Phóng sự ảnh: Cầu Rồng tự sự

09:39 20/09/2010

(Bài dự thi) - Hơn một thế kỷ trôi qua, cầu Long Biên vẫn sừng sững ngang sông Hồng – chứng kiến những thăng trầm của thủ đô Hà Nội. 108 tuổi, đi qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, Long Biên trở thành một biểu tượng lịch sử, văn hóa của thủ đô Hà Nội, của cả dân tộc Việt Nam.



Tháng 9/1898, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer phát lệnh khởi công cầu Doumer – cây cầu đầu tiên nối liền hai bờ sông Hồng với mục đích phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của Thực dân Pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, người nước Nam đã quên ngay Doumer để gọi cầu với cái tên dung dị mà sâu sắc hơn: Long Biên!




Sau ba năm, bằng nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ kỹ sư người Pháp và công nhân Việt Nam (tháng 2/ 1902), cầu Long Biên đã hoàn thành. Với chiều dài 1.862m, Long Biên trở thành một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới thời điểm đó.




Ngay sau khi hoàn thành, cầu Long Biên trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Cũng dễ hiểu bởi nó là người “em song sinh” của tháp Eiffel – biểu tượng muôn đời của nước Pháp, đều được thiết kế bởi kiến trúc sư đại tài Gustave Eiffel.
Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Cây cầu được thiết kế với hai làn đường bộ hai bên, chính giữa là đường ray xe lửa.




Ra đời trong chế độ thực dân Pháp đô hộ, đồng hành cùng thủ đô Hà Nội trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, cầu Long Biên trở thành nhân chứng lịch sử cho thời kỳ hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt thời gian bom đạn chiến tranh đó, hai lần cầu Long Biên bị gãy, nhưng nhân dân thủ đô đều nối lại, đưa cầu vào sử dụng để phục vụ kháng chiến. Đến nay, vẫn còn một số dấu vết của thương tích năm xưa.




Những năm chiến tranh, bãi giữa cầu Long Biên có 6 ụ pháo cao xạ bảo vệ cầu và nhà máy điện Yên Phụ. Trên nóc cầu còn lại nhiều thanh sắt - dấu tích những điểm trực chiến của bộ đội ta.




Hứng chịu mưa bom bão đạn, Long Biên vẫn sừng sững tồn tại như một minh chứng hùng hồn cho vẻ đẹp anh dũng, trí tuệ của người Hà Nội trong chiến tranh.




Hoà bình, thống nhất đất nước, Long Biên là cây cầu cho xe máy, xe thô sơ và người đi bộ ra vào nội thành. Long Biên trở thành bạn của tầng lớp bình dân.






Cầu Long Biên còn là nơi trao đổi, mua bán những thứ kiếm được từ dưới sông, ở bãi giữa Sông Hồng. Lâu dần, nơi đây hình thành nên những chợ cóc đậm chất nông thôn Việt Nam.








Xen giữa những tiếng xô bồ của chợ là âm thanh nặng nề, chậm chạp của những đoàn tàu vẫn ngày ngày chạy qua Long Biên.



Mỗi sáng, từng đoàn các cụ bô lão thư thái đi dạo trên cầu tập dưỡng sinh. Mải miết hơn, từng đoàn xe thồ than, rau xanh, cây cảnh... lũ lượt vào nội thành.








Chiều về, lại những cụ già, những em học sinh đi bộ qua cầu để tận hưởng không gian thoáng đãng của con sông. Khách qua cầu dường như cũng muốn đi chậm hơn để tận hưởng một chút không khí sông nước trước khi trở về với nội thành ồn ào náo nhiệt.
Bao du khách đã đến với Long Biên để ghi lại nhịp sống trên cây cầu cổ. Bao lứa đôi đã chọn Long Biên làm nơi chứng nhận tình yêu, bao lớp người tuổi "cổ lai hy" vẫn giữ một tình yêu Long Biên trong sâu thẳm trái tim.






Chiều về, hoàng hôn phủ bóng, Long Biên chìm trong màn sương mờ ảo...





....Cây cầu đang sôi nổi những giờ cuối cùng trước khi chìm vào giấc ngủ, để rồi sớm mai lại bắt đầu một công việc bình dị và vô cùng quen thuộc: phục vụ tầng lớp bình dân của thủ đô Hà Nội.


Nguyễn Văn Dũng

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự