Nhớ về Hà Nội: Những dấu ấn còn lại

23:59 19/09/2010

(Bài dự thi) - Ông nội tôi sinh năm 1897. Năm ông tôi ra đời chính là năm cuộc thi thiết kế chiếc cầu bắc qua sông Hồng đã đi vào hồi kết.

Phương án thiết kế của Gustave Eiffel, người đã từng thiết kế ra tháp Eiffel (Paris), bộ khung sắt tượng Thần tự do (New York) và rất nhiều công trình nổi tiếng khác nữa đã được chọn để thi công. Cây cầu mang tên Paul-Doumer, viên toàn quyền xứ Đông Dương (1897-1902) được hoàn thành năm năm sau đó (1902). Khi ông tôi mất, bố tôi mới hơn 5 tuổi. Vì vậy mọi chuyện về ông, bố tôi cũng chỉ nghe qua người nhà kể lại mà thôi. Do thời thế thay đổi, ông tôi đang học dở tiếng Hán thì phải quay sang học tiếng Pháp, rồi làm việc với người Pháp. Mọi người đều gọi ông là ông Thông, vì ông làm thông phán ở Sở Dây thép Bờ hồ.

“Người Pháp làm tất cả những gì họ muốn”. Phải chăng họ lại muốn thêm một lần chứng minh điều đó  trên con sông Hồng có độ dài ngang với sông Loire (con sông  dài thứ hai của Pháp), độ sâu 30m và lưu lượng nước mạnh, xối xả vào mùa mưa lũ?  Khi  xây dựng cầu Tolbiac bắc qua sông Seine ở Paris năm 1879, phương án thiết kế của Eiffel từng bị cho là quá phức tạp và không được chọn.  Nhưng đến năm 1898 thì phương án thiết kế cầu Paul Doumer lại được thực thi tại Hà Nội. Tại thời điểm đó, cầu Paul Doumer chính là chiếc cầu dài thứ hai trên thế giới. Khoảng cách giữa hai mố cầu bên này tới bên kia là 1680m, chỉ sau cầu Niagara ở Mỹ, dài tới 2 km. Chiều cao  của nó là 43m50 tính từ chỗ sâu nhất ở đáy sông lên.
 

Một trong số những ký ức hiếm hoi về cha mình mà bố tôi còn nhớ được là vào mùa mưa, ông nội tôi thường dắt bố tôi lên cầu Paul Doumer xem nước lên. Có những năm nước to lắm, ngập hết bãi sông Hồng. Năm 1929, trận lũ lịch sử đã tràn cả vào thành phố, ngập mấp mé cầu. Gia đình chúng tôi sống giữa khu phố cổ, nhưng thật ra cũng không xa sông Hồng. Mỗi khi nước lên, sông Hồng đỏ ngầu, sóng ộp oạp, sủi bọt, dữ dằn…  Những lúc đó, cây cầu thực sự là một cứu cánh, một điểm an toàn nhất trong cái thành phố nhỏ bé bên bờ sông  này.    

Cầu Paul Doumer trong trận lũ năm 1929

Chiếc cầu luôn tạo cảm hứng cho các sáng tác. Nếu như cầu Tolbiac ở Paris từng có mặt trong tác phẩm  của nhà văn Pháp Léo Malet, thì cầu Long Biên có trong nhiều bài hát nổi tiếng ở Việt Nam. Tôi vẫn nhớ những giai điệu thân quen, thật tha thiết mà Quốc Hương, ca sĩ nổi tiếng nhất trong nước những năm tháng chống Mỹ thường được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày ấy, chưa có truyền hình, người ta chỉ nghe  qua đài. “Tôi đứng đây trên nhịp cầu Long Biên lộng gió. Dưới chân cầu Hồng Hà đang ngàn năm sóng vỗ…”. Chà, cái thời người Hà Nội mơ mộng ra trò! Nhưng quả là ấn tượng, đúng với tâm trạng khi người ta đứng trên cầu, giữa nắng, gió, dưới cầu là dòng sông ào ạt, cuồn cuộn chảy, đầy khí thế. Vua Lý thật là sáng suốt  khi chọn nơi địa linh này để xây dựng kinh đô!    

Hồi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng bố tôi hay đèo tôi bằng xe đạp qua cầu Long Biên sang Gia Lâm. Ấy là những lúc yên hàn, chứ những năm đi sơ tán thì chịu rồi. Khi đó cầu Long Biên cũng là một trong những trọng điểm Mỹ rình rập để ném bom. Người ta còn đắp ụ pháo ở dưới bãi sông Hồng để bắn trả lại máy bay, bảo vệ cầu. Tóm lại là phải tránh xa  một nơi nguy hiểm như thế. Trải qua những lần máy bay ném bom tập kích, cầu cũng bị sập, hỏng nhiều đoạn những năm 1967-1972. Những chỗ này thường xuyên phải sửa chữa.

Hòa bình lập lại, tàu hỏa, ô-tô, xe đạp lại nối đuôi nhau qua cầu. Người ta gồng gánh mang rau, quả, quà bánh sang bên này, bên kia cầu bán. Người đi bộ cũng dẹp vào một bên mà đi. Chiếc cầu lại náo nhiệt, đông đúc như xưa, nhiều khi ách tắc vì đông nguời, đông xe. Cho đến khi xuất hiện cầu Chương Dương thì cầu Long Biên không còn bị tắc nữa, bởi sự ùn tắc lại chuyển sang cây cầu mới. Chiếc cầu cũ bấy giờ giống như một kỷ vật, gợi nhớ những gì đã qua. Quả thật, cầu Long Biên gắn liền với con sông Hồng nước đỏ, đục ngầu phù sa. Nó nhắc nhở người Hà Nội một thời chiến tranh đau thương, nhưng thật oanh liệt  Nó là một trong những  biểu tượng của Hà Nội. Nó thật thân quen đối với người Hà Nội, với những người hay đi lại qua cầu này để vào thành phố.

 
             Cầu Long Biên ngày nay

Những năm gần đây, mẹ tôi vẫn thích đi bộ qua cầu vào buổi chiều để tận hưởng không khí mát mẻ sau một ngày nóng nực, mệt mỏi. Có nhiều hôm bà dẫn cả con trai tôi đi theo. Hai bà cháu chiều chiều đi dạo trên cầu cảm thấy thật sự thú vị. Hình như trong gia đình chúng tôi, chiếc cầu này vẫn cứ là nơi thân quen, giống như  một góc phố hay trên một con đường ở Hà Nội vậy. Chiếc cầu cũ kỹ với những thanh gỗ gập ghềnh, mỗi khi bước đi nghe thấy cả tiếng lục cục ở sàn cầu.

Thành phố Dijon, nơi tôi đang sống và học tập chính là quê hương của Gustave Eiffel. Tại tòa Thị chính thành phố, hàng ngày người ta vẫn đón tiếp khách tham quan căn phòng, nơi ông bà Eiffel đã làm giấy khai sinh cho con trai họ, người làm rạng danh cho dòng họ Eiffel và có công sáng tạo ra những công trình nổi tiếng, biểu tượng của Paris, New York, Hà Nội. Thành  phố nơi ông sinh ra thuộc vùng Bourgogne, là một trong những nơi sinh sống đầu tiên của người Gô-loa, tổ tiên của người Pháp. Chả thế mà ở đây, mỗi khi hát: “Tôi tự hào là người Bourgogne”, ánh mắt người dân ở đây vẫn bừng sáng, lấp lánh.

 
Áp- phích giới thiệu về sự nghiệp của Gustave Eiffel tại Tòa thị chính Paris:
“Gustave Eiffel, người phù phép cho sắt ”

Mảnh đất Thăng Long, nơi có rồng bay lên, vừa tròn nghìn tuổi. Chiếc cầu lịch sử này cũng đã được hơn trăm năm tuổi. Thực tế, nó đã là một nhân chứng sống động, quan trọng suốt chiều dài của lịch sử thành phố. Người Pháp tự hào rằng: "Sự xuất thần của khoa học, sức mạnh của công nghiệp, những vũ khí  giúp chúng ta chinh phục phần hồn của một dân tộc". Thực tế, chiếc cầu do một kiến trúc sư Pháp thiết kế, được xây dựng trên đất Hà Nội, song chính mảnh đất này đã nhập vào nó hào khí, chính người dân ở đây đã truyền cho nó ý chí kiên cường, bất khuất của mình. Đúng hơn, nó đã được tạo ra để ở lại nơi đây. Đối với các gia đình ở Hà Nội, cầu Long Biên thân thiết như một góc đời sống hàng ngày. Riêng với gia đình tôi, chiếc cầu nối dài những kỷ niệm giữa các thế hệ gần một thế kỷ qua.

Cầu Long Biên giờ đây còn là một di sản không biên giới của cả nhân loại. Nó là một trong số những nơi  người Pháp dự kiến sắp tới sẽ tu sửa, phục chế. Những nhịp cầu bất chấp điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đậm dấu ấn thời gian sẽ còn mãi với thành phố Hà Nội, dù cho bóng dáng về cuộc chiến của người Pháp ở xứ thuộc địa phai nhạt dần, bởi cuối cùng, "dấu ấn văn hóa chính là thứ còn lại khi người ta đã quên đi tất cả”.

                                                                                                                       Dijon, 9-2010

                                                                                                              Nguyễn Minh Nguyệt
                                                                                                                                                                                          

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự