Một biểu tượng của lịch sử và nghệ thuật

21:56 19/09/2010

(Bài dự thi) - Đứng trước một dòng sông, bao giờ tôi cũng buồn và thấy mình bé nhỏ nhất . Tôi thường gặp Sông Hồng, cầu Long Biên vào buổi chiều. Thời khắc đổ dần về cuối mỗi ngày người ta hay nghĩ về xum vầy và thân phận. Cầu Long Biên mang tầm vóc vĩ đại vượt hẳn vai trò mà mọi người thường nhắc đến hãng Daydé và Pillé từ Paris sang Hà Nội, đầu tư xây dựng năm 1898 đặt tên viên toàn quyền Paul Doumer cho cây cầu lớn nhất Đông Dương. Khi mời kiến trúc sư Eiffel kiến trúc cây cầu này chắc họ không ngờ 100 năm sau, nó trở thành một biểu tượng của lịch sử và nghệ thuật không thể thay thế trên đất nghìn năm.

Người ta nói nhiều tới cầu Long Biên qua công năng của nó. Thế là phiến diện, dù chức năng kết nối vận chuyển là đặc tính căn bản của cây cầu.

Người Pháp để lại dấu ấn đa dụng trên đất thuộc địa, đặc biệt về kiến trúc, giao thông, tạo bước ngoặt cho đời sống, lịch sử xã hội.

Con rồng sắt bay qua sông Hồng - một hình ảnh quá quen. Sông Hồng còn được gọi là Nhĩ Hà, vành tai bao quanh kinh thành. Hầu hết các thành phố trên thế giới đều gắn với những con sông, những nền văn minh theo các dòng sông. Paris có tháp Eiffel và Long Biên trên đất Thăng Long như tháp Eiffel.

Hà Nội không có nhiều phố mang tên những danh nhân văn hóa, nghệ sĩ. GS sử học Trần Quốc Vượng nhận định: “Hà Nội là cái làng lớn”. Những làng nghệ thủ công hợp lại tạo nên kinh thành không phải 36, mà gần trăm phố mang tên Hàng. Chốn phồn hoa đô hội của đất nước nông nghiệp vẫn còn vất vả lam lũ kiếp cần lao.

“Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Người xe đi lại thong dong...” Những câu mở đầu bài ca dao chất chứa niềm tự hào, dù thực tế sau này, không được như lời khoe ấy. Cầu khi mới xuất hiện với 9 nhịp đôi đặt trên 2 mốc và 18 trụ, dài 1682m, cả cầu dẫn là 2291m thuộc loại hiện đại và quy mô nhất thế giới. Khánh thành ngày 3/2/1902 với sự hiện diện của vua Thành Thái từ kinh đô Huế ra ngự giá Bắc Hà, là ngày lịch sử. Cầu không chỉ bắc qua hai thế kỷ mà nhiều thế kỷ. Thực dân Pháp muốn tìm đường thâm nhập miền Tây Nam Trung Quốc. Đi ngược hai sông Hồng, Mê Kông đều không được. Toàn quyền Đông Dương đề xuất làm tuyến đường sắt Hải Phòng - Côn Minh - Vân Nam.


Cầu Long Biên đầu thế kỷ XXI(Ảnh: Nhà sử học Dương Trung Quốc cung cấp)

Hôm 12/9/2010, đúng 112 năm ngày khởi công Paul Doumer cầu mang họ viên toàn quyền, ban đầu chỉ dành cho đường sắt, hai bên cho người đi bộ và xe tay. Ngày khánh thành cũng là ngày ông Doumer cưỡi tàu hoả qua cầu ra thẳng cảng Hải Phòng rồi xuống tàu thuỷ về nước. Ông và những người kế nhiệm không tưởng được rằng, cây cầu này bằng sự hiện diện của nó, không chỉ vận chuyển những hành trình, mà nó là một hành trình của sứ mệnh trác việt.

Hà Nội xưa, nhỏ hơn bây giờ nhiều, hình như vì thế, cầu Long Biên được nhìn vừa dài vừa rộng. Trong tập ký Chuyện cũ Hà Nội (1986), ở bài Phố và làng, nhà văn Tô Hoài viết: “kích thước Hà Nội khi ấy bé nhỏ, lên đầu đê Yên phụ đã ra tỉnh Hà Đông. Bãi giữa dưới gần cầu Long Biên thuộc Bắc Ninh”.

Những bức ảnh, bản đồ Hà Nội, giờ được lưu giữ nhiều nhất ở Pháp. Trong các bộ ảnh đen trắng ấy, không bao giờ thiếu hình ảnh cầu Long Biên. Những tem thư, bưu ảnh (Post card) vô giá ấy gần đây được in lịch treo tường, gợi bao nhung nhớ và tiếc nuối. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã bỏ công sưu tầm, giới thiệu nhiều tư liệu quý báu.

Tờ lịch in đôi tháng 7-8 (July & August) với tấm ảnh cầu Long Biên theo hướng nhìn từ phía bên này nội đô mở ra không gian gọi tôi hoà nhập. Hai quý bà ngồi xe tay, phu xe đen đúa chân đất, tóc búi, đầu cúi nhẫn nhục, tầng lớp “áo ngắn” thời nào cũng khổ.

Người lao động, đường vắng, cầu vắng. Bóng vài người thấp thoáng đội nón rộng vành, cột điện sắt gày bên trụ đầu cầu. Con đường to rộng dưới chân cầu mở ra cả không gian rộng, như những con đường kè (quai) bên dưới những cây cầu dọc sông Seine. Ngày nay, đường Trần Nhật Duật hỗn loạn người xe, lộn xộn nhà cửa, mắt không phóng được một tầm. Thành phố mở rộng, đã hơn 6 triệu dân, chợ người đủ loại với đủ cách thức, từ gái điếm tới lao động chân tay. Nhớ và khao khát phố cổ, chỉ phố cổ thôi, như thời Thạch Lam và Phái, những ngôi nhà cổ cuối cùng mất đi như tranh Bùi Xuân Phái rời khỏi VN. Giữa những năm 20 thế kỷ XX, cầu Long Biên cho ô tô qua lại và 70 năm sau thì chỉ có xe máy, xe đạp được qua cầu, cùng với người đi bộ và hoả xa như được trở lại thuở ban đầu nay đâu còn nữa. Bom đạn đã làm mất nhiều nhịp cầu. Từ phía Hàng Đậu đi lên, vòm cầu như như phác thảo mái nhà phố cũ. Tôi đứng bên không nghĩ giữa cầu mùa Thu, chợ nhớ bài thơ của người thầy đã mất.
   
“Sông đã phổng phao trời đẫm ướt
 Nhân hậu làm sao những bãi bờ
 Khi mùa mưa đến em ra bãi
Ngô mía đôi bờ xanh vút theo”

    (Khi mùa mưa đến 1981, Trần Hoà Bình)

Dòng người xe sùng sục về phía Bắc Biên, chảy ngược qua tôi. Tàu hoả Hải Phòng lúc 18 giờ qua cầu vào thành phố. Trên hành lang nhỏ hẹp cập kênh, tôi nhìn sông Hồng cuộn nước bên dưới bước chân. Chạm vào thành cầu, tay lưu vết gỉ. Chợ họp nơi khoảng nghỉ giữa cầu. Bên trái, khu ổ chuột phường Phúc Xá sau chợ hoa quả Long Biên, nóc nhà nhà phủ vải nhựa xanh, ni lon ô hợp lợp lốp xe sọt úp. Lố nhố antene gày nhô lên trên những mái tôn xanh đỏ. Bên phải kia, cầu Chương Dương hiện diện 24 năm mà cầu Long Biên chưa lúc nào được vẻ thư thả, thong dong. Khi các phương tiện chạy ngược tôi hối hả, những sà lan, đò dọc, lặng trôi sông buồn. Đò ngang buông neo, vài gia đình sống lều long đong mặt nước. Vài căn nhà dựng nơi Bãi Giữa, trồng ngô, khoai, cải, bí. Kẻ dắt xe đạp, xe máy lao xuống cầu thang, tối mấy người đàn bà còn lúi húi bãi ngô mới mọc chừng 3 gang tay, lại có lão nông một mình nhổ cải cũ.


Cầu Long Biên đầu thế kỷ XXI(Ảnh: Nhà sử học Dương Trung Quốc cung cấp)

Tôi thường chọn tàu hoả mỗi khi về Hải Phòng quê ngoại hay đi lên miền núi những nơi có ga tàu. Tập sống chậm rất khó. Tạo tình huống để hồi ức và mơ mộng, cầu một chủ ý quyết tâm. Cầu Long Biên trong ký ức những người Hà Nội chưa xa, đẹp, nên thơ, một không gian mơ mộng. Từ xa vào Hà Nội thấy lố nhố kiến trúc phơi bày nhếch nhác Long Biên căng vai nhịp võng  như vai mẹ gày. Nhưng cầu vẫn là chiếc trâm cài trên dòng sông vĩ đại.

Bộ đội tiến về Hà Nội, quân Pháp rút khỏi Thủ đô. Cầu dầm mưa dãi nắng, trải bão tố, chiến tranh vẫn là kiên cường. Cầu đi vào bao tác phẩm văn chương, nhiếp ảnh, điện ảnh hội hoạ, âm nhạc, như bối cảnh như nhân vật, gợi cảm hứng cho bao nghệ sĩ, tao nhân. Cầu là chứng nhân nhiều sự kiện, là vật chứng của bao kỷ niệm. Và những cuộc tình từ lúc yêu đến ngày đám cưới, cho cả tới lúc già. Hà Nội không thể thiếu những cái hồ, cây xanh và cầu Long Biên.

Cả thành phố là công trường khi dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long được tổ chức vào dịp tháng 10 là cơ hội làm ăn của nhiều kẻ không hề yêu trà trộn vào những người biết yêu thực sự. Người ta đào bới lát lại vỉa hè, rải nhựa cả những con đường còn tốt, nghĩ ra làm cổng chào; không ai nhớ đến việc sửa sang trang hoàng cầu Long Biên. Dòng chữ quảng cáo và xe hai bên cầu dây thép gai quấn linh tinh, những lan can thanh cầu tróc sơn han gỉ.

Hãy mạ nhũ bạc, thiết kế đèn để Long Biên rực rỡ  ánh sáng kinh thành bằng sự chăm sóc, người nâng niu tôn vinh xứng đáng cho cây cầu 108 năm xây sau bao điều đẹp đẽ và tuyệt diệu cầu đã dâng hiến cho chúng ta.

Dân gian gọi cầu Long Biên là cầu sông Cái. Cầu bắc trên sông Cái, sông Mẹ, nên cầu bao dung chứa đựng oằn mình chịu bao tổn thất thiệt thòi, nhưng không phải vì sự độ lượng ấy mà ta lạm dụng đến kiệt lực. Bù đắp sửa sai lúc này còn chưa muộn. Sao cứ phải có dịp lễ lạt mới ào ạt sửa chữa xây dựng nhiều đến mức quên cả công trình cần nhớ hàng đầu: Cầu Long Biên???

Đứng trên cầu, thấy thời gian hiện lên những hình ảnh như cuốn phim chiếu chậm. Bao tài khí, anh hùng, mỹ nhân đã qua cầu này. Thăng Long 1000 năm cầu hơn 100 năm, bỗng thành vô hạn khi tình yêu không thể nào thay thế. Tôi ước ao cầu Long Biên sẽ được làm lại nhịp vòm cầu đã mất như nguyên trạng ban đầu, thành di tích lịch sử quốc gia mang giá trị cổ điển, một mỹ kiều hiếm biệt.

Đi trên Long Biên, tôi nhớ tới Andreyevski, di tích kiến trúc lịch sử cầu kính đi bộ đẹp và hoành tráng nhất Moskva.

Cầu cùng thời với Long Biên xây xong năm 1907 để tàu hoả chạy tới 1999 thì chỉ dành đi bộ. Người ta thả bộ, ngắm cảnh, dạo chơi ngày và đêm trên cây cầu lợp mái, có vòm cuốn, tiền sảnh, đường kính và hành lang, nối với công viên văn hoá Gorki, nằm giữa đồi Chim Sẻ, trường MGU và quảng trường Đỏ.

Hãy để cầu Long Biên thành cây cầu nghệ thuật, bớt chức năng vận chuyển nhọc nhằn, để nó được bền lâu cùng Thủ đô của chúng ta, một thành phố ngàn năm đã để mất quá nhiều di sản, sự cổ kính.    
           
Cầu Long Biên chỉ thực sự thăng hoa khi cây cầu không chỉ dành cho nghệ thuật 1-2 ngày festival mà nó là cây cầu nghệ thuật thực sự. Đây là nơi để những ngẫm ngợi, tĩnh lặng, suy nghiệm và mơ mộng được trở về với con người giữa thời công nghiệp làm mất trí tưởng tượng, bào mòn tâm hồn chúng ta.

Long Biên link vào thời gian, qua triệu số phận. Long Biên là khung nhạc bất tận tuổi yêu miên viễn của mình.

Vi Thùy Linh

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự