờ lớ lơ nó đi, cứ chuyên môn thuần túy “mà giã” - có kiến thức sâu sắc là được. Với TT&VH tôi viết theo phương châm ấy, hóa ra lại được vài bài chuyên môn sâu và nhặt nhạnh rồi “khai sáng” được vô số thông tin văn hóa giải trí của “phần còn lại của thế giới” mà bạn đọc háo hức chờ đợi (thực ra chỉ là cóp nhặt trên các báo nước ngoài mà khách vứt lại trên máy bay rồi tiếp viên gom về bán chui). TT&VH “vinh quang” nhất thời kỳ này và vài năm sau Đổi mới (với các chuyên đề về từng ngành nghệ thuật và trở thành một kênh thông tin văn hóa nghệ thuật uy tín nhất nước. Tất nhiên tác động xã hội rất mạnh - kiểu “một miếng khi đói!”. Hiệu quả “cấp cứu hồi sức” tức thì!

Từ hơn chục năm nay giải trí lên ngôi, Internet bao trùm.Đọc báo văn hóa nghệ thuật - kể cả TT&VH của chúng ta - đúng là để giải trí, để biết mà không cần nghĩ. Chuyện lạ đó đây từ một góc nhỏ loang ra phần lớn các trang. Ảnh đẹp, người đẹp, story giật gân…, diễn đàn thì để ta xem người ta cãi nhau là chính chứ không cần, không được động não tham gia “thảo luận”. Ta chỉ tiếp nhận cả một núi, một sông thông tin (rác là chính, chứ lấy đâu ra lắm thông tin ngon bổ thế!) mà không cần/được gia công chế biến thông tin - tức hành động sáng tạo - nên không tiêu hóa được gì, hóa ra bội thực rồi mắc chứng biếng ăn.

Chủ bút - bỉnh bút - độc giả đều bận hơn mà lười hơn là nghịch lý báo chí thời nay chăng.

Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng một tính chất cơ bản của văn hóa “hậu hiện đại”, đương đại, toàn cầu hóa ngày nay là tính chất trình diễn của mọi sản phẩm từ tòa siêu kiến trúc khủng (ở Dubai, Thượng Hải, Bacelona…) tới một mảnh nội y (Bí mật của Victoria!...) đều là trình diễn. Toàn bộ văn hóa là showbiz chứ không chỉ showbiz mới là showbiz. Có lẽ như thế thực nên báo chí văn hóa - văn nghệ giờ đây có vai trò, sứ mạng một MC - dẫn chương trình chăng.

Tờ báo là một sản phẩm của tiến hóa xã hội. Báo chí thay đổi theo thời thế và làm cho thời thế thay đổi. TT&VH của chúng ta đúng là, xứng đáng là như vậy. Xin chúc mừng: Happy Birthday!

Nguyễn Quân (họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự