Tôi nghĩ về cầu Long Biên như thế

07:51 16/09/2010

(Bài dự thi) - Có người muốn biến Long Biên thành cây cầu tình yêu – chỉ dành cho những đôi yêu nhau. Lại có người muốn Long Biên sẽ thành cầu đi bộ… Mỗi người có những ý tưởng riêng. Với tôi thì mong muốn cầu Long Biên sớm được tu sửa và là cây cầu dành cho người đi bộ, đi xe đạp và dành cho cả những chuyến tàu nữa.

Những kỉ niệm

Lần đầu tiên tôi đi trên cầu Long Biên là cách đây bốn năm, khi đó tôi đạp xe từ Ngã Tư Sở sang Gia Lâm lấy đồ. Cảm giác của một người mới lên Hà Nội học đại học làm tôi thấy cây cầu này thật dài, nguy hiểm nữa vì nó khá là nhiều tuổi, những thanh sắt đã hoen gỉ, lại bắc qua sông Hồng rộng lớn, gió cứ thốc lên từng hồi như muốn thổi bay mình xuống sông. Có lẽ điều làm tôi thích thú nhất lúc bấy giờ chính là kiến trúc hình con rồng và vẻ hoang sơ của nó.


Cầu Long Biên từ bãi giữa sông Hồng nhìn lên

Một lần, con bác chủ nhà xuống phòng tôi chơi, mang ra khoe mấy bức hình chụp giữa những rừng lau rậm rạp. Tò mò hỏi thì mới biết rằng đó là rừng lau ở bãi giữa sông Hồng.  Tất nhiên là tôi rất muốn có những tấm ảnh giữa rừng lau bạt ngàn đó. Tôi quyết định mò ra tận Bãi Giữa. Hồi ấy, là năm thứ hai rồi nên không còn bỡ ngỡ như xưa. Quyết định bắt xe bus đi vào tầm chiều muộn. Tôi đi bộ dọc theo hàng Đậu và lên cầu. Vào tầm đó, thời tiết không nắng oi mà rất mát mẻ. Cảm giác đứng ở trên cầu ngắm nhìn sông Hồng và để gió ùa vào người không hề làm tôi sợ mà trái lại còn rất dễ chịu thoải mái. Tôi quên mất rừng lau, tôi chỉ nhìn ra Bãi Giữa bạt ngàn rau xanh, để mặc gió lùa, hưởng thụ cảm giác sung sướng – cảm giác khác hẳn với thành phố ồn ào, với bài vở căng thẳng. Và gặm nhấm nhấm nỗi nhớ nhà man mác. Bởi vì quê tôi cũng có sông, cũng có những luống rau xanh mướt. Đây chính là nơi để mỗi lần mệt mỏi tôi lại tìm đến, là nơi thỉnh thoảng lôi kéo đứa bạn thân đến nói chuyện, là nơi để sống chậm trong cuộc sống gấp gáp này.

Khó quên nhất là lần tôi cùng với hai người bạn đã đi bộ đúng một vòng cầu Long Biên. Đó là vào dịp tổ chức festival “Ký ức cầu Long Biên” vào hai ngày 10 & 11 tháng 10 năm 2009. Hai ngày đó, không một phương tiện nào được phép lưu thông qua cầu, chỉ có con người và những tác phẩm nghệ thuật về cầu Long Biên, về lịch sử Thăng Long. Đặc biệt hơn nữa, là người ta còn treo nhiều tấm vải trắng trên thành cầu để những người đến tham dự festival ghi lại cảm xúc, nhận xét của mình. Chúng tôi đi bộ một vòng cầu, đọc hết những gì mà người xem ghi lại, chiêm ngưỡng tất cả những tác phẩm được thể hiện hôm đó, nghe được rất nhiều câu chuyện của những người già kể về cây cầu lịch sử này. Qua đó mới ngấm được nhiều hơn nữa ý nghĩa thiêng liêng của cầu Long Biên với đất Hà Nội, mới thấy được tình cảm mà người dân dành cho “con rồng hơn trăm tuổi” này sâu sắc như thế nào.

Những trăn trở

Càng lên cầu bao nhiêu lần, càng hiểu cầu bấy nhiêu, và cũng không kém phần trăn trở...

Có lẽ điều đầu tiên chính là lo lắng về tuổi thọ của cây cầu. Được hoàn thành năm 1902, đến nay con rống sắt đã 108 tuổi, xương cốt đang dần bị “lão hóa”. Thế nhưng, càng già lại càng không được nghỉ ngơi, ngày càng phải chịu nhiều áp lực giao thông hơn. Đôi khi, tôi có cảm giác cầu có thể sập bất cứ lúc nào không hay. Mặc dù  đã tự an ủi bằng suy nghĩ: "Nếu sập thì đã có các chuyên gia báo trước, các chuyên gia vẫn im lặng thì vẫn còn đi tốt”. Nói thế không có nghĩa là mặc kệ đợi nước đến chân mới nhảy. Tu sửa cầu là cả một vấn đề lớn liên quan đến giao thông của người dân, dù bây giờ đã có sự hỗ trợ của cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì… Hơn thế nữa, còn vấn đề kinh phí. Mong rằng, chúng ta không quá nhanh để mà ẩu, và không quá chậm trong việc tu sửa lại cầu Long Biên.


Cận cảnh cầu Long Biên

Tôi đang mơ về một cây cầu Long Biên hoang sơ, thơ mộng như nó vẫn là, nhưng sẽ không còn những tiếng xe máy, không còn những ống pô xả khói… mà chỉ có những bước chân chầm chậm, có tiếng đạp xe nhè nhẹ, đôi khi có tiếng còi tầu vang lên báo hiệu tầu sắp vào ga, gần giống như phố đi bộ vậy. Nghe nói có người có ý tưởng xây những quán cà-phê nhỏ trên cầu, để người đi bộ dừng chân nghỉ ngơi, để buổi sáng có thể nhâm nhi cà-phê. Tôi nghĩ chẳng nên. Có quán cà-phê, là có kinh doanh, có kinh doanh sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Đơn giản cầu Long Biên chỉ là cầu dành cho người đi bộ và đi xe đạp. Trên cầu vẫn bố trí thùng rác để gây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong sạch, để rác không bị xả xuống sông Hồng. Đường tàu vẫn nên giữ lại, vì không dễ dàng gì để mà xây dựng một đường tàu thay thế. Tiếng còi tàu giống như một nét riêng trên cầu Long Biên. Cũng khó để bắt những chiếc xe máy lưu thông trên một cây cầu khác với chặng đường xa hơn, vì đó là thói quen. Tuy nhiên, việc đó cũng giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm vậy.

Bản thân tôi nghĩ rằng việc tu sửa cầu Long Biên nên ưu tiên góc độ văn hóa hơn là góc độ kinh tế. Phải làm sao để cây cầu đó mãi mãi là nét riêng của Hà Nội, là biểu hiện của văn hóa Thăng Long nghìn năm tuổi.


Hiền Lê

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự