Ước mơ được mẹ dắt tay đi hết cầu Long Biên

23:17 20/09/2010

(Bài dự thi) - Tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhưng tôi được nghe kể về cầu Long Biên qua kí ức và lời kể của mẹ tôi. Một lần được đi bộ trên cầu Long Biên, đã trở thành kí ức đẹp nhất trong tuổi thơ của mẹ tôi và bà đã truyền ký ức đó sang tôi.

Bạn bè tôi thường nói tôi có những sở thích chẳng giống ai. “Đi bộ hết cây cầu Long Biên chẳng để làm gì, nó là thế mà”. Tôi thường bị bạn bè nói những câu nói như vậy khi đi dạo trên cây cầu “rất Hà Nội”. Tôi đi hết một vòng cầu Long Biên như một thói quen hay nói đúng hơn là đi để cảm nhận gió, người, cảnh Hà Nội. Tôi thích như vậy. Và đi để biết niềm vui đầu tiên của mẹ tôi khi xuống Hà Nội đã được bà ngoại dắt tay đi hết cây cầu.

Bà ngoại tôi vốn người Hà Nội gốc. Lí do vì sao lại di tản lên miền sơn cước thì tôi không được rõ lắm. Chỉ biết qua lời mẹ tôi kể thì bà hay đi buôn. Một lần bà quyết định làm một chuyến xuống Hà Nội và cũng là chuyến đi cuối cùng của bà về quê hương. Đấy là năm 1978, khi đó
bà đưa mẹ tôi đi cùng. Năm đó mẹ mới chỉ là một cô bé 15 tuổi và mơ ước được ra Hà Nội.

Được đi giao hàng với bà ngoại ở Long Biên mẹ thích lắm, vì được bà ngoại dắt tay đi hết cầu Long Biên, được nghe bà ngoại kể về lịch sử của “nó” và tận tay chạm vào "nó". Kể từ đó trong mẹ đã hình thành mơ ước sau này con cái được đi học ở Hà Nội và sẽ đi trên cây cầu mà mẹ đã từng được đi qua. Cả tuổi thơ của mẹ tôi luôn là những kỉ niệm về cầu Long Biên dù chỉ một lần được đi qua.

Giờ tôi đang đứng giữa cầu Long Biên, chợt tưởng tượng mình là mẹ và niềm vui thích hiện rõ trên khuôn mặt tôi. Tôi chắc chắn thế. Dù chỉ là thử nghiệm nho nhỏ nhưng nó làm tôi vui vì khi đó tôi là mẹ, đứa trẻ mới lớn được lần đầu xuống Hà Nội.



Phía bên kia cầu có hai mẹ con bán hàng rong đang đi về phía tôi. Người đàn bà dắt tay đứa trẻ. Còn đứa bé chắc khoảng 10 tuổi vừa đi vừa lấy tay rà theo những thanh sắt của cầu. Thằng bé thấy tôi và mỉm cười. Tôi sững người trong giây lát rồi nở nụ cười làm thằng nhỏ quay đầu lại nhìn. Nó lại cười. Chỉ thế thôi, nhưng tôi thấy hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì tôi được nhận một nụ cười và gửi một nụ cười ngay trên cây cầu Long Biên này. Cây cầu mưu sinh của biết bao con người. Tôi hạnh phúc vì khi đó, người đàn bà và đứa trẻ đó giống tôi 13 năm về trước. Tôi cũng đã từng được mẹ dắt tay đi qua cầu gỗ chòng chành ở quê, và lúc đó mẹ đã kể tôi nghe câu chuyện lần đầu mẹ được đặt chân tới cầu Long Biên. Tôi, lúc đó chỉ biết ước mơ sau này nhất định mình sẽ xuống Hà Nội học và sẽ đi trên cây cầu mà mẹ đã từng đi.

Mỗi khi tôi về nhà, mẹ lại hỏi thăm cầu có gì mới không? Và người Hà Nội có gì thay đổi. Tôi chỉ nói với mẹ rằng “con đã đi dạo trên đó, thật vui và hạnh phúc mẹ ạ”.

Tôi luôn mong một ngày mẹ tôi có thể xuống Hà Nội và cùng tôi đi dạo trên cầu Long Biên. Tôi nói là mong bởi mẹ tôi đã già lại thêm phần say xe không thể đi hết 300 cây số từ Cao Bằng xuống Hà Nội. Cầu Long Biên mãi là kí ức với mẹ tôi và với tôi. Bởi nó đã len vào tuổi thơ tôi và chính nó đã khơi dậy trong tôi niềm khát khao được xuống Hà Nội học. Chiều, Hà Nội đầy gió và gió trên cầu lại càng mát. Tôi thích đứng ở đây hóng gió và mỉm cười với chính mình.

                        Minh Phương

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự