Người khổng lồ bị lãng quên

00:38 20/09/2010

(Bài dự thi) - So với các cây cầu khác ở Việt Nam, cầu Long Biên hiện đang nắm giữ nhiều kỷ lục nhất. Nhưng cầu Long Biên khác với các cây cầu kia không phải ở kỷ lục mà bởi chính số phận quá đặc biệt của nó.

Không biết có quốc gia nào trên thế giới có nhiều loại cầu bằng Việt Nam mình không? Có thể kể ra kha khá các loại trong đời sống, này nhé:  cầu sắt, cầu tre, cầu đá, cầu gỗ, cầu khỉ, cầu treo, cầu xi măng, cầu bê tông, cầu quay, cầu dây văng... Còn trong kho tàng văn học dân gian thì có cầu Ô Thước, cầu dải yếm trong câu ca dao: "Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi". Trong địa danh hành chính thì có Cầu Bố (Thanh hóa), Cầu Gỗ (Hà Nội) và Cầu Giấy (Hà Nội),  cây cầu mà theo như cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có lần ví von rằng đó là cây cầu vĩnh cửu và chỉ có tại Việt Nam. Tuy nhiên nếu xét theo các tiêu chí văn hóa, mỹ thuật, lịch sử và cả chất lượng... thì có lẽ cây cầu được nhiều người biết đến nhất có lẽ chính là cầu Long Biên.



Cầu Long Biên là cây cầu đạt được nhiều kỷ lục nhất tại Việt Nam tính cho đến thời điểm này. Đây là cây cầu được xây dựng sớm nhất (1899 - 1902), là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng - Hà Nội. Là cây cầu được chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử nhất của thủ đô Hà Nội, là cây cầu duy nhất ở trên thế giới có ụ pháo cao xạ, để chống trả lại lực lượng không quân Mỹ vào thời chiến. Ngoài ra cầu Long Biên còn là cây cầu được sử dụng lâu nhất (từ năm 1902 - 2010...) và có thời gian bảo dưỡng hằng năm đặc biệt nhất (vừa đủ 365 ngày là bảo dưỡng hết từ đầu này sang đầu kia).

Ngoài những điều vừa kể trên, cầu Long Biên còn là cây cầu được nhiều người trong và ngoài nước tham quan. Và có lẽ cầu Long Biên cũng là cây cầu duy nhất nâng đỡ, đưa đón đủ các thành phần trong xã hội từ các nguyên thủ quốc gia, các tầng lớp trí thức, công nông binh, học sinh, già trẻ, sang hèn, quân ta - quân địch... Đủ cả các loại xe, pháo, tàu hỏa, xe đạp, xích lô, xe ba gác... nghĩa là "thượng vàng hạ cám" các phương tiện cũng như các đối tượng tham gia giao thông từ năm 1985 trở về trước - khi mà chưa có cầu Thăng Long, cầu Chương Dương. Khi ra vào thủ đô Hà Nội theo phía Bắc 100% đều qua cây cầu này.


Còn một chi tiết khác mà báo chí, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu, các trung tâm lưu trữ tư liệu cũng đã nói đến nhiều nhưng chưa công bố được con số cụ thể. Đó là số công nhân tham gia làm cầu là người Việt Nam đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng cầu Long Biên giai đoạn đầu, tôi cho rằng nếu con số chính xác được công bố thì cầu Long Biên còn có thêm một kỷ lục khác mà có lẽ chúng ta phải khắc cốt ghi tâm.

Những thống kê trên cho thấy, nếu chỉ nói và viết về cây cầu này thì có lẽ cũng tốn khá nhiều giấy mực, và cũng có đủ cả vui lẫn buồn, có vinh quang, có tự hào, có quá khứ có hiện tại... Ấy thế mà cho đến tận bây giờ, trên cầu chỉ có duy nhất bảng tên nhà thầu. Và mặc dù trong chúng ta bất cứ ai khi nói đến cầu Long Biên cũng đều khẳng định đây là cây cầu lịch sử, có truyền thống hào hùng... thế nhưng đã có một tấm bia, một tấm biển có tính chất ghi nhận, khẳng định rằng đây là di tích lịch sử hay là địa chỉ văn hóa chưa? Đơn cử, chỉ cần một phiến đá vuông gắn ở bờ nam cầu - phía đầu bốt Hàng Đậu ghi: "Nơi đây, ngày... tháng...năm... những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội" cũng là hay rồi. Nếu chúng ta làm được cả tấm bia tưởng niệm những người thợ cầu Việt Nam đã thiệt mạng khi tham gia xây dựng thì giá trị của cầu Long Biên còn được tăng lên rất nhiều.

Cho đến thời điểm này, khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tới gần kề mà chúng ta vẫn còn loay hoay tìm phương án, giải pháp này kia đối với cầu Long Biên thì cũng hơi buồn thật. Tại sao có thể lãng quên một cây cầu có nhiều giá trị cả về mỹ thuật, lịch sử gắn bó lâu đời với Thủ đô Hà Nội như thế. Thậm chí ngay trong ngành giáo dục cũng không chú trọng đến việc giáo dục cho thế hệ sau nhớ đến cây cầu này. Thông tin về cầu Long Biên chỉ được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến mỗi khi vào dịp lễ như Giải phóng thủ đô 10/10 hoặc như năm nay kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Còn các dịp khác hầu như không có.

Không biết những thông tin trên đã đủ để cho chúng ta tiến hành tôn vinh các giá trị của cầu Long Biên chưa? Và nếu còn thiếu sót điều gì về cây cầu lịch sử này xin mọi người tham gia đóng góp thêm thông tin để chúng ta cùng nhau biến cầu Long Biên thành biểu tượng của thủ đô Hà Nội, cùng nhau xây dựng cầu thành một "đại lộ đi bộ", một bảo tàng sống động về lịch sử văn hóa của "Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu. Một thời đạn bom, một thời hòa bình" .
Xuân An

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự