Dù ai đi đâu về đâu nhớ về Hà Nội có cầu Long Biên

15:32 20/09/2010

(Bài dự thi) - Tôi đã sống hơn một nửa đời người ở phía Nam Tổ quốc và có những năm tháng ở nước ngoài. Nhưng, như một nhạc sĩ đã viết: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội” và những người xa xứ chúng tôi thường nói với nhau: “Dù ai đi đâu về đâu/ Nhớ về Hà Nội có cầu Long Biên ”.

Tôi sinh ra tại nhà thương Phủ Doãn, bây giờ là bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Thời ấy nó là nhà thương tế bần, nhà thương làm phúc. Cha tôi tuy là công chức Nhà nước, nhưng thân cô thế cô và nghèo túng, thời ấy không có nhà đành chiếm một ô vòm dưới gầm câu Long Biên nay là phố Gầm Cầu để ở, cầu Long Biên và con phố Gầm Cầu đi vào bao kỷ niệm thời ấu thơ của tôi. Trong một cái vòm cuốn, ngày đêm tôi phải nghe tiếng tàu hỏa chạy xình xịch trên đầu.



Giấc ngủ cũng có tiếng tàu chạy xình xịch, xình xịch, tiếng còi hơi hú lên “tu tu” nghe dần rồi quen. Năm lên 6 tuổi, chẳng được cắp sách đến trường, tôi lên ga Đầu Cầu bán bánh mì rong. “Bánh mì ơ! Bánh mì đi!...”. Mỗi khi tàu vào ga, tiếng phanh ken két, tàu chưa dừng hẳn tôi đã len lỏi vào từng cửa toa chào mời khách mua bánh mì. Đùng một cái, Hà Nội được giải phóng, hôm ấy là ngày mùng 10-10 năm 1954, tôi đội thúng bánh mì trên đầu ngơ ngác nhìn những tên lính pháp hôm nào nghênh ngang là thế, thấy tôi đội thúng bánh mì đi qua là “a lê” đá đít, mà hôm nay im hơi lặng tiếng rút qua cầu Long Biên không kèn không trống. Và ngay sau đó có những anh bộ đội Cụ Hồ đầu đội mũ lưới, trong bộ quân phục màu rêu bạc, đứng thế vào các bốt gác đầu cầu.

Thấy tôi, một anh bộ đội vẫy lại bảo bán cho cái bánh mì, ban đầu tôi sợ, nhưng thấy các anh bộ đội nét mặt hiền lành, dễ yêu, nở nụ cười rất thân thiện như cha anh mình và chìa tay đưa tiền ra thì tôi không thấy sợ nữa. Nhìn mọi người xung quanh, vẫy chào, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, nhiều người còn tặng bó hoa tươi rất đẹp cho các anh bộ đội, tôi liền đưa cho anh bộ đội cả thúng bánh mì, rồi ú té chạy về nhà. Bố mẹ thấy tôi về, bực mình lắm, vì phải đi tìm tôi để đi theo gia đình xuống Hải Phòng di cư vào Sài Gòn. Tôi đeo tay nải, chạy ù theo gia đình, chiếc xe cam nhông chở hơn ba chục người lớn, nhỏ chạy qua cầu Long Biên về Hải Phòng vào một buổi tối trời đầy sao. Nhìn dòng sông Hồng và cây cầu Long Biên thân thương từ thuở lọt lòng lùi lại phía sau, Hà Nội chìm trong đêm tối, tôi tưởng như đánh mất một vật gì thiêng liêng và gần gũi. Thấy tôi buồn rười rượi, bố tôi nghiêm nét mặt: “Đi rồi lại về con ạ”.

Trở về Hà Nội hôm nay, tôi bước trên cây cầu vắt qua hai thế kỷ, tưởng nhớ lại những kỷ niệm ấu thơ bên cây cầu Long Biên lộng gió. Những nét “cận đại” của Hà Nội thời ấy đã hằn lên trong tâm trí tôi. Ấy là những chuyến tàu điện leng keng tôi thường vòi dì tôi cho đi bằng được. Ấy là cái đường kè lát nghiêng bên hồ Trúc Bạch mà chú tôi học trường Bưởi hay “biểu diễn” xe đạp đi nghiêng khiến tôi cười ngặt nghẽo.  Ấy là cây cầu Long Biên, thời ấy gọi là cầu Đu-me, tên của viên toàn quyền Pháp. Mỗi lần thấy có chiếc ô tô tải leo dốc lên cầu, tôi chỉ vào nó kêu lên: “Chú ơi, ô tô bay lên trời”. Lớn lên tôi đã thấy cầu Long Biên sừng sững trên đầu rồi. Những khi hết bánh mì, tôi ra cầu đứng trên đó nhìn bãi dâu xanh rì, những con thuyền đi ngược về xuôi. Mỗi lần con tầu đi qua, tiếng bánh rên lên ban đầu nghe sờ sợ rồi thân quen như hơi thở của mình.

Ngày nào không nghe thấy tiếng bánh tàu lăn trên cầu, tiếng còi hú lên giữa không trung bao la là tôi mất ăn mất ngủ. Vào mùa nưa lũ, nước sông Hồng dâng cao gần mặt cầu, tôi rủ mấy đứa trẻ ra đó buộc dây thừng vào thắt lưng nhảy tùm xuống sông bơi thoả thích. Tuổi trẻ ngây ngô và dại khờ ấy, đến bây giờ tôi vẫn thấy rờn rợn, bởi dòng nước xoáy là thế mà chả đứa nào bị nước cuốn đi. Rồi những đêm trăng lu, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau ra bãi ngô bẻ trộm, đem về nướng ngay dưới chân cầu, những bắp ngô nướng thơm cho đến tận bây giờ. Có một lần chúng tôi thấy một chiếc thuyền gỗ loại to chở hai phụ nữ và hai thanh niên tay bị trói áp bờ. Đi sau là bốn tên lính. Một lính Pháp và 3 lính bảo hoàng. Bọn trẻ chúng tôi nghe nói 4 người bị trói là Việt Minh. Nhìn họ chẳng có gì khác cha mẹ, anh em mình, vậy mà gọi là Việt Minh thì lạ. Ngay sau đó chúng đưa cả 4 người lên cầu Long Biên và trước những tiếng súng, tiếng hô “Đảng cộng sản muôn năm! Đả đảo đế quốc Pháp! Hồ Chủ tịch muôn năm!..” dội vào tai bọn trẻ chúng tôi, là cả bốn người bị bắn, và thân xác họ bị ném xuống sông Hồng. Nhìn dòng nước đỏ ngầu cuốn họ đi mà chúng tôi thấy thương xót và ghê rợn quá. Tất cả chúng tôi sợ quá, ù té chạy về nhà, đêm ấy tôi không tài nào ngủ đựoc. Hôm nay tôi đứng ngay đoạn có 4 Việt Minh bị địch bắn chết, xác rơi xuống sông mà lòng lại quặn đau thêm lần nữa.

Tôi đi thăm lại cây cầu, đâu rồi những nhịp cầu vươn lên như tháp nhọn, nhấp nhô trong bầu trời lồng lộng khi bình minh lên.  Mấy nhịp cầu bị bom Mỹ bắn phá, thay vào đó là những nhịp chỉ có lan can, tay vịn hoen gỉ, đơn sơ, để cây cầu đánh mất đi những tinh tuý vốn cổ của nó. Dù có tài ba, dũng cảm cứu cầu đề thông xe hồi đó, các công nhân của ta cũng chỉ có thể làm lại mấy nhịp cầu bị sập do bom đạn. Trong tôi trộm nghĩ, tại sao sau các cuộc hội thảo, các triển lãm hoành tráng về cây cầu Long Biên tồn tại cùng lịch sử hàng trăm năm lại để mấy nhịp chắp vá thế kia? Trong điều kiện hiên nay, cây cầu cần được phục chế đúng như phiên bản ban đầu. Tại sao không tính đến việc, xây dựng những đế cầu bê tông chịu ứng lực thay những chân cầu cũ và gia công các loại thép chịu lực, chống ô xy hoá cho những nhịp cầu nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu và hình hài cây cầu Long Biên cổ xưa? Với điều kiện hiện nay tôi nghĩ việc đó nằm trong tầm tay.

Tôi chỉ có một ước mơ, cầu Long Biên tồn tại mãi với Thăng Long nghìn năm vắn hiến. Để mãi mãi trong tôi “Dù ai đi đâu về đâu/ Nhớ về Hà Nội có cầu Long Biên”.

Minh Nguyễn

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự