Cầu Long Biên: Cây cầu lịch sử của thế kỷ 20

22:12 17/09/2010

(Bài dự thi) - Trải qua lịch sử hơn một 100 năm, Cầu Long Biên như một nhân chứng lịch sử chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước và thủ đô Hà Nội. Nếu như cầu Thê Húc là biểu tượng của thế kỷ 19 thì cầu Long Biên chính là lịch sử của Hà Nội thế kỷ 20.
 
Long Biên một di sản lịch sử của dân tộc

Được khởi công vào tháng 8/1898 và đến 2/1902, cầu Long Biên được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cầu được người Pháp đặt tên là Paul Doumer, nhưng người Hà Nội vẫn gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái.


Cầu Long Biên vẫn sừng sửng nối hai bờ Sông Hồng suốt hơn 100 năm ( Ảnh Mạnh Lực)

Mặc dù công trình này do nhà thầu Daydé & Pillé tại Creil là chủ thầu nhưng đây không phải công trình của riêng người Pháp xây mà có sự tham gia của những người thợ người Việt Nam. Họ chính là những người lặn xuống đáy sông để đào móng chân cầu, cũng là người tán hàng nghìn chiếc đinh nối các dầm cầu, nhiều người thợ Việt đã để lại thân thể và máu của mình để xây nên cây cầu này.  Cùng với đó hàng trăm tấn gỗ (từ Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa được khai thác), ximăng (Hải Phòng), vôi Long Thọ của Huế được vận chuyển về đây để xây dựng nên công trình vĩ đại nhất vùng Viễn đông khi đó. Vì thế có thể nói Long Biên chính một phần của đất nước Việt Nam, một phần của Hà Nội ngàn năm văn  hiến. 

Hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên cùng với nhân dân cả nước trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp Và chống Mỹ của dân tộc, cũng như chứng kiến đổi thay và phát triển từng ngày của đất nước và thủ đô Hà Nội.  Thời chống Pháp, cầu Long Biên đã lặng lẽ chứng kiến bao người Việt yêu nước phải lên đoạn đầu đài, rồi sự lớn mạnh của Việt Minh cho đến ngày đoàn quân hào hùng nhịp bước trên cầu về tiếp quản thủ đô. Để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) hàng nghìn tấn gạo từ đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã được vận chuyển qua Cầu Long Biên để phục vụ bộ đội ta trên chiến trường và sau 56 ngày đêm chiến đấu hàng ngàn chiến sĩ thủ đô trở về trên chiếc cầu Long Biên trong niềm vui chiến thắng.
 


Nhiều chiến sĩ phòng không và quân dân thủ đo đã hy sinh để bảo vệ cây cầu (Ảnh tư liệu)

Trong Kháng chiến chống Mỹ cầu Long Biên là một trong những mục tiêu công kích chủ yếu của không quân Mỹ nhằm cắt đứt tuyến giao thông giữa Thủ đô với cách tỉnh phía Bắc. Tháng 8-1967, khi người dân Hà Nội đang tấp nập qua lại cầu Long Biên thì các tốp máy bay Mỹ bất ngờ ập đến đánh phá. Các trận địa phòng không bảo vệ kiên cường bắn trả nhưng các nhịp cầu 14, 15, 16 đã trúng bom và có nhịp bị đổ hoàn toàn. Nhiều chiến sĩ phòng không và người dân Hà Nội đã hy sinh trong trận ném bom này, đây là trận ném bom Cầu Long Biên phải chịu thiệt hại nhiều nhất. Nhưng những chiến sĩ phòng không và người dân Hà Nội vẫn bám trụ chiến đấu để bảo vệ cây cầu huyết mạch dù họ phải trả bằng máu. Có lẽ vì vậy mà hầu như người Hà Nội lớn tuổi nào cũng ít nhiều có kỷ niệm bi hùng về cây cầu sắt cổ kính bắc qua sông Hồng này.

Một công trình đặc biệt của thế kỷ 20


Cầu Long biên là một công trình kiến trúc độc đáo thời bấy giờ (Ảnh Mạnh Lực)

Cầu Long Biên không chỉ mang những giá trị văn hóa lịch sử mà còn là môt công trình kiến trúc độc đáo, Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ được thiết kế đi theo quy luât đi bên phía tay trái cầu. Điều này khác với cách phân đường đi thông thường phía bên phải ở Việt Nam.

Một điều đặc biệt, khi được xây dựng, cầu Long Biên là 1 trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, nổi bật nhất ở Viễn Đông, là một biểu tượng của lối kiến trúc Cầu Hiện đại khi đó. Với lịch sử hơn 100 năm tuổi cùng những chứng tích của nó Long Biên hoàn toàn có thể sánh ngang với những câu Cầu cổ trên thế giới như cầu Khaju ở Iran, Cầu tháp ở London (Anh), “Cầu Gió và Mưa” của Trung Quốc và cầu Vechio của Iatalia.

Đã đến lúc để cây cầu già nghỉ ngơi ?

 
Hàng chục chuyến tàu vẫn ngày ngày chạy qua long biên Cầu Long Biên ( Ảnh Mạnh Lực)

Không chỉ với người Hà Nội, người Việt Nam hay du khách có dịp đến thăm Hà Nội, cầu Long Biên là một biểu tượng, một nhân chứng lịch sử của Việt Nam trong thế kỷ 20, một thế kỷ mà cả đất nước kiên cường chống lại những kẻ xâm lược. Và ngày nay khi mà đất nước đã hòa bình và phát triển Long Biên vẫn ngày ngày là nhịp nối cho hàng nghìn người qua lại, cho những chuyến tàu từ Bắc tới Nam.

 
Bán hàng trên cầu vẫn là kế mưu sinh của nhiều người dân Hà Nội sống ven hai bờ Sông Hồng
( Ảnh Mạnh Lực)


Không chỉ vậy Cầu Long Biên còn là nơi mưu sinh của những người dân Hà Thành sống hai bên bờ sông Hồng, là nơi mà mỗi sáng sớm hay buổi chiều nhiều người dân Hà Nội vãn tìm đến để ngắm buổi bình minh và hoàng hôn, còn du khách  nước ngoài đến Long Biên để nhìn về Hà Nội của trăm năm trước.
 

Khó có nơi nào ở Hà Nội mgắm hoàng hôn đẹp bằng ở chân cầu Long Biên ( Ảnh Mạnh Lực)

Nếu có thể để cây cầu già nghỉ ngơi (ngừng lưu thông và chỉ được đi bộ trên cầu) và khai thác cầu Long Biên ở giá trị di sản lịch sử thì vừa có thể bảo vệ phát huy những giá trị lịch sử của cây cầu đồng thời mang lại giá trị kinh tế từ nguồn thu hoạt động dịch vụ và du lịch.


Đỗ Mạnh Lực

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự