Còn mãi những nhịp yêu

05:01 20/09/2010

(Bài dự thi) - Gió, thật nhiều gió thổi bao giờ cũng cho tôi cảm giác tự do, khoáng đạt và bay lên. Tôi đang đứng trên cầu Long Biên có gió sông Hồng nhấc bổng. Thay điểm quan sát như đổi góc quay từ mắt nâu rồi mờ chồng, hư thực, đồng hiện, cho bộ phim Long Biên không muốn kết.

Ngắm Long Biên lúc hoàng hôn là đẹp nhất. Chiều về gọi sum họp, gợi những buồn lẻ mênh mang. Chiều muôn tràn đêm thành phố lên đèn để ước mơ Thủ đô nước mình có ngày thành Thủ đô ánh sáng theo nghĩa đen của nó, chứ không phải kiểu ít đèn hay có đèn không bật để tiết kiệm điện như con đường mới ven hồ Tây, như với Long Biên này.

Anh về xẻ ván cho dày
Bắc cầu sông Cái cho thầy mẹ sang
                                                                      (Ca dao)


Cầu nào anh bắc qua sông Cái, sông đã có cầu dải yếm tự thuở nào. Yêu anh em đã sang sông bằng mắt, băng cơn nhớ. Xem ảnh Hà Nội xưa, không bao giờ thiếu ảnh cầu Long Biên. Cầu Thê Húc xưa được ghép bằng 5 tấm ván, không có lan can. Cầu Long Biên bằng thép, bắc tồn qua thế kỷ thứ hai, qua dòng chảy ngàn năm, cầu là cổ tích, tương lai, là hiện hữu, là giấc mơ. Mùa Đông hà hơi rút tay khỏi găng chạm vào buốt thép, ôm nhau trong sương trên cầuDoumer mà nhớ 9 năm trước đã cùng nhau chạy mệt nhoài trên con đường đá mang tên Tháng Chạp, thở không kịp vì mệt, vì yêu, khi dừng lại Ponte Vecchio bắc qua dòng Arno cạn nước. Trên những con đường cổ Paris, mỗi viên đá là một bức ảnh - cả  triệu “album” những dấu chân, những mặt người tứ phương đưa đôi ta đến cầu Mirabeau để cùng Apolinaire yên lặng ngắm dòng Seine trôi trôi. Tháng năm dãi dầu sông Hồng cứ đằm thắm phù sa độ lượng. Bom phá gãy mất nhịp, vòm, cầu vẫn ngạo nghễ sứ mệnh. Cánh tay thép hồi sinh và trường sinh ấy đỡ bao số phận, bao cảnh đời, triệu chuyến đi. Hàng thế kỷ người ta sử dụng, khai thác triệt để công năng Long Biên, mà hiếm ai nhớ cầu cũng có linh hồn. Tôi tin mọi sự vật đều có hồn. Thành phố đã hiện đại nhiều mà khu vực cầu Long Biên, Bãi Giữa vẫn không thay hết phận cần lao kiếp nghèo bám quanh sông. Những nhà ổ chuột, thân vạn đò, bãi lau hoang sậy. Sông hẹp lại, lưu tốc chậm vì rác và lấn chiếm. Đã có Fesival cầu Long Biên, rồi sẽ làm thường niên, mỗi năm một lần gần xa chen chúc tới. Phải có sự kiện thì mới nhớ, mới quan tâm, lệ nước ta là thế. Em nhớ Anh cả khi đang bên cạnh. Em thương cầu lúc đang đứng lặng Long Biên.



Đâu phải cứ bôi bẩn, tàn phá mới là tệ bạc và phải hối hận với cầu. Thản nhiên sử dụng, vô tâm lãng quên cũng cần sám hối! Lẽ nào Long Biên chỉ nguyên vẹn trong những bức ảnh đen trắng của tư liệu, tem thư, post cart, trong kí ức, di truyền văn hoá, trong nuối tiếc và mơ ước...

Tôi yêu Hà Nội không phải trong những xô bồ hỗn loạn của ánh sáng trụi trần bụi bặm ồn ào, nhịp mất - còn nhô như vai mẹ kham chứa chịu đựng vị tha. Nhưng chúng ta không thể lạm dụng lòng bao dung ấy mà thờ ơ thêm nữa.

Tháng Chín qua 9 nhịp đôi và 18 trụ, em đang trở lại tuổi trẻ của chúng mình. Hãy quên uổi thật của cầu, của đôi ta, cho Quá khứ - Tương lai đồng hiện thành muôn điều kỳ diệu. Những biên giới ngăn cách bị phá bỏ bởi cái đẹp và tình yêu lan tràn. Cầu vồng lên, hay ánh sáng ảo diệu đang chuyển màu cho đôi ta thấy dòng Nhĩ Hà như nhập bóng Danube xanh sông Rhin hay Volga, Trường Giang cuộn sóng Hằng thiêng. Những thành phố, những nền văn minh luôn gắn với sông. Từ văn minh sông Hồng, mình cùng tới kinh đô ánh sáng. Quyện nhau thành tháp nghiêng trên tháp Pisa và Eiffel.
 
Đi qua những cây cầu bằng cơ thể thanh tân, ta chẳng cầu ước gì tham lam ngoài bình yên thanh thản. Em đã đứng sững sờ trước vẻ đẹp hùng tráng lệ của cầu Alexandre III trên sông Seine, với ngựa vàng tung cánh. Ta ước có phép màu để một ngày kia, Long Biên thành cây cầu diễm lệ, hiện đại cùng vẻ cổ cổ kính là giá trị chứa sức sống mãnh liệt. Với hệ thống đèn chiếu sáng, nhũ bạc, cầu sẽ xứng tầm là một biểu tượng của Thăng Long. Hoạ sĩ Đào Anh Khánh muốn làm sắp đặt và trình diễn trên cây cầu lịch sử này trong khao khát nó thành không gian nghệ thuật. Thực sự sông Hồng và cầu Long Biên đã hàm chứa lịch sử và nghệ thuật lâu rồi, nhưng chưa hết tầm vóc vốn dĩ. Lớn hơn thân phận của một cây cầu thuần tuý, cầu Long Biên xuyên qua không gian, thời gian bằng sứ mệnh vô song, là đề tài nguồn cảm hứng của bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ.

Ca sĩ Minh Châu Mimosa đã vẽ hàng trăm tranh về cầu Long Biên với nhiều gắn bó, mong mỏi cầu Long Biên sẽ thành cầu đi bộ, được tu sửa, chăm chút bù đắp mấy chục năm bị tró, sứt sẹo. Bãi Giữa sẽ thành vườn hoa khổng lồ. Từ trực thăng nhìn xuống, cầu Long Biên kiêu hãnh, quý phái bắc trên sông, mùa mùa vạn màu hương sắc.



Vòm cầu khoan khoan nhịp nhàng như trăm cô gái thiếu nữ nằm nude ánh sáng, e lệ, nhịp chân dài nối nhau giữa mùa trong ngần sương, ánh sáng huyền ảo. Hai đầu cầu, dàn dây chơi mải miết Lê Minh Sơn sổ tóc bùng bùng guitar, Đào Anh Khánh đáo Xuân cuồng mặt sóng. Tùng Dương, Hà Linh hát như ngọn lửa. Trịnh Minh Hiền ngất ngây violin váy đỏ. Những hoạ sĩ vẽ tranh trên cầu. Nhiếp ảnh gia mỏi tay chớp máy. Ngàn năm lồng lộng. Những đau thương, khát vọng tụ về gợi cảm và thiêng liêng...

Đôi ta viết gì khi ấy? Phía xa những ngôi nhà mái nâu rêu lên xanh bậm chân chin sẻ, tàu hoả băng qua phố cũ đem tiếng rúc hoả xa lên núi, về biển sau lúc qua sông.

Anh lại nhớ tới những cây cầu đi bộ nổi tiếng bắc qua sông Moskva. Cầu Luzhkcov hoàn thành năm 1994 và thành cầu Tình yêu từ 2007. Dãy “Cây tình yêu” làm bằng cột kim loại để các cặp uyên ương treo khoá tình yêu lên đó, cầu hạnh phúc trăm năm. Anh bên em cầu hạnh phúc miên man trên cây cầu trăm năm nơi xứ sở của mình.

Kìa khi những cô dâu chú rể kệ trái tim quả lắc mà đứng giữa đường ray giữa cầu chụp ảnh cưới, sẽ có ngày trái tim yên không lo ngại khi cây cầu được giảm tải, xoá bỏ lấm lem, nhếch nhác để thơ mộng và lãng mạn trong sự tráng lệ độc đáo hiếm có. Chúng và nhiều đôi lứa yêu nhau hơn vì yêu Hà Nội. Một tình yêu lớn, bất chấp mọi giới hạn. Mình đã tỏ tình với Long Biên, với thành phố ngàn năm. Trung thu hay mùa nào cũng mùa tình yêu dành cho cây cầu dấu ấn nối từ ký ức sang ngày chưa tới, cho chúng ta khoảnh khắc “đánh mất” tuổi của mình. Chỉ còn những ý nghĩ trinh khiết và thăng hoa như nhịp cầu không tuổi, trẻ trung và cổ điển, phơi mờ và bí ẩn. Long Biên! Long Biên! Khuông nhạc, thước phim khổng lồ trên sóng ngàn năm vươn vào mãi mãi... Anh và em bay lên cùng cầu Long Biên khi pháo hoa rợp trời thành phố cùng muôn vì sao rạng rỡ trăng đầy.  
                
Tuỳ bút của Vi Vi

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự