Tìm về nơi ngắm hoàng hôn giữa lòng Hà Nội

21:44 20/09/2010

(Bài dự thi) - Nếu hỏi về nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất giữa lòng thủ đô Hà Nội, nhiều người sẽ không ngần ngại nói rằng: Hãy lên cầu Long Biên!

Thật hiếm để tìm một nơi ngắm hoàng hôn trọn vẹn giữa một thành phố đang mọc lên nhiều nhà cao tầng như Hà Nội. Người ta kháo nhau ra ngắm hồ Tây như dát vàng dát bạc trong ánh chiều tà. Cái vẻ đẹp lấp lánh, óng ánh của mặt nước hồ khiến người ta thực sự sững sờ. Xa xa là bóng của những chiếc thuyền thiên nga, quạt nước yểu điệu trên mặt hồ. Chợt thấy Hà Nội dịu dàng đến lạ!

Nhưng gợi cho mọi người thật nhiều xúc cảm khi ngắm cảnh hoàng hôn phải nói tới cây cầu Long Biên. Cũng có ánh dát vàng nhưng không quá lộng lẫy, kiêu kỳ như trên hồ Tây. Cũng có những đôi tình nhân tay trong tay nhưng không gợi cảm giác u hoài như hình ảnh bóng đôi tình nhân đen thẫm lại giữa mây trời hồ Tây. Với cây cầu Long Biên, hoàng hôn mang đầy sức sống! Cảm giác dường như chính vào thời điểm đó, cây cầu thực sự bắt đầu chuyển mình.

“Chiều qua nơi đây, chiều thu heo may. Dừng bước ngắm mãi chiếc cầu xưa… thấy chút ấm áp…”. Giai điệu nhẹ nhàng, da diết của bài hát về cây cầu Long Biên làm tôi xao xuyến.

5 giờ chiều: mặt trời như một khối cầu lửa đỏ ối treo lơ lửng. Bầu trời như được phủ một lớp bụi hồng mịn màng. Một vài nhiếp ảnh gia vội vã bấm máy ghi lại khoảnh khắc thật đẹp này. Bấm máy say sưa như thể sợ thời gian trôi tuột theo bước đi của khối cầu lửa đó. Cả cây cầu Long Biên cổ kính tắm mình trong ánh bụi hồng.

Mải ngắm hoàng hôn quên cả xung quanh vẫn có biết bao xe cộ qua lại. Và rồi giật mình khi nhận ra, hoàng hôn buông xuống thật nhanh. Ngẩn ngơ, tiếc nuối: “Hoàng hôn sao đẹp đến thế?”. Sông Hồng ngầu lên sắc đỏ cuộn phù sa. Bãi bồi xanh ngắt của những vườn chuối, ruộng dâu bạt ngàn. Đối diện bên kia là cầu Chương Dương chuẩn bị lên đèn. Gió lộng thổi tung mái tóc, cảm giác như mình đang tan đi trong gió. Tất cả giao hoà với nhau, hoang sơ, tinh khôi và tráng lệ vô cùng!

Mải ngắm cây cầu hun hút dài mà không biết mặt trời lặn xuống tự lúc nào. Chắc không phải mặt trời “đi ngủ sớm” như nhà thơ Xuân Diệu từng ví von (“Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”) mà do lòng mình tiếc nuối khoảnh khắc ngắn ngủi được ngắm hoàng hôn trên cây cầu hơn trăm tuổi. Một chút choáng ngợp vì màu vàng cũ kỹ trên từng thanh sắt rầm cầu. Hơn 100 năm qua, trải qua bao nhiêu mưa nắng, bom đạn, cây cầu vẫn nằm trải mình nối hai bên bờ sông Hồng. Cây cầu cũng thức, cũng tỉnh và cũng chìm đắm trong màn đêm cùng nhịp sống của Hà thành như một “cơ thể sống”. Và chính trên cơ thể ấy cũng đã từng hằn lên bao vết thương vì bom đạn chiến tranh.


Hoàng hôn nhuộm trên cầu Long Biên

Hơn 100 năm trước, vào tháng 9/1898, toàn quyền Đông Dương đã làm lễ khởi công một cây cầu vắt ngang dòng sông Mẹ. Cầu được đặt tên là Paul Doumer, người Hà Nội vẫn gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái. Cầu Long Biên được thiết kế bởi kiến trúc sư Gustave Eiffe, cha đẻ của tháp Eiffel, biểu tượng nước Pháp.

Cây cầu được đặt tên là Paul Domuer nhưng người Hà Nội vẫn quen gọi bằng cái tên cầu Long Biên hoặc cầu sông Cái. Khi ấy, cầu Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, một công trình bằng sắt thép lớn nhất bán đảo Đông Dương. Cầu Long Biên còn được ví như “tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội”. Từ đó đến nay, cây cầu đồng hành cùng lịch sử thăng trầm của cả dân tộc. Hai sự kiện nổi bật trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam là cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Từ năm 1965 – 1972, cầu Long Biên hứng chịu 14 lần ném bom của giặc Mỹ, trong đó lần thiệt hại nặng nhất là vào tháng 9/1972 với 3 nhịp cầu gãy gục, 4 cột trụ và 1500 mét cầu bị hỏng. Cây cầu oằn mình trong bom đạn nhưng vẫn sừng sững, hiên ngang cho tới ngày hôm nay. Người Hà Nội vẫn nhắc tới lịch sử cầu Long Biên như một ký ức không thể phai mờ.

Một chiếc cầu có tất cả các phần đường dành cho người đi bộ, xe cơ giới và tàu hỏa. Chính vì vậy, cây cầu dài này đã trở thành một phần đáng nhớ trong tâm thức mỗi người dân sống ở Hà Nội mà không phải cây cầu nào cũng có được.

Ngày ngày, khi mặt trời xế bóng trên từng thanh sắt đã rỉ màu thời gian của cây cầu, người ta bắt gặp nhiều người thong dong trên cầu ngắm nhìn Hà Nội, nhìn dòng nước đỏ nặng phù sa của sông Hồng. Không chỉ có các cụ già, người trung niên đi tập thể dục, tản bộ trên cầu mà còn có thêm nhiều cặp tình nhân nữa. Tay trong tay, thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp Hà Nội trong ánh hoàng hôn. Và rồi cũng từ đó, “khoá tình yêu” bắt đầu xuất hiện khiến cho cầu Long Biên trở nên thêm “ấn tượng” với người qua đường.

Năm 2006, ở nước Ý xa xôi, cuốn tiểu thuyết "Ho voglia di te" (Anh yêu em), của nhà văn Federico Moccia, ra đời. Trong chuyện có chi tiết: hai nhân vật chính dùng chiếc khóa, biểu tượng của tình yêu, khóa lên cột đèn trên cầu Milvio (cây cầu lịch sử của Rome) và vứt chìa xuống dòng sông Tevere để ước mong tình yêu trở thành bất tử. Ngay lập tức, các đôi uyên ương đều muốn mối tình của mình hóa thân thành phần lãng mạn nhất của truyện như một “làn sóng” tại nước Ý. Người nối người, họ tới cầu Milvio, khóa những chiếc khóa biểu tượng cho tình yêu rồi ném chìa xuống sông. Khoá tính yêu trên cầu nhiều đến nỗi người ta đã gọi đùa rằng: “Tỏ tình gãy cả… cây cầu”. Không dừng lại ở nước Ý, khóa tình yêu nhanh chóng xuất hiện ở các nước châu Âu khác như: Pháp, Đức, Nga…; rồi vượt khỏi biên giới của “lục địa già”, chẳng mấy chốc, những chiếc khóa tình đã có mặt ở: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Người trẻ Việt Nam cũng chẳng ngoại lệ. Họ gửi gắm lại biết bao yêu thương trên cây cầu trăm năm tuổi này – theo cách của những người trẻ. Phạm Châu Loan đã xúc cảm viết nên những áng thơ da diết:
“Hoàng hôn nhuộm tím dòng sông
 Hay phù sa đỏ sông Hồng anh ơi?
 Trên cầu đôi lứa thảnh thơi
 Thả tình theo gió lộng trời xôn xao…”

Chiều hoàng hôn trên cầu Long Biên đã trở thành một miền nhớ cho bất kỳ ai đặt chân đến cây cầu này.

Đã sang thu, trời tối khá nhanh. Chỉ còn vài vạt mây mỏng vắt ngang trên nên trời thẫm. Một thế giới khác của Long Biên bắt đầu cựa mình chuyển động, khác xa với phố thị ồn ào, huyên náo. Cũng vẫn có xe cộ qua lại nhưng dường như ai cũng muốn thong thả hơn khi đi qua cây cầu này. Trên cầu, người ta bắt đầu bày ra những thứ quà quê như quả cóc, quả ổi, củ đậu…Vài ba cái chiếu được trải ra. Và đặc biệt, một thức uống chẳng thể thiếu: trà đá, một nét văn hoá đặc trưng của người Hà Nội. Một chút cảm giác nào đó thật xưa cũ khi ánh đèn hắt lên những thanh sắt vàng hoen rỉ của cây cầu. Điều đó đối lập hẳn với bên kia, cầu Chương Dương nhộn nhịp, ánh đèn lung linh sáng rực - biểu tượng của nhịp sống hiện đại. Thật là buồn cười và ấn tượng, vì trên cùng một khúc sông cách nhau không xa, người ta lại được bắt gặp hai bức tranh cuộc sống đối lập như vậy.
 
Có tiếng còi tàu rúc từ xa vọng lại. Xình xịch, xình xịch lăn bánh trên đường ray khuấy động không gian về chiều đang trầm lặng. Đối với những người ngày ngày đi qua và mưu sinh gắn liền với cây cầu này, tiếng tàu hỏa đã là một phần không thể thiếu. Những đoàn tàu cứ thế nối tiếp nhau trên cây cầu lịch sử. Hình ảnh cầu Long Biên cổ kính đắm mình trong bụi hoàng hôn màu hồng đã đi sâu vào tâm khảm của người Hà Nội, là miền nhớ đối với bất kỳ ai đã từng ngắm hoàng hôn trọn vẹn trên cây cầu này!

Đặng Thị Thu Hà

K52 Báo chí và Truyền thông
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -
Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự