Cây cầu nhân duyên

06:35 17/09/2010

(Bài dự thi) - Em không gọi cây cầu sắt bắc qua sông Hồng là cầu Long Biên như người ta thường gọi mà gọi bằng cái tên rất thân mật:  Cây cầu nhân duyên.

10 năm về trước chúng mình đã tình cờ gặp nhau trên cây cầu đó. Em nhớ hôm đó là  tối thứ 7, trời mưa phùn và rét như dao cắt,  em đi gia sư về muộn. Đạp xe lên dốc cầu, em thấy lành lạnh sau gáy khi nhìn thấy cây cầu vắng teo, vài cái bóng điện bị cháy khiến cho cả nhịp cầu tối om. Con bé nhát gan là em chợt hình dung ra vô số tình huống… xấu.  Tay lái run run, em dừng xe lại và cầu trời có ai đó đi đi cùng cho đỡ sợ. Và em nhìn thấy anh đạp xe lên cầu. Không biết mở lời như thế nào, em lẳng lặng bám theo sau lưng anh. Nhưng đúng đến quãng cầu tối không hiểu sao anh tăng tốc khiến em phát hoảng. Cố dồn hết sức vào bàn đạp nhưng vẫn không đuổi kịp anh. Em vừa đạp vừa trách cái gã con trai đi trước mình sao mà “độc ác” thế. Và thế là khi đã đuổi kịp anh, em đã chủ động bắt chuyện để không phải rượt đuổi nữa. Thật vui vì trường học của anh và nhà trọ của em đều cùng ở Gia Lâm (hồi đó Gia Lâm chưa lên quận Long Biên). Chúng mình quen nhau từ  ngày đó.



Cứ mỗi tối thứ 7 anh lại đạp xe qua cầu để đi học thêm Tiếng Anh, còn em đi gia sư, mỗi đứa một con đường khác nhau nhưng lại hẹn chờ nhau ở dốc cầu Long Biên để cùng về. Anh bao giờ cũng là người về trước và kiên nhẫn đợi em ở đó. Lúc đầu em cứ nghĩ là anh tan học sớm hơn nhưng sau này em mới biết mình cùng tan một giờ, quãng đường của hai đứa đến cầu Long Biên gần bằng nhau nhưng cứ ra khỏi trung tâm ngoại ngữ là anh đạp xe thật nhanh để đến “điểm hẹn” trước em vì anh không muốn em phải chờ anh trong lo sợ.

Ngày tháng qua đi, tình cảm của chúng mình đã lớn lên trên những nhịp cầu. Không phải là hai chiếc xe đap song song bên nhau mà là một chiếc xe hai đứa đi chung mỗi tối thứ 7. Mỗi khi lên đến đầu cầu, anh cố hết sức để đạp nhưng cũng có khi bánh xe anh chững lại vì đuối sức. Em vẫn nhõng nhẽo ngồi trên xe. Anh nhìn em hỏi: Đố em, cái dốc này tên là gì? Em hồn nhiên trả lời: Dốc cầu. Anh lắc đầu: Không phải. Thế là dốc gì? Em  nôn nóng chờ ở anh câu trả lời. Anh cười bảo: Dốc… xuống đi em.



Mỗi lần đi qua cầu, anh thường đạp xe rất chậm. Anh bảo đó là thiên đường của gió, của không khí trong lành. Kể cũng phải, đang ở trong nội thành ồn ào, đông đúc, được lên cầu Long Biên cảm giác như mình rũ bỏ được bụi bặm, mệt mỏi, ồn ào của tiếng còi xe đông đúc, được hòa mình giữa thiên nhiên thoáng đãng thật khoan khoái, dễ chịu. Rồi anh dựng  chân chống xe để hai đứa đứng dựa vào lan can cầu tận hưởng những cơn gió thổi từ mặt sông lên mát rượi, cùng lắng nghe tiếng thuyền máy lạch bạch chạy dưới lòng sông, cùng hít hà cái mùi ngô nướng thơm phức thoang thoảng đâu đây…Trong ký ức của em về mối tình thời sinh viên nghèo không có hương vị của cà phê, không có hoa hồng và sôcôla mà chỉ có túi nước mía, bắp ngô nướng, chiếc bánh mỳ mới ra lò hai đứa bẻ ăn chung trên cầu Long Biên, vậy mà dư vị vẫn ngọt và thơm đến tận bây giờ.

Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử và cũng là chứng nhân tình yêu của anh và em. Trên cây cầu ấy, anh đã ngỏ lời yêu em đúng vào đêm Noel. Không có hoa, không có nhẫn chỉ có một đôi găng tay anh giấu trong túi áo. Anh lồng vào tay em mà ánh mắt dường như muốn trao gửi rất nhiều: Em hãy giữ ấm đôi bàn tay để sau này còn chăm sóc anh và các con. Em bướng bỉnh là thế, chẳng bao giờ chịu đi găng tay dù trời rét đến đâu vậy mà hôm ấy em đã để yên đôi bàn tay cho anh lồng đôi găng tay vào cảm  thấy đêm Noel bớt lạnh giá hơn. Và con tim em ấm áp, hạnh phúc khi được anh che chở.

Rồi chúng mình thành vợ, thành chồng. Cuộc sống vật chất cũng ngày một đầy đủ hơn: Hai vợ chồng đã mua được một căn hộ ở Khu đô thị Việt Hưng. Mỗi sáng, anh chở em đi làm bằng chiếc xe tay ga qua cầu Chương Dương và lúc về cũng trên cây cầu ấy. Vài lần, em rủ anh đi  qua cầu Long Biên, anh bảo: Cầu Long Biên giờ cao điểm nhiều xe thồ, xe đạp đi vướng víu lắm. Và thế là mỗi lần ngồi sau xe anh qua cầu Chương Dương nhìn sang cầu Long Biên em cảm thấy nhớ biết bao cái ngày xưa của mình. Cầu Long Biên vẫn ở đó mà sao em thấy vừa gần vừa xa vời vợi.

Rồi nhà mình có ô tô, ngồi trong xe em không còn sợ mưa, sợ nắng nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc cây cầu Long Biên và những kỷ niệm ngày xưa của chúng mình cứ nhạt nhòa dần trong ký ức của em. Cho đến một ngày…

Cuộc hôn nhân của chúng mình có nguy cơ đỗ vỡ vì một biến cố. Anh nghĩ ra cái trò để lại cho em một mẩu giấy rồi dọa sẽ lên cầu Long Biên tự tử. Em cuống cuống đi tìm anh. Nhìn thấy em trong chiếc áo mong manh chạy lên cầu giữa một ngày mùa đông, anh rối rít xin lỗi. Anh bảo: Cây cầu bị bom đạn gãy mấy nhịp người ta còn nối được và đến bây giờ vẫn vững vàng là thế, chẳng lẽ vợ chồng mình không hàn gắn với nhau được sao em? Ánh mắt anh đầy hối lỗi chân thành. Vợ chồng mình đoàn tụ chính trên cây cầu ấy. Em bảo: Em ghét sự hào nhoáng, em muốn anh mãi mãi mộc mạc và rắn chắc như cây cầu này. Anh gật đầu và trao cho em một lời hứa.

Bây giờ gia đình mình đã có thêm một thành viên nhí. Kỷ niệm 7 năm ngày cưới, anh và em đã đưa con lên cầu Long Biên chụp ảnh lưu niệm. Nhìn các cô dâu, chú rể tạo dáng trên cầu Long Biên lòng em ngập tràn niềm vui. Nhìn sang anh, khuôn mặt anh cũng ngời ngời hạnh phúc bên cạnh cậu con trai kháu khỉnh đang toét miệng cười. Lòng rưng rưng em thầm cảm ơn cây cầu nhân duyên đã đã cho em gặp anh, cho em những kỷ niệm và cho em tìm lại hạnh phúc. Khi lấy ảnh, ông thợ ảnh cứ xuýt xoa ảnh của gia đình mình đẹp quá. Anh và em nhìn nhau cười hạnh phúc.

Mặt trời chênh chếch, màu trắng của khăn voan, váy cưới của các cô dâu vẫn thướt tha bên cầu Long Biên. Vợ chồng mình cùng con tay trong tay ra về nhưng cây cầu nhân duyên vẫn ở lại để se duyên và thêu dệt hạnh phúc cho biết bao đôi tình nhân!

Thu Đức

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự