Cầu Long Biên - Những giá trị lớn lao

10:42 20/09/2010

(Bài dự thi) - Thăng Long – Hà Nội sắp tròn một nghìn năm tuổi. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, các thế hệ cư dân của vùng đất này đã sáng tạo nên một kho tàng các di sản văn hoá vừa đa dạng vừa phong phú. Dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng Thăng Long – Hà Nội vẫn là trung tâm của cả nước, nơi hội tụ giao lưu, kết tinh văn hoá bốn phương và toả sáng khắp mọi miền đất nước.
 
Trong rất nhiều các di sản văn hoá của vùng đất Thăng Long – Hà Nội, chúng ta không thể bỏ qua cây cầu Long Biên. Đây là cây cầu mang nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hoá.

Giá trị kiến trúc.

Đồng bằng sông Hồng có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Bởi vậy, việc đi lại giữa hai bên bờ sông xưa kia thường là các phương tiện thuyền bè đơn giản, việc đi lại khó khăn cách trở. Nên khi xâm lược Việt Nam, ngay từ lần khai thác thuộc địa lần thứ nhất thực dân Pháp thấy việc xây dựng một cây cầu bắc ngang sông Hồng là cần thiết. Cây cầu này giúp nối liền huyết mạch giao thông từ Hà Nội đi Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai và các tỉnh phía Bắc. Vì thế, toàn quyền Đông Dương thời bấy giờ là Paul Doumer đã quyết tâm khởi công xây dựng cầu.

Cầu được đặt tên là Doumer (theo tên của viên toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc bấy giờ), nhưng người dân Việt Nam gọi cây cầy với cái tên dân gian: cầu sông Cái, và thông dụng nhất là cầu Long Biên.


 Cầu Long Biên

Cầu Long Biên được coi như “tháp Eiffel nằm ngang”, bởi nó được chính kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Pháp Gustave Eiffel thiết kế. Ông là người đã thiết kế tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp.

Năm 1897, mở đầu cuộc bỏ thầu cho cầu Long Biên, nhiều nhà thầu từ Pháp sang Hà Nội tham dự. Dự án của hai nhà thầu Dayde và Pille ở Creil được chọn.

Ngày 13/9/1899 viên đá đầu tiên được đặt ở mố cầu bên bờ tả ngạn. Ban đầu, công nhân Trung Quốc được tuyển chọn, nhưng với sự khéo léo, tinh nhanh, năng động, chính những người thợ Việt Nam đã lắp ráp các cây cầu dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư, đốc công người Pháp.

Việc thi công những bệ đỡ cho cầu sắt lúc ấy vấp phải khó khăn chưa từng thấy ở một xứ sở như Bắc Kỳ. Một nơi mà đang được thực dân “khai hoá”.

Trụ cầu cứ hoàn thành tới đâu là công nhân phải lắp dầm thép tới đó. Tất cả các cấu kiện được liên kết bằng đinh tán thủ công rất độc đáo và đều do những người thợ sắt An Nam khéo léo đảm nhiệm dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư, đốc công người Pháp. Sau đúng ba năm thi công với 30.000m3 khối đá, 5.300 tấn thép, hàng ngàn tấn xi măng Hải Phòng, hàng ngàn tấn vôi Huế, hàng ngàn mét khối gỗ Thanh Hoá... Người Pháp đã phải chi 6.200.000 franc trích từ tiền công trái của Đông Dương để xây cầu.

Lúc đó cầu Long Biên là cây cầu dài thứ hai trên thế giới, chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ.

Vị trí được chọn để xây cầu đúng ngay vị trí mà chiếc tàu của Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và cửa Bắc trước đó. Tổng cộng cả cầu chính và đường lên hai bờ dài hơn 3.500m. Gồm cầu chính bằng sắt từ Hà Nội đến Gia Lâm dài 1.682m. Có 19 nhịp nối với nhau bằng những dầm sắt. 9 khung khổng lồ mỗi khung 61m. Hai cánh cung cách nhau 75m chìa ra những cánh tay dài 36m nâng những tấm dầm thép nặng hàng tấn. Cầu sắt đặt trên 18 trụ và hai đầu cầu khung thép.

Cây cầu gồm có đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe rộng 2,6m và luồng đi bộ rộng 0,4m. Từ trên nhìn xuống có bình diện hình chữ nhật khoảng 100.000m2. Nhìn gần khung sắt của cầu đồ sộ, vĩ đại, chiều dài tưởng như vô biên. Từ dưới bãi bồi nhìn lên như mạng lưới ăng ten giăng mắc trên vòm trời.

Ngày khánh thành, 28/2/1902, hoà trong dòng người nô nức đổ về chiêm ngưỡng "tháp Eiffel nằm ngang" của Hà Nội, Vua Thành Thái cũng đến dự. Hôm ấy đoàn tàu đầu tiên nối liền Hà Nội - Hải Phòng chuyển bánh trong niềm kiêu hãnh của bao người. Đó cũng là đoàn tàu chở ngài Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xuống cảng Hải Phòng, ra tàu biển trở về Pháp hoàn thành vẻ vang sứ mạng xây dựng hệ thống giao thông đường sắt ở Bắc Kỳ - cây cầu sắt được cả thế giới biết tiếng.

Giá trị lịch sử

Cầu Long Biên đứng trên sông Hồng hơn 100 năm, chứng kiến bao nỗi thăng trầm của người dân đất ngàn năm văn vật. Cứ 2h sáng ngày nắng cũng như ngày mưa, đã nghe thấy tiếng kẽo kẹt đè nặng trên đôi vai người phụ nữ những rau, những quả từ phía Gia Lâm rảo bước vào nội thành. Dần dần chợ mọc lên buôn bán mỗi ngày một sầm uất hơn. Hàng hoá từ Hà Nội toả đi, mọi nơi đổ về làm thay đổi cả bộ mặt thành phố... Chợ và chợ vây lấy đôi bờ, họp thâu đêm suốt sáng. Người ta có thể mua tất cả mọi thứ ngay dưới chân cầu. Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng từ đó mà hình thành. Dân tứ xứ quần tụ về sinh sống buôn bán.

Trong chiến tranh, cầu Long Biên đã chứng kiến cuộc rút lui của thực dân Pháp, trả lại quyền độc lập cho dân tộc Việt Nam, tiếp đến là những năm tháng chiến tranh ác liệt chống Mỹ.  Những năm máy bay Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc bằng B52, hàng tấn bom đạn đã nhằm vào phá huỷ cầu. Nó được coi là huyết mạch giao thông gần như độc đạo lúc ấy vận chuyển hàng hoá thiết bị quân sự từ cảng Hải Phòng chi viện cho chiến trường. Từ năm 1965 - 1972, cầu Long Biên đã bị ném bom 14 lần, trong đó nặng nhất là trận đánh ngày 10/09/1972. Bom Mỹ đã làm gãy gục 3 nhịp cầu, hỏng 4 trụ và 1500m cầu. Sau đó, Nhờ bàn tay khéo léo và ý chí can trường của những thợ cầu thời đó, cầu đã được  sửa chữa và thông xe ngày 11/01/1973.

Giá trị văn hoá.

Ngoài kiến trúc và lối thiết kế bằng sắt thép khá ấn tượng, cầu Long Biên còn được biết đến với ý nghĩa là một trong những cây cầu mang tính nhân bản ở Việt Nam. Cây cầu được thiết kế và xây dựng dựa trên yếu tố con người, vì con người, phục vụ cho cuộc sống và nhu cầu hằng ngày của con người.


Cầu Long Biên - Rực rỡ cuối ngày

Thời xưa, trên cầu Long Biên còn có cả ghế đá dành cho những người đi bộ, họ thong dong và ngắm cảnh sông Hồng mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Chính vì vậy, cây cầu dài này đã trở thành một phần đáng nhớ trong tâm thức mỗi người dân sống ở Hà Nội mà không phải cây cầu nào cũng có được

Những năm đất nước chuyển mình trong công cuộc đổi mới. Giao thông bùng nổ, cầu Long Biên đã được giảm gánh nặng khi hai cây cầu Thăng Long và Chương Dương xây dựng mới. Và gắn bó với cây cầu lúc này chỉ còn lại những người dân tần tảo đôi bờ nương tựa vào nhau buôn thúng bán mẹt, những kẻ không nhà thất thểu, và những người hoài cổ...

Năm 2001, Chính phủ Pháp và tổ chức Di sản không biên giới đã chủ trì hội thảo quốc tế ở Paris về chủ đề: “Cầu và những công trình nghệ thuật bằng kim loại: Di sản, sử dụng và biểu tượng”. Và hội thảo đã đi đến sự thống nhất về quan điểm: “Cần tôn vinh sự hiện diện của cầu Long Biên ở Hà Nội như một biểu tượng của lịch sử, công nghệ, vẻ đẹp cũng như sự trường tồn giữa hai cuộc kháng chiến...”.

Các giá trị cần được gìn giữ.

Hiện nay, do quá “già cỗi” cầu Long Biên chỉ dành cho xe lửa, xe thô sơ và khách bộ hành. Nhà nước, chính phủ, các cấp, các ngành đã đưa ra nhiều phương án để tu sửa, khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn giá trị cây cầu. Hàng tỷ đồng được đưa vào xây dựng trụ chống tàu bè, sơn sửa ... Ngoài ra, đã tổ chức thành công một chương trình lễ hội “Ký ức cầu Long Biên” rất thành công vào ngày 10/10/2009. Và hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, báo Thể Thao và Văn Hoá cũng đã tổ chức cuộc thi viết “ Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm” ....

Cầu Long Biên... Bao du khách đã đến ghi lại nhịp sống trên cây cầu cổ. Bao đôi bạn quen nhau mỗi buổi học về, bao lớp người muốn giữ hình ảnh mình và cầu trong cuốn phim ký ức.

Cứ như vậy, hiền lành và chở che, hơn thế kỷ vẫn trung thành nối nhịp sống đôi bờ, cầu Long Biên vẫn góp sức vào cuộc sống của người dân Hà Nội hôm nay.

Nguyễn Hoa

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự