Bức thư ngỏ gửi nhà nhiếp ảnh Dominique De Miscault

21:32 20/09/2010

(Bài dự thi) - Bà Dominique De Miscault kính mến!

Tôi được biết tên bà qua triển lãm ảnh của bà mang tên “Long Biên - cây cầu của những giấc mơ” vào dịp tháng 3/2009 tại Ngôi Nhà Nghệ thuật (31A Văn Miếu, Hà Nội). Qua triển lãm ảnh, cách kể chuyện hồn nhiên, sinh động, đầy đam mê và đau đáu một niềm yêu thương về cây cầu hơn thế kỉ và nhịp sống muôn màu của con người quanh mấy nhịp cầu đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Qua đó, làm cho tôi càng yêu hơn cây cầu lịch sử đã hiện diện trên đất nước tôi ngót hơn trăm năm.

Là người Việt Nam, tôi đã học được những bài học về cây cầu Long Biên từ những trang sách thuở ấu thơ:

“Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng...”.

Thế nhưng, thế hệ chúng tôi sinh ra sau cầu Long Biên cũng đến gần trăm tuổi; những kỳ công, chiến tích của cây cầu, chúng tôi cũng chỉ được đọc qua sách báo mà thôi. Có chăng những kỉ niệm về cây cầu, với tôi là những buổi đi quay phim, chụp hình trong thời gian làm đề tài thực tập ở trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, hay những buổi được nghỉ ngơi, cùng bạn bè, người yêu hóng mát trên cầu...Thế rồi, sau khi tôi được xem triển lãm ảnh của bà, tôi càng yêu thêm cây cầu Long Biên và đã bỏ công tìm kiếm qua sách vở, phim ảnh để hiểu thêm về các giá trị lịch sử-văn hóa cũng như giá trị kiến trúc ... của cây cầu.
'


Tôi thực sự bị chinh phục, thực sự ngưỡng mộ về giá trị kiến trúc của cây cầu. Cầu Long Biên là một trong số ít ỏi những công trình kiến trúc bằng sắt thép mang tầm vóc hoành tráng, thiết kế hiện đại nhưng lại uyển chuyển hòa đồng với không gian nước trời lồng lộng, nhịp sống hài hòa của đôi bờ sông Hồng. Phải chăng điều đó đã giữ cho cây cầu tồn tại lâu bền qua bao thử thách nghiệt ngã. Những công trình kiến trúc như Cầu Long Biên, Tòa trụ sở Bắc bộ phủ (sau này là Phủ Chủ tịch), Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn... xứng đáng là những đại diện ưu tú của kiến trúc và văn hóa Pháp còn lưu lại ở Việt Nam- điều mà cả hàng ngàn năm trước, người Trung Hoa không làm được, và cả mấy chục năm sau này, người Mỹ cũng không làm được như thế. Người Việt Nam chúng tôi luôn coi trọng những giá trị văn hóa ấy như vẫn từng đánh giá cao các tên tuổi lớn trong nền văn hóa Pháp như Balzac, Jean-Jacques Rousseau, Victor Hugo…

Với lòng ngưỡng mộ và yêu mến cây cầu của Thủ đô Hà Nội mang trên mình nhiều giá trị văn hóa và lịch sử, tôi lại càng cảm phục những tấm lòng bè bạn cao cả và sự đam mê nghệ thuật, tinh thần lao động nghệ thuật không mệt mỏi như bà và những người bạn khác như đạo diễn Daniel Roussel, nhà nhiếp ảnh Douglas Jardin chẳng hạn..., đã dày công xây dựng những tác phẩm điện ảnh và công trình triển lãm ảnh công phu và thành công về cây cầu mang tầm vóc văn hóa lịch sử của dân tộc Việt.

Những tấm lòng và sự miệt mài lao động nghệ thuật của những người như bà đã làm cho ấn tượng kỳ vĩ của Long Biên mãi khắc ghi vào tâm trí của nhiều người con đất Việt và bạn bầu trên thế giới.

Vào dịp tháng 10/2009, một lễ hội Festival về “Ký ức cầu Long Biên” được tổ chức khá hoàng tráng do sáng kiến của Ngôi nhà Nghệ thuật, đã là dịp để người dân Hà Nội, người dân cả nước thêm một lần được tìm hiểu và vinh danh về cây cầu có giá trị lớn về nhiều mặt đã có trên trăm tuổi. Những tâm nguyện ấy và những tấm lòng như bà, như đạo diễn Daniel Roussel, nhà nhiếp ảnh Douglas Jardin sẽ góp phần làm cho cầu Long Biên được quan tâm đúng mức hơn cho đúng với vị trí vốn có của nó.

Có lẽ bà cũng như tôi đều ước mong rằng: Cầu Long Biên sẽ chính thức trở thành một địa chỉ bảo tàng, một không gian văn hóa để mãi mãi giữ gìn và lưu danh một công trình kinh tế-lịch sử-văn hóa của một thời kỳ hào hùng và khốc liệt, và lưu danh công trình lao động sáng tạo của người Pháp và người Việt trên đất nước Việt Nam.

Một lần nữa xin cám ơn bà ! Và đó cũng là lý do để tôi viết thư ngỏ này gửi tới bà !

Gửi tới bà lời chào thân ái !
                                                                                       
Lê Hải Anh
Công ty CP công nghệ truyền thông VITV

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự