Cây cầu cũ...

23:48 19/09/2010

(Bài dự thi) - Tình cờ đọc trên Thể thao & Văn hóa có phát động cuộc thi viết về cầu Long Biên, bạn hỏi tôi: Sao không tham gia, mày mê  lắm mà. Chợt nghĩ, mình đâu có khoái cây cầu đó. Người ta sinh ra ở đây, lớn lên trên mảnh đất Hà Thành nên chắc có nhiều thứ để nói, chứ mình xa xôi tận Miền Tây, quanh năm chỉ làm quen với cầu dừa, cầu khỉ... vài ba năm mục nát  thì thay cái khác... biết viết gì.

Nói vậy chứ bữa nào muốn trốn cái ngột ngạt bị nhốt trong thành phố mà lần mò ra cầu hóng gió thổi từ bãi giữa sông Hồng thấy nhớ con sông trước cửa nhà mình dễ sợ. Người Miền Tây sống trên những dòng sông từ cái thuở cuốn rốn chôn xuống đất, nước nổi về cuốn trôi theo tận mấy dòng, nên đi xa đâu thấy sông như của mình.


Nhớ cái thời tụi mình mới ra, nghe kể cái cầu Long Biên (trên mấy cái quảng cáo du lịch) ráng tìm coi cho được. Chừng đi trên cầu, thấy nó cũ quá, vài đứa thon thót sợ nó sập. Mà anh Hà Nội nói dễ gì nó sập, bom đạn qua đi nó vẫn trơ đấy, huống chi hôm nay đón người tìm về. Bữa đó ngồi trên cầu nhấm nháp mấy củ khoai, bắp nướng, nghe từng cơn gió đông đầu tiên của đời mình vờn vợn trên khuôn mặt, trên tóc vàng cháy vì đã quen với nắng gió phương nam.

Ấy thế mà tụi bây cũng về hết. Lần trước ra cầu chỉ còn lại ba đứa tao. Mùa này đông đi lâu rồi. Mùa này hoa cải vàng nở nhiều lắm, tiếc cho tụi bây về sớm. Buổi chiều ngoài vài người đi chợ thì chỉ có những đôi tình nhân tìm chút lãng mạn ngoài cái thành phố ồn ào đằng kia, họ tìm cho mình một chốn riêng giữa những người qua lại lặng lẽ trước khi bước vào thành thị ồn ào. Ba đứa ngồi nhìn nhau sầu dễ sợ, bất giác thằng kia nổi hứng hát vài câu vọng cổ, tao buồn cười nhìn quanh thấy người ta trân trân nhìn tụi mình như... chiêm ngưỡng. Rồi ba đứa cũng đồng điệu ca vài bài vọng cổ, thôi mặc kệ ngoài kia, có người nhìn lạ lẫm, người thích thú hí hửng, người bực mình nó tụi này hâm. Tao chỉ biết lần sau, chỉ còn mình tao ra cầu và bài vọng cổ lạc điệu không hát nữa.

Ngày 03/08/2010...

Mà cũng lạ thật, không biết người ta đi nhiều nơi thì sao. Chứ tôi nghĩ không nơi nào như cái chiếu cầu cũ này. Mỗi lần đi qua lại thấy ngường ngược rồi. Từ Hà Nội hướng qua kia sông, chiếc cầu vẫn hiện lên hào quang của quá khứ, dù cho những nhịp cầu đã không còn liền dãy, dù cho thời gian của một thế kỷ cứ qua đây để lại những lớp hoen ố, rỉ sét, nhưng nó vẫn đấy trên con đường có thể một đời người vẫn đi về.



Có một cái chợ cóc ở giữa chiếc cầu. Cái chợ cóc bán những thứ từ con sông Hồng, nào rau cải, cá tươi... Hà Nội không thiếu nơi để bán những thứ như thế. Tôi chẳng hiểu tại sao người ta cố chen giữa chiếc cầu chật chội tìm mua một bó rau, một con cá. Đôi khi có thể họ muốn chậm lại, có thể nơi đó, nơi chiếc cầu Long Biên này có cái khác của thành phố sau lưng kia, cũng có thể người xa xứ muốn nhìn thấy chị, thấy mẹ mình sau gánh hàng rong nho nhỏ.

Ngày 24/08/2010...

Tôi vẫn thường hay bực bội về cái chợ cóc trên chiếc cầu cứ hay làm tắc đường khi tôi tan ca. Nói thế chứ vài bữa chiều tôi cũng qua đấy mua vài thứ hoặc đơn giản ngồi uống cốc trà đá hóng gió. Tôi không hiểu chiếc cầu này là cái gì. Hà Nội đã có những cây cầu mới to hơn, rộng cho mấy làn xe ô tô, hay cầu Long Biên ngày càng cũ, càng lâu nên ai cũng nghĩ nó không còn là chiếc cầu. 

Cái chợ vẫn bán, những cái quán nhỏ vẫn ngồi, những đôi tình nhân tình tứ, các ông trung niên buổi chiều chạy bộ đôi khi cứ như vận động viên vượt rào. Trong một cách nhìn thì nó rất đẹp, rất riêng làm người ta nhớ. Một nhiếp ảnh gia nhớ những cô gái chở hoa trong buổi sương rét tháng mười hai trên bức ảnh không màu. Một người phụ nữ bùi ngùi nhìn chiếc khóa đôi đã rỉ quyện chặt, trên đó những dòng chữ học sinh mất nét nhưng với chị vẫn rõ lắm. Nơi đó cô dâu trong bộ áo cưới trắng ngần hờn giận kiểu cách bên chú rể lịch lãm. Nơi đó có người ngồi một mình thấy nhà ta ở xa cũng như nơi này. Hoặc nơi ấy nhìn xa xa những bãi cát lượn theo từng cơn gió, một vài tháng hoa cải vàng rung rinh rực vàng ấm áp.

Tôi đã từng thấy hết, trước khi người đến và người cuối cũng lặng lẽ về. Cái chợ tan, quán cóc nghỉ, những đôi tình nhân thì thầm đèo nhau biến hút vào thành phố. Chị chợ đổ lỗi cho người bán kế bên, chị quán nước nói do khách chứ như chị, chi đã đổ hết xuống sông. Bởi vậy rác lấp đầy dưới chân cầu, một vài dòng nước đen ngòm chảy lập lờ chờ nắng lên hăng hắc. Không biết những lúc như thế, cây cầu cũ kĩ này có rùng mình thấy nơi này thay đổi quá, hay nó sẽ trơ lì thêm trăm năm nữa.
 
Huỳnh Thiện Nhân

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự