Cây cầu nối những bến bờ yêu thương

08:19 19/09/2010

(Bài dự thi) - Người phụ nữ tấp xe sát lan can cầu thắt lại cái dây đai rồi quay lại dặn đứa bé ngồi  sau xe: "Con không được ngủ gật nữa đâu đấy". Con bé dạ một tiếng rõ to rồi vòng tay ôm ngang bụng mẹ. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Và trên khóe mắt của con, những giọt nước mắt cũng bắt đầu lăn vì… nhớ mẹ.

Con nhớ cái thời con còn nhỏ, mỗi sáng mẹ vẫn đạp xe chở con qua cầu Long Biên. Nhà mình ở bên này cầu nhưng chỗ làm của mẹ và trường học của con lại ở bên kia cầu nên sáng nào mẹ con mình cũng phải dậy thật sớm để đi cho kịp giờ. Chiếc xe đạp cũ kỹ mỗi khi lên dốc cầu lại phát ra những tiếng kêu lọc xọc, lọc xọc…

Con nhớ ngày ấy, xe cộ qua cầu không đông đúc như bây giờ. Buổi sáng, không khí tinh khiết cùng với những cơn gió lùa qua cầu mát rượi. Ngồi sau xe mẹ, hai mắt con díp lại. Mẹ cứ phải gọi tên con suốt vì sợ con ngủ gật. Khi mẹ gọi mà không nghe tiếng trả lời của con, thể nào mẹ cũng biết là con đang gà gật phía sau. Mẹ dừng xe lại lấy cái áo dài tay vòng qua lưng con buộc trước bụng mẹ lại rồi lại đạp xe đi tiếp. Buổi chiều muộn, mẹ lại chở con về. Ngồi sau lưng mẹ, con bi bô kể đủ thứ chuyện ở lớp, ở trường rồi hai mẹ con cùng cười vang.

Ngày nắng là thế nhưng ngày mưa thì vất vả vô cùng, nhất là những đợt gió mùa và mưa phùn. Sáng sớm qua cầu gió hun hút thổi như hàng ngàn cái kim châm vào da thịt lạnh buốt. Mẹ còng lưng đạp xe, hai tay mẹ tím tái vì rét nhưng chốc chốc lại ngoảnh ra phía sau nhắc con: Ôm chặt mẹ vào cho đỡ lạnh con ạ. Có hôm trời vừa mưa vừa gió, gió hất chiếc nón lá của mẹ cong cả vành và xé rách chiếc áo mưa của mẹ. Vạt áo mưa lành nhất mẹ kéo hết về phía sau để che cho con mà vẫn không tránh sao cho khỏi ướt. Con bước vào lớp với hai cái ống quần buộc túm chỗ ướt chỗ khô còn mẹ tất tả đi làm, hai ống quần nước sũng nước.


Con nhớ có lần mẹ thở dốc khi đạp xe lên cầu. Con đoán mẹ mệt nên nằng nặc đòi xuống đi bộ với lý do mà do con tự nghĩ ra: Mẹ cho con xuống chứ ngồi mãi sau xe, con ê mông quá. Mẹ tưởng thật nên vội vàng mở túi xách  lấy cái ni lông gấp ngay ngắn đặt xuống chỗ con ngồi rồi cố gắng đi chậm để xe bớt xóc…i

Rồi những lần chiếc xe đạp của mẹ giở chứng giữa cầu: hai mẹ con phải đi bộ, trán mẹ vã mồ hôi, những lần xe tuột xích, tay mẹ nhem nhuốc dầu mỡ…. Mẹ sợ con mệt nên dỗ dành: Cố lên con, qua cầu là về nhà rồi. Bụng đói lại phải đi bộ nên con phụng phịu. Mẹ nghĩ ra cách đố con đếm xem cây cầu có bao nhiêu nhịp. Nếu con đoán đúng tối về mẹ sẽ thưởng. Mãi đếm nên con quên cả mệt.

Con nhớ hồi đó mỗi lần qua cầu mẹ thường đọc mấy câu thơ:

Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...
Mẹ dạy con đọc thuộc nhưng con phát âm ngọng Long Biên thành Nong Biên. Mẹ  kiên trì dạy con cách uốn lưỡi để phát âm chữ l dần dần con sửa được. Sau này con mới biết mẹ không chỉ dạy con hiểu biết về cây cầu mà con sửa cho con tật nói ngọng bắt đầu từ việc gọi tên cây cầu mà hằng ngày hai mẹ con vẫn đi về.

Con nhớ cũng trên cây cầu này mẹ đã giảng giải cho con nghe vì sao dòng sông đang chảy dưới chân cầu gọi là sông Hồng, vì sao bên này sông thì bồi còn bên kia sông lại lở, về những nhịp cầu vững chãi bắc qua sông. Ngày đó, con còn nhỏ chưa nghĩ được gì nhiều nhưng sau này lớn lên, con mới hiểu sự bồi lở của một dòng sông cũng giống như sự hy sinh của một người mẹ để bồi đắp cho tương lai của con mình, những nhịp cầu bắc qua một con sông cũng giống như những nhịp cầu bắc qua cuộc đời của mỗi con người.

Những nhịp cầu bền bỉ và dẻo dai vẫn còn ở đó nhưng mẹ của con đã ở một nơi xa thật xa. Và con, đứa con đã được mẹ đi cùng suốt quãng đường tuổi thơ trên cây cầu sắt giờ cũng đã làm mẹ.  Dù bây giờ đã có  những cây cầu hiện đại hơn bắc qua sông Hồng nhưng ngày ngày con vẫn đi về qua cầu Long Biên mẹ ạ. Mỗi lần đi qua đó là một lần con được trở về với con đường tuổi thơ. Mỗi lần đi qua đó, con có cảm giác giọng nói, tiếng cười, dấu chân của mẹ vẫn in trên những nhịp cầu thân thương, gần gũi như  ngày nào mẹ vẫn ở bên con.

Cầu Long Biên vẫn vững chãi bắc qua sông Hồng mặc cho năm tháng đi qua với những đổi thay do con người kiến tạo. Với con đó là cây cầu lưu giữ biết bao kỷ niệm tuổi thơ bên mẹ. Với con đó là cây cầu nối những bến bờ yêu thương.
                                    
                                        Bùi Thu Hoàn

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự