Cây cầu quê hương

08:06 09/09/2010

(Bài dự thi) - Năm 1897 người Pháp tổ chức thi thiết kế “Cầu Long Biên” Hà Nội. Phương án của Gustave Eiffel được chọn để xây dựng (Gustave Eiffel là tác giả thiết kế tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris Pháp). Cầu được thiết kế theo dáng của cầu Tolbiac ở quận 13 Paris trên tuyến đường sắt Paris – Orians.

Hãng DAYLE và PELE trúng thầu thi công phần chính. Nha công chính Đông Dương xây cầu dẫn. Chiều dài toàn cầu là 1862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn được xây bằng đá. Đường sắt chạy giữa cầu. Hai bên dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Luồng giao thông lên cầu theo hướng phía trái cầu, khác hẳn các cầu thông thường. Trong cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược 1965 – 1972 cầu bị ném bom 14 lần, máy bay giặc Mỹ thời Giôn - Xơn đã đánh sập một số đoạn nhịp cầu. Địch phá đoạn nào, ta sửa chữa kịp thời ngay đoạn đó để cầu vẫn thông suốt liên tục bình thường. Bộ đội và dân quân Thủ đô Hà Nội không sợ hy sinh gian khổ mưa nắng đã tạo những pháo đài trên cao tại các điểm nóc cầu làm trận địa pháo cao xạ chiến đấu gan dạ kiên cường, quyết liệt giáng trả máy bay địch. Sau này, do sự gia tăng về giao thông từ những năm 90 của thế kỷ trước, Nhà nước đã cho xây dựng thêm cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì… nên từ đó cầu Long Biên chỉ dành cho tàu hoả, xe đạp và người đi bộ. Rất tiếc, cho đến nay cầu Long Biên vẫn chưa được sửa chữa, phục chế lại đúng như cũ. Thậm chí hiện nay cầu còn bị một số người biến thành nơi họp chợ rất nguy hiểm, mất mỹ quan, mất trật tự vệ sinh.

Từ sau ngày hoà bình được lập lại 1954, ở quê tôi có quy định ngày giỗ tổ hàng năm được tổ chức vào chủ nhật đầu tiên sau tết Nguyên Đán của năm mới để tất cả mọi người con cháu ở xa cũng đều có thể về đông đủ. Năm nào ngày chủ nhật sát Tết quá, ngày giỗ tổ được chuyển sang chủ nhật liền sau. Ngoài ra, những ngày lễ và chủ nhật chúng tôi cũng thường xuyên về quê qua cầu Long Biên. Bởi vậy cây cầu Long Biên đối với tôi rất thân thiết và gắn bó. Đến mực tôi thuộc từng đoạn cầu, thuộc từng cái đinh vít trên cầu.

Quê ngoại tôi ở Cự Khối quận Long Biên, là một xã mới lên phường, nhưng trường học ở đây bây giờ còn to đẹp hơn nhiều trường học trong nội thành cũ. Đi ô tô độ 15 phút hết cầu Thanh Trì là đến quê ngoại của tôi, ở ngay hầm giữa cầu dẫn.

Quê nội tôi ở Làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, là quê ngoại của vua Lý Nhân Tông, có đền thờ Bà Nguyên Phi Ỷ Lan, nơi phát trích truyện “Tấm Cám”, nay vẫn còn giếng cô Tấm ở giữa sân trước chùa. Làng Sủi trước đây là cả một vùng từ Phú Thị đến Dương Xá, có đặc sản đậu phụ và bánh dày ngon nổi tiếng. Một địa danh có một không hai trên thế gian vì vùng đất này đã sinh ra 16 ông tiến sỹ qua các triều đại và nhà yêu nước -  nhà thơ Cao Bá Quát, trong đó có tới 10 ông tiến sỹ được ghi danh khắc bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội là các ông.

1.    Ông Nguyễn Huy Nhuận, đỗ tiến sỹ năm 25 tuổi, 1703, và làm tới tể tướng. Là người duy nhất trong các triều đại Việt Nam đã về hưu nhưng vẫn được vua vời ra giúp việc nước. Chính ông Nhuận năm 1728 lúc đó là tả thị lang bộ binh đã cùng ông Nguyễn Công Thái là tể tửu Quốc Tử Giám được triều đình uỷ sai vâng theo chỉ dụ của Vua lên cắm mốc biên giới Vị Xuyên.

2.    Ông Đoàn Quang Dung, đỗ tiến sỹ năm 29 tuổi, 1710.

3.    Ông Cao Dương Trạc, đỗ tiến sỹ năm 34 tuổi, 1715.

4.    Ông Trịnh Bá Tướng, đỗ tiến sỹ năm 30 tuổi, 1721.

5.    Ông Nguyễn Huy Mãn, đỗ tiến sỹ năm 34 tuổi, là em con chú ông Nguyễn Huy Nhuận.

6.    Ông Nguyễn Huy Thuật, đỗ tiến sỹ năm 44 tuổi, là em con chú ông Nguyễn Huy Nhuận.

7.    Ông Nguyễn Huy Dận, đỗ tiến sỹ năm 41 tuổi, 1748, là con ông Nguyễn Huy Nhuận.

8.    Ông Nguyễn Huy Cận, đỗ tiến sỹ năm 1760, là con ông Nguyễn Huy Dân và là cháu nội ông Nguyễn Huy Nhuận.

9.    Ông Trần Huy Liễn, đỗ tiến sỹ năm 34 tuổi, 1779.

10.    Ông Nguyễn Xuân Hàn, đố tiến sỹ năm 24 tuổi, 1779.

Có gia đình liên tiếp 3 đời đều đỗ tiến sỹ và làm quan triều đình là các ông: Nguyễn Huy Nhuận (ông), Nguyễn Huy Dận (con) và Nguyễn Huy Cận (cháu). Có lúc ở Làng này có tới 4 quan cùng làm việc trong triều đình. Thời chúa Trịnh có 7 ông quan nhất phẩm trong triều đình thì làng này đóng góp tới 5 ông. Năm 1721 và 1779 mỗi năm làng đều có tới 2 ông đỗ vinh quy bái tổ.

Đi ô tô độ 30 phút hết cầu Chương Dương hoặc cầu Thanh Trì, thẳng Quốc lộ 5, đến ga xe lửa Phú Thuỵ rẽ trái vào đường Nguyên Phi Ỷ Lan tới chợ Sủi là cổng làng quê nội của tôi ở ngay bên tay phải. Thật ra đi quá thị trấn Trâu Quỳ là đã nhìn thấy cây đa của làng tôi rồi. Quê nội tôi ngày nay đã là khu công nghiệp vừa và nhỏ, có nhiều nhà máy, nhiều nhà cao tầng, đường làng bê tông rộng rãi, có đèn cao áp sáng trưng đến tận cổng làng. Nhưng tôi vẫn tiếc cái làng quê xanh bóng tre ngày xưa, tiếc nuối những thảm lúa chạy dài suốt dọc hai bên đường 5 đẹp như tranh vẽ. Bởi có đồng ruộng, bụi tre mới có những đàn cò. Tôi như vẫn hình dung hình ản vua Lý Thánh Tông đi dã ngoại ngày nào nhìn thấy một cô thôn nữ rất kỳ lạ cứ điềm nhiên mải miết hái dâu… và đã được vua vời gọi.

Dòng họ tôi may mắn được ông cha để lại cho một cơ ngơi tuyệt vời. Một nhà thờ năm gian với kiến trúc cổ cách nay 165 năm và một khuôn viên mấy nghìn mét vuông với đầy đủ ruộng vườn, ao cá, cây ăn quả lâu niên, tường bao quanh, cổng đắp nổi câu đối – chim muông, cây cảnh, hươu nai. Ruộng để trồng lúa nếp và gạo giống ngon phục vụ giỗ tết. Cá, ốc ở ao quê tôi nhiều vô kể, quăng dây câu xuống ao là đã có thể nhấc ngay lên một con cá quả hàng cân; ốc bươu đen nháy, vàng ươm bò khắp xung quanh mép ao, vục rổ xuống một đoạn là đã có ngay một rổ ốc nặng béo ngậy nhìn đã sướng cả mắt. Những lúc ấy, chúng tôi thì mổ cá làm ốc ở ngoài sân, còn ông bác tôi râu trắng cước như một ông tiên ngồi trong nhà tay cầm xe điếu rít thuốc lào bên cái điếu bát, rồi vừa ngửa cao cổ nhả khói thuốc vừa tươi cười nói vọng ra. Nhưng đau xót thay ngày nay cái cơ ngơi có khuôn viên tuyệt vời đó đã vĩnh viễn không còn. Một vài con cháu đời sau đã chia chác cho nhau hết cả ruộng vườn, bán đất đai tổ tiên cho người khác vào ở xen kẽ và làm lối đi cắt ngang qua cửa nhà thờ, biến nhà thờ họ của chúng tôi lọt thỏm như một gian bếp giữa những nhà cao tầng. Họ đã phá tất cả cổng, tường rào, chặt hết cây ăn quả lâu niên và lấp ao. Chúng tôi không sao ngăn chặn họ được.

Thời Pháp thuộc, bố mẹ tôi dạy học ở trường Đông Dương, Hà Nội. Tôi được sinh ra tại Nhà thương Đổn Thuỷ, Hà Nội (tức Bệnh viện Hữu nghị Việt xô ngày nay). Tôi vẫn còn giữ được những bức ảnh gia đình chụp tại hiệu ảnh Nghiêm Xuân Thúc, Hà Nội từ năm 1935, ảnh vẫn còn rất rõ đẹp.



Sau đó cả gia đình tôi đi theo Cách Mạng, tham gia kháng chiến ở Thái Nguyên và Tuyên Quang. Bố tôi ở Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tôi giúp việc đóng sách xếp chữ ở nhà máy in Tô Hiệu, Sơn Dương, Tuyên Quang trực thuộc trung ương Đảng.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tháng 10 – 1954 gia đình tôi từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô bằng canô và được người anh họ giúp đỡ cho ở tại số nhà 25 phố Hàng Khoai là trụ sở hàng thuốc lá “Tự Do” của anh, sát ngay cạnh hãng thuốc lào “Giang Ký” nổi tiếng ở số nhà 23 (hãng này còn ăn thẳng sang tận phố Đồng Xuân chỗ đối diện chợ). Bố tôi đi CCRĐ ở Hà Nam Ninh, sau đó ở lại làm công tác sửa sai luôn, xong việc chuyển về làm tại Bộ tư pháp rồi Toà án nhân dân tối cao. Lúc này mẹ đẻ tôi mất, mẹ kế tôi bán vải ở chợ Đồng Xuân. Tôi tuy còn nhỏ nhưng đã được bố mẹ giao quyền chăm nuôi đàn em và quán xuyến tất cả mọi công việc gia đình thay bố mẹ vắng nhà. Nhưng tôi cũng được đi học ít năm ở trường Hàng Than và trường Nguyễn Trãi. Tuổi thơ của tôi bị thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, nên khi được đi học tôi đã tranh thủ triệt để để bù đắp lại phần nào tối đa nhất. Bởi vậy tôi có rất nhiều kỷ niệm thời niên thiếu ở khu vực cầu Long Biên, Hà Nội. Ở trường học, vào đầu giờ chúng tôi cùng nhau dựa cặp vào các gốc cây khoét lỗ đánh đáo ở sân trường. Giờ ra chơi thi đánh bi. Nếu có tiền 5 xu 1 hào là chúng tôi ra thuê xe đạp ở hiệu chỗ ngã 5 Hàng Than. Với những chiếc xe kiểu lincom, Steclin...rất khoẻ, chúng tôi thoả sức đua nhau thả phanh xuống các dốc Hàng Than, Hoè Nhai, Hàng Đậu, Yên Phụ, Cổ Ngư… có hôm suýt nữa đâm cả vào tàu điện. Hoặc lên Nghi Tàm đưa cho nhà chủ 1 hào vào vườn ổi ăn thoải mái (nhưng không được hái đem về). Nếu như hôm nào không có tiền, trời nắng nóng chúng tôi ra Bến Nứa mót củi, lạt ở các bè rồi đem phơi ở chỗ Xí nghiệp gỗ 42 để về làm chất đốt, có hôm tý chết đuối. Trong lúc chờ đợi củi khô, chúng tôi vào nhà máy nước đá, đứng trực ở chỗ bán đá để “sưu tầm” những mảnh vỡ của những cây đá va vào nhau để giải khát, nhai khau kháu mát lạnh cả người nhưng rất khoái. Những năm đó lương thực rất khó khăn nên tôi còn phải ra giữa Sông Hồng trồng khoai lang, đến mùa ra thu hoạch để có thêm chất độn cho gia đình. Có hôm tôi còn bắt được một con cá chép to tướng ở hố nước đọng chân cầu. Có lúc chúng tôi rủ nhau lên sân tenis chỗ bơi Ba Đình nhặt những quả bóng thải làm bóng đá với nhau ở bãi cỏ trước Ba Đình, có lúc chui vào bụi nhặt bóng còn gặp rắn sợ run cả người. Sau đó tôi vào học trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Bộ Kiến trúc ở phố Đặng Thái Thân và Bãi Phúc Xá, Hà Nội. Học xong tôi được cử lên làm tại phòng Thiết kế quy hoạch Đô thị và nông thôn, Đoàn Danh Lạc – phó phòng trực tiếp giao nhiệm vụ làm quy hoạch Đền Hùng.

Trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc nước ta, tôi làm việc ở bộ phận nhập ngoại và quản lý kho tàng Bộ vật tư nên thường xuyên phải đi qua cầu Long Biên để sang Đức Giang, xuống cảng Hải Phòng và lên Lạng Sơn… để kiểm tra kho tàng hàng hoá. Tháng 10/1954 những tên lính cuối cùng của thực dân Pháp rời khỏi Việt Nam cũng đi qua cầu Long Biên.

Suốt thời gian dài trước đây liên tục nhiều năm các báo, ảnh khi nói về Thủ đô Hà Nội cũng đều đưa hình ảnh của cầu Long Biên như một biểu tượng của Thủ đô. Cùng với Văn Miếu -  Quốc Tử Giám, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Chùa Một Cột, Nhà Hát lớn… Cầu Long Biên từ lâu đã là một hình ảnh không thể thiếu của Thủ đô Hà Nội.

Cầu Long Biên thực sự đã là một cây cầu của quê hương, rất gắn bó thân thiết, không những đối với tôi mà đối với tất cả mọi người Việt Nam nói chung.

Là quê hương tức là gốc rễ, là lịch sử, kỷ niệm và phải gìn giữ.

Nhân dịp kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Rất mong được Nhà nước và Thành phố cùng sự tài trợ của Chính phủ Pháp sớm cho sửa chữa phục chế lại cầu Long Biên đúng như cũ và có biện pháp bảo vệ sử dụng tốt cây cầu mãi mãi.
 
 Nguyễn Minh Thiệu

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự