Băng Sơn đã dạy tôi yêu Hà Nội, yêu cầu Long Biên

22:41 16/09/2010

(Bài dự thi) - Cách đây hơn một trăm năm, xây cầu vắt ngang sông Hồng là một việc không tưởng. Thuở ấy, người Pháp đứng nhìn dòng sông, hướng mắt vào mông lung, hẳn phải thấy chênh chao, rợn ngợp lắm.

Nhưng ý họ đã quyết. Họ quyết xây nên một tòa công trình kì vĩ không kém tháp Eiffel ở Paris, không thua Kim Tự Tháp Giza. Hằng đêm, giấc mơ của họ thu về trong hình ảnh một tòa công trình đồ sộ Đông Dương, một Đông Dương thời vẫn còn lạc hậu và nguyên sơ lắm. Người Pháp đã cho thiết kế, rót kinh phí, chở hàng ngàn tấn nguyên liệu từ "nước mẹ", cậy vào sự khéo léo và tài hoa của người thợ Việt, để làm nên cái ước mơ ấy.

Chỉ trong ba năm.

Và, họ đã làm được. Năm 1902, cầu Long Biên được khánh thành, với tên Doumer. Từ giây phút ấy, nó đã đi qua hơn một trăm năm với nhiều biến cố, bằng sức sống đáng  kinh ngạc.

Tôi có những kỉ niệm đẹp với cầu Long Biên.

Cầu Long Biên giống như một con rồng được nuôi trong khu-vườn-ngoại-thành. Nó ngự bên trên con sông rộng. Có đứng dưới cầu nhìn lên, vào một buổi chiều vàng ươm, mới thấy hết cái đẹp của khối sắt thép ấy. Cây cầu như chìm trong một lò luyện kim khổng lồ bị úp ngược; bên trên nó là một bầu trời sáng rỡ. Cái khối sắt thép đó như được dán vào tấm ánh sáng phía trên. Xa xa là những ruộng ngô, vài chiếc xe đạp cũ ai dựng bên đường, những cánh đồng màu xanh hòa vào buổi chiều êm...

Đó còn là một buổi chưa tối hẳn. Tôi ngồi dưới phố gầm cầu, nghe tiếng bước chân rảo đều. Cái gầm cầu lạnh ngắt, như một hang núi bằng thép. Tôi đếm những chiếc xe chạy trên kia. Tiếng động cơ tan mau trong không khí. Tôi ngồi im, nghĩ ngợi lung tung. Và tưởng tượng sự bé nhỏ quá đỗi của mình so với cái khối thép phía bên trên.




Tôi nhớ rõ một buổi chiều xem đá bóng dưới bãi, thi thoảng nhìn cây cầu im lìm trong nắng nhạt. Tự nhiên, giai điệu của những chuyến bay đêm choán hết tâm trí: "Những đền đài bỏ hoang, những thề nguyền ngày xưa... Có con sông nào rong chơi, cuốn theo đôi bờ mưa lũ...". Một bài hát cũ của Việt Anh, mà lúc nào tôi cũng mong muốn nó trở thành bài hát chính thức của Vietnam Airlines. Giữa bãi sông này, chìm trong hương bạc hà thoang thoảng, tôi có cảm giác như mình đang đứng ở ngay cái "bờ tiền sử" trong văn cụ Nguyễn Tuân.

Có người bảo, nhìn hình ảnh Long Biên nhòe đi từ bãi Tứ Liên sẽ rất đẹp. Lúc ấy, cây cầu như được sinh ra sau một hiệu ứng Photoshop, nó hòa vào nền trời gần như tuyệt đối, mờ mờ trong một vài nét vẽ.

Cây cầu đã lẳng lặng đi vào video "Nếu phải xa nhau" của Minh Quân. Nó cũng làm phông nền cho một trường đoạn trong phim "Chiếc chìa khóa vàng". Nó làm nên hình một buổi sớm Hà Nội mây mù, lạnh ngắt. Buổi ấy, da thịt nó biến đổi thành sắc xanh, tím tái đi. Tôi đi bộ trên cầu thấy những thanh niên chở đồng nát đi về hướng nội thành. Trong buổi tinh sương, thơm thoảng mùi hoa, từng toán người tập thể dục đi lững thững. Những buổi sớm yên bình như trăm nghìn sớm khác. Có màu xanh của bãi chuối dưới cầu. Và rất nhiều màu áo đang chen nhau trong chợ Long Biên.

Tôi yêu Long Biên vô cùng, những lúc ngồi trong xe buýt, lặng lẽ rời Hà Nội. Con rồng Thủ đô nằm chầu chực ngoài sông kia như muốn nói cho tôi một điều gì xưa cũ.

Những người Hà Nội đẹp nhất lần lượt ra đi. Nguyễn Khải, Băng Sơn. Và nhiều nữa. Có lẽ, trước lúc về trời, họ còn kịp bay một vòng trên đỉnh cầu nhìn thoáng qua những trụ dầm sương nắng trăm năm, họ cũng thoáng thấy những chiếc khóa tình yêu neo vào thành cầu, những vật vô tri giữ lại phút giây thiêng liêng trẻ dại của những đôi yêu nhau... Họ sẽ thấy, một lần nữa, trang lịch sử hùng hồn kia reo lên trên làn nước, nghe tiếng gánh gồng kĩu kịt... Rồi, họ bay xa Hà Nội. Bay về vùng trời có nhiều đụn mây hồng. Tảng sáng.

Tôi định tâm sẽ viết một ít về cầu Long Biên từ nửa tháng trước, nhưng cứ lần lữa mãi. Tôi chết trân trước trang giấy vô hồn, không biết sẽ bắt đầu từ đâu, phải mở cái mạch cảm xúc mình bằng cái chìa khóa nào thì hay tin cụ Băng Sơn qua đời.

Nếu phải chọn một người Hà Nội nhất tôi quyết chọn cụ. Cụ sống một đời với những trang văn đẹp về Hà Nội, những thú vui tao nhã, những góc phố, con người,... Những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt nhất cũng được Băng Sơn để ý, trân trọng, nâng niu. Chính cụ là người khơi tình yêu Hà Nội trong tôi.

Sinh thời, cụ Băng Sơn rất thương phận cầu Long Biên. Dẫu nó được hoài thai với mục đích méo mó. Dẫu nó phục vụ thực dân. Dẫu nó giống như một đứa con lai, khó chấp nhận bởi định kiến. Nhưng rồi, qua thời gian, nó trở thành biểu tượng vĩ đại. Nó chứng kiến từng trận bom Mỹ trút vào Hà Nội, vào chính nó từng hai lần gẫy đôi. Xác thịt nó còn đâu đó trong lòng sông. Nhưng Long Biên vẫn âm thầm chịu đựng. Người ta còn kể chuyện dân mình dựng cầu lên hằng đêm để bộ đội hành quân. Sáng sớm, trả nguyên hiện trạng gẫy sập nhằm che mắt địch.

Cầu Long Biên không chỉ bị sứt sẹo bởi chiến tranh, nó còn đưa thân thể mình cho dân graffiti trẻ xăm lên những hình vẽ bằng sơn, những đôi uyên ương treo hàng ngàn ổ khóa tình yêu. Cái thân thể đã vào tuổi lão suy ấy dường như cần được ngơi nghỉ.

Và, những "người Hà Nội nhất" ra sức bảo vệ nó. Hay tin đường sắt trên cầu sẽ được dỡ đi, họ phản ứng quyết liệt. Cụ Băng Sơn không đồng ý để người ta dỡ phần đường ray trên cầu. Với cụ, việc đó không khác nào xé đi một trang lịch sử. Cầu Long Biên, dù không còn nhiều giá trị về mặt sử dụng, nó vẫn có thể là một bảo tàng sinh động. Một bảo tàng. Một chứng nhân. Một phần hồn Hà Nội. Như lời của sử gia Dương Trung Quốc, nó có thể được cải tạo thành một bảo tàng vô tiền khoáng hậu.

Không chỉ dân Việt, người Pháp vẫn nhớ nó đấy thôi. Họ mong muốn lọc máu lại cho con rồng kia. Năm 2002, họ viện trợ gần một triệu Euro để hồi xuân Long Biên. Họ muốn nó tắm thứ nắng mới trong cái cơ thể khỏe mạnh hơn, như lúc còn đương trai.

Quán cà phê ưa thích của tôi có treo một tấm hình Long Biên đen trắng. Mùa nước lên. Đầu thế kỉ trước. Cây cầu khổng lồ, chạy thẳng vào màn sương sớm. Mùa mưa lũ, không gian bị nước làm hẹp đi, cây cầu càng hùng vĩ hơn. Tôi ngồi đấy, ngắm Đông Dương và Long Biên trong ảnh. Ngày ngày qua ngày khác. Cái tình yêu cây cầu lớn dần trong tôi.

Chiều nào, trong quán, Ngọc Khuê cũng khe khẽ hát qua loa Bose, kéo tôi trôi trong mưa lũ suy nghĩ:

“Phía sông Hồng,
những cánh buồm, những cánh buồm nâu.
Những con thuyền dắt nhau về đâu?
Bãi dâu chiều khuất xa.
Sóng Tây Hồ,
tiếng chuông chùa vẳng xa thật xa.
Những mái nhà ngói xô bài ca.
Những gì đã qua lại bao la vọng về.
Những gì đã qua lại bao la một chiều.
Mãi vẫn là tuổi thơ tôi - Hà Nội…”

Con rồng thủ đô giờ này đang say ngủ hay thức canh thành phố? Có còn tìm về trong giấc mơ của cụ Sơn, trên cao xanh kia?

Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự