“Trang sử bằng thép” nối đôi bờ sông Hồng

07:07 18/09/2010

(Bài dự thi) - Sau những Chùa Một Cột, Cột cờ, cụm di tích Hồ Hoàn Kiếm… “trang sử bằng thép” cầu Long Biên là một trong những hình ảnh đặc trưng về văn hóa, lịch sử, kiến trúc do bàn tay con người tạo lên. Và đặc biệt hơn dù là một công trình của người Pháp thiết kế nhưng nó lại do chính công nhân Việt Nam xây dựng lên, để rồi lịch sử của nó lại gắn liền với những trang sử vàng của mảnh đất, con người Thủ đô anh hùng.

Được biết đến là cây cầu đầu tiên bắc ngang phần hạ lưu sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa qua địa phận Hà Nội và đến nay đã hơn 100 năm với nhiều thay đổi nhưng cây cầu Long Biên vẫn là một phần không thể thiếu của mảnh đất, con người Hà thành.

Theo những tài liệu còn lưu trữ lại tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I và nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về Hà Nội thì việc xây dựng cầu Long Biên có rất nhiều điều đáng chú ý. Trước hết, việc xây dựng cây cầu Long Biên được cây dựng trong thời kỳ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp tại Đông Dương. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của cây cầu này lúc đó, được kỳ vọng sẽ giúp khai thông dải giao thông huyết mạch tạo đà cho cuộc khai thác thuộc địa thành công, nối Hà Nội với các tỉnh duyên hải phía Đông như Hải Phòng, Quảng Ninh và phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai. Và một mục đích khác mà nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, người chuyên nghiên cứu về Hà Nội đã đưa ra trên Thể thao văn hóa “để đàn áp cuộc khởi nghĩa của nhân dân vùng Bắc Giang”.


Toàn cảnh cây cầu Long Biên, ( Ảnh : Văn Dũng)

Ngày 13/09/1898 viên đá đầu tiên được viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đặt xuống tại vị trí mố cầu bên bờ tả ngạn con sông Hồng trong lễ khởi công long trọng. Đúng 2 năm 5 tháng, sau lễ khởi công, ngày 28/02/1902 cây cầu chính thức được khánh thành và khúc đường sắt xuyên Đông Dương cũng chính thức được đặt lên.

Khi mới hoàn thành cầu được đặt tên là Paul Doumer, nhưng người Hà Nội vẫn gọi nó bằng cái tên cầu sông Cái hay cầu Long Biên. Vào thời điểm đó, đây là cây cầu sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 2 thế giới về độ dài, sau cây cầu Brooklyn của Hoa Kỳ.

Những tài liệu được lưu trữ đến nay cũng đã khẳng định cầu Long Biên được thiết kế và thi công bởi hãng Dailé & Pillé chứ không phải do kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế nhưng cầu Long Biên đã kế thừa những yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật của thể loại công trình kết cấu thép trong nền khoa học kỹ thuật bấy giờ. Với 19 nhịp nhưng có tới 20 trụ cầu, các trụ trong lòng sông đều phải thi công bằng phương pháp giếng chìm hơi ép, trụ cầu thiết kế cao 43,5m, trong đó phần chòi lên trung bình 13,5m. Toàn bộ phần thân cầu được làm bằng thép và các thanh thép được ghép với nhau bằng các tán đinh. Với kết cấu hợp lý và khớp nhau đã tạo cho cầu đủ sức mạnh vượt sông Hồng và tạo nên một hình dáng như “dáng Rồng” uốn khúc vắt qua con sông Cái.


Cẫu Long Biên vẫn tấp nập mỗi ngày ( Ảnh : Văn Dũng)

Một điều đặc biệt được ghi nhận trong quá trình thi công cây cầu, thay cho những người thợ Trung Quốc được tuyển trước đó, bằng chính sự tinh nhanh, khéo léo, cần cù, những người thợ Việt Nam mới là những người đã lắp ráp các cấu kiện kim khí, tán đinh chốt, sử dụng cần cẩu... dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư người Pháp. Trong chính cuốn hồi ký của mình, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Paul Doumer cũng đã viết: "Những người thợ An Nam rất giỏi. Họ sống được dưới độ sâu như thế, với sự khắc nghiệt như thế, không kêu ca phàn nàn. Họ tự nguyện làm công việc ấy, và được trả lương cao".

Được xây dựng ngay sát khu nội thành của Hà Nội, lại bao hàm cả đường sắt và đường bộ nên các kỹ sư người Pháp đã rất tinh tế, sáng tạo khi đưa ra những giải pháp mà đến nay chúng ta vẫn còn phải nể phục, đó là hệ đường dốc lên xuống hợp lý, ga đường sắt trên cao, hệ thống cầu sắt ở đường dẫn trên cao qua các tuyến phố… Không những vậy, với cách thiết kế, bố trí hài hòa giữa các nhịp trên thân cầu đã tạo cho Long Biên nhiều điểm nhìn ngắm rất đẹp ngay từ phần đường dẫn, đầu cầu, trên cầu… mà cho đến nay hiếm có cầu nào ở Việt Nam làm được như vậy. Ở mỗi góc nhìn trên cây cầu này lại tạo cho người ta một nỗi niềm cảm xúc, cảm nhận hoàn toàn khác nhau về cuộc sống, con người, vẻ đẹp Hà Nội như bà Nguyễn Nga - Giám đốc Ngôi nhà nghệ thuật đã chia sẻ trên Thể thao văn hóa: “Tôi sinh ra ở miền Bắc và rời Việt Nam từ rất sớm. Tôi sống tại Paris gần 40 năm, ngay cạnh tháp Eiffel. Năm 1989, lần đầu tiên tôi về Hà Nội. Khi tôi đạp xe đạp lên cây cầu ấy và dừng chân, tôi có cảm giác cây cầu đang rùng mình và tôi như đứng trên lưng một con rồng... Cảm giác khiến tôi thấy ấn tượng và tôi nghĩ rằng sở dĩ có cây cầu này là vì có dòng sông, và nhìn xuống dòng sông đó tôi thấy cả một cái nôi của nền văn minh đồng bằng Bắc bộ”.

Ngược thời gian, quay về những ngày sục sôi cách mạng tháng Tám - 1945, chính trên cây cầu Long Biên này, từng đoàn người từ các địa phương bên kia sông Hồng đã cùng tiến về nội thành Hà Nội để giành chính quyền về tay nhân dân và lại cùng nhau hướng về Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 để chứng kiến một thời khắc mới trong lịch sử dân tộc “nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước công, nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á ra đời” và để cùng nhau nghe câu hỏi ân cần của Bác: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cũng ở đây, mùa đông năm 1946, quân dân thủ đô đã vượt sông ngay dưới gầm cầu này với bên trên là lính Pháp lăm lăm súng ống để rồi 9 năm sau, cũng tại nơi đây, những đoàn quân chiến thắng đã trở về tiếp quản thủ đô và tống tiễn những tên lính Pháp cuối cùng ra khỏi Việt Nam. 8 năm chống không quân Mỹ phá hoại miền Bắc, cũng là 8 năm cầu Long Biên sát cánh cùng quân và dân Hà Nội. Cầu Long Biên lúc đó là trọng tâm đánh phá của không quân Hoa Kỳ, là nơi hứng chịu lượng bom nhiều nhất ở Hà Nội. Nhiều đoạn cầu đã gãy, đã bị đánh chìm xuống đáy dòng sông, kết cấu của cầu hiện nay cũng không còn được toàn vẹn như ban đầu nhưng cầu vẫn đứng sừng sững, hiên ngang, kiên cường như một minh chứng cho tinh thần, trí tuệ, lòng dũng cảm của người Hà Nội.

35 năm sau ngày đất nước giải phóng, non sông quy về một mối, những cây cầu mới dân được xây dựng lên để chia sẻ như Chương Dương, Thăng Long và gần đây là Thanh Trì, Vĩnh Tuy đã làm cho cầu Long Biên trở nên lặng lẽ hơn xưa. Điều đó cũng đúng thôi, khi mà đất nước ngày càng phát triển, lưu lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng mà “sức” của cầu đã yếu thì điều này là lẽ hiển nhiên. Nhưng nói vậy, chứ hàng ngày Long Biên vẫn là nhịp nối tuyến đường sắt quan trọng từ Hà Nội đi các tỉnh Đông, Bắc và gần đây là tuyến đường sắt Liên vận Việt – Trung. Cùng với đó mỗi ngày, vẫn có hàng ngàn lượt người đi bộ, xe đạp, xe máy từ các vùng ngoại thành, tỉnh, thành lân cận qua cầu để vào Hà Nội.  Và từ bao giờ thì không ai có thể nói rõ ngày tháng, nhưng cầu Long Biên đã dần trở thành người bạn thân thiết của những người nghèo, người dân lao động ngoại thành.

Đi trên cầu vào buổi sáng sớm, người viết bài này được chứng kiến từng đoàn xe thồ, gánh hàng với đủ thứ từ rau xanh, cây cảnh, hoa quả, bình gốm… tiến vào nội thành. Những ông cụ, bà cụ trong nội rồi bên ngoại thành đi bộ xuống bãi giữa để tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành của bãi ngô, ruộng lạc xanh ngắt… Công nhân, viên chức đến cơ quan, nhà máy, những tiếng cười, nói tíu tít của các tốp học sinh, sinh viên thong dong trên những chiếc xe đạp đến trường. Phía dưới chân cầu, trong xóm chài nhỏ, những tiếng gọi nhau í ới của các gia đình đã làm không khí trở lên rộn ràng hơn. Buổi chiều đến khi ánh nắng bắt đầu thu lại dần, cũng là lúc những gánh hàng rau, những rổ tôm, cá còn tươi ngon vừa được thu hái, đánh bắt được người dân khu Bãi Giữa đưa lên bán cho người qua cầu. Cảnh mua bán, xen lẫn với dòng người ngược xuôi trên cầu đã tạo ra một bức tranh thu nhỏ về Hà Nội, với những nhọc nhằn qua tháng năm. Ánh nắng đã tắt hẳn, màn đêm buông xuống, bên ánh đèn cao áp sáng rực, người viết bài này lại có được một cảm giác khác về cầu, khi đó là một nơi hóng mát, hẹn hò lý tưởng của những đôi tình nhân và đôi khi cũng là nơi trú chân qua đêm cho những mảnh đời bất hạnh nào đó.

Khi bài viết này hoàn thành cũng là lúc Thăng Long – Hà Nội đang đón chào đại lễ 1.000 năm tuổi và cầu Long Biên cũng đã ở cái tuổi ngoài một trăm. Hơn một trăm năm, trải qua 3 thế kỷ toả bóng trên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cầu Long Biên vẫn đứng đó, lặng lẽ, bền bỉ, chứng kiến mọi sự thăng trầm trong những trang sử vàng một thời của mảnh đất, con người Hà Nội. Với tôi, dù không phải là người Hà Nội, không được sống cạnh cây cầu này nhiều nhưng mỗi lần được đi qua đây, lại có những cảm xúc, cảm nhận về một phần giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội trên cây cầu Long Biên, nối đôi bờ con sông Cái. Tôi không phải là một nhà tiên tri, càng không có được những năng lực đặc biệt như một số người nhưng tôi dám khẳng định rằng “Trang sử bằng thép”, cầu Long Biên này sẽ đứng vững mãi với ký ức và là cầu nối tới tương lai trong lòng những người Hà Nội, những người yêu Hà Nội.

Bền vững như câu ca dao cây cầu Long Biên vẫn in dấu trong tâm trí mọi người:  “Hà Nội có cầu Long Biên. Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng. Tàu xe đi lại thong dong. Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...”

 Thành Chung

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự