Ký ức mẹ tôi

14:30 04/09/2010

(TT&VH Cuối tuần) - Mẹ tôi năm nay xấp xỉ 80 tuổi, hơn 30 năm sống ở đất Sài Gòn nhưng chất của người Hà Nội vẫn còn in đậm trong cốt cách của mẹ từ dáng đi đứng, cách nói cười... Ngay cả kiểu vấn tóc của mẹ tôi, cũng theo cách của người Hà Nội.

Mỗi lần có ai đó nhắc đến Hà Nội, đôi mắt đục mờ của mẹ tôi sáng lên linh hoạt. Trong đôi mắt ấy, tôi thấy cả linh hồn Hà Nội với 36 phố phường, có ngôi chợ Đồng Xuân nổi tiếng món bánh đúc chấm tương chân quê, có cây cầu Long Biên sừng sững cả một góc trời Hà Nội, soi bóng xuống dòng sông Hồng màu mỡ phù sa... Có thể nói, cầu Long Biên đã chiếm hết ký ức của mẹ tôi, từ thuở ấu thơ cho đến tuổi thanh xuân với mối tình đầu, và cả những năm tháng bạc đầu ở tuổi tri thiên mệnh...

Mà nhớ nhất ngày 2/9/1945, lúc đó mẹ tôi chỉ là một cô bé 13 tuổi, tay cầm cờ, tay cầm hoa, lon ton chạy theo ông ngoại lên cầu Long Biên đi về hướng Ba Đình. Mẹ tôi kể, chưa có ngày hội nào tưng bừng như ngày hội hôm ấy, từng đoàn người kéo nhau qua cầu trong cái nắng hanh hao của mùa thu tháng Tám. Bọn trẻ con như mẹ tôi ngày ấy, đứa nào cũng hớn hở, chạy tung tăng theo chân bố mẹ, sung sướng vì được đi gặp Bác Hồ. Người lớn cũng rạo rực không kém, từng tốp, từng tốp lũ lượt qua cầu miệng cười rạng rỡ... Hôm ấy, cầu Long Biên như một con thuyền lộng lẫy đỏ chói cờ hoa, xôn xao đưa dòng người tiến về Hà Nội, dưới chân cầu, sóng sông Hồng cuồn cuộn phù sa như muốn hòa chung niềm vui lớn với cả dân tộc. Mẹ tôi nhớ mãi giây phút bước xuống đầu cầu Hà Nội, mẹ đã trân trọng cắm cao lá cờ lên thành cầu, sau lưng mẹ, cả một rừng cờ đỏ chói trùng trùng điệp điệp… Trong ký ức trẻ thơ của mẹ tôi ngày ấy, cầu Long Biên như một con rồng đỏ khổng lồ, nằm vắt ngang sông Hồng, con rồng ấy xuất hiện như ý trời đã định, nối liền thủ đô Hà Nội với cả nước, nối liền tấm lòng Việt Nam với anh em các nước Đông Dương...

Năm tôi 14 tuổi, một biến cố quan trọng đã xảy ra với tôi, làm thành một vết thương lòng cho đến mãi bây giờ.

Hôm ấy là ngày 10/9/1969, mới tờ mờ sáng, mẹ đã vội vã dắt tôi lên cầu Long Biên đi về Hà Nội. Trong màn sương mờ đặc, cây cầu dài hun hút chìm ngập trong tang tóc. Cả đoàn người lặng lẽ lên cầu, đau đáu hướng về Ba Đình bằng những đôi mắt nhòa lệ, đủ cho tôi hiểu, có một điều đau đớn khủng khiếp nhất đang chờ mình phía trước. Mẹ tôi chốc chốc lại thở dài thườn thượt, vừa đi vừa ngước mặt lên trời lẩm bẩm cầu nguyện, nhưng ông mặt trời cũng buồn thiu không mở mắt, để cho những đám mây đen trôi bềnh bồng trên những thanh sắt cầu Long Biên đen xì trĩu xuống, vì không chịu nổi cơn đau đổ ập lên mình. Có ai đó thổn thức gọi “Bác ơi!”, cả đoàn người nức nở. Người khóc, trời khóc, cầu Long Biên cũng khóc. Sóng sông Hồng sôi sục một màu máu, rền rĩ đập vào chân cầu nghe thê thiết. Xa xa, bên mạn Phà Đen, có tiếng còi tàu khản đục thảng thốt kêu lên, lạc lõng. 14 tuổi, lần đầu tiên trong đời, tôi khóc vĩnh biệt một người. Người ấy, tôi chưa có cơ duyên được một lần diện kiến, nhưng vẫn chập chờn, ẩn hiện trong những giấc mơ của tôi như một ông Tiên, xuất hiện giữa đời thường. Hôm ấy, mãi đến xẩm tối, mẹ con tôi mới lếch thếch lên cầu Long Biên quay về Gia Lâm. Dọc lan can cầu, tôi thấy những mảnh băng tang đen làm lòng tôi chùng xuống, đau đớn. Dưới chân cầu, sóng sông Hồng vẫn rền rĩ khóc. Tôi quay đầu nhìn về Hà Nội, bầu trời như xà xuống thấp, nhưng cầu Long Biên lại như muốn vươn lên cao, để muôn đời được nhìn thấy Bác đang nằm yên nghỉ giữa lòng thủ đô Hà Nội...

Còn 5 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010),

Năm 1975, nước nhà thống nhất, bố tôi vào TP.HCM để nhận công tác mới, mẹ con tôi phải xa Hà Nội, xa cầu Long Biên. Tôi nhớ, buổi chiều trước lúc lên tàu vào Nam, mẹ con tôi đã lên cầu Long Biên để được nhìn 36 phố phường Hà Nội. Từ góc nhìn này, Hà Nội của tôi đẹp cổ kính, trong veo như một bức tranh thủy mặc tuyệt vời có một không hai. Mẹ con tôi dừng lại ở một khúc quanh, của đoạn cầu dành cho người đi bộ, tại đây, tôi đã được nghe mẹ tôi nhắc lại lời đính ước sắt son của bố mẹ. Bố mẹ tôi không cần móc chiếc khóa nào vào thành cầu như những cặp tình nhân ngày nay thường làm. Bố mẹ tôi cũng không vẽ hai trái tim đan vào nhau lên thân cầu. Hai người đã nắm chặt tay nhau, tựa lưng vào thành cầu, nhìn xuống sông Hồng rồi nhìn sang Hà Nội mà nguyện ước rằng: “Hà Nội còn, sông Hồng còn thì tình yêu của chúng ta còn nguyên vẹn...”. Với tôi, lời nguyện ước trăm năm của bố mẹ tôi là đẹp nhất, vì Hà Nội đã ngàn năm tuổi, qua bao dâu bể thăng trầm, vẫn còn nguyên vẹn và chắc chắn sẽ mãi mãi nguyên vẹn.


Năm ngoái, có dịp ra Hà Nội, tôi đã đến thăm cầu Long Biên. Cầu Long Biên vẫn đón tôi bằng những cơn gió mát dịu dàng thổi đến từ phía sông Hồng. Cạnh chỗ tôi đứng, một chú thương binh khoác chiếc áo bộ đội bạc màu, lặng yên trầm mặc nhìn những thanh sắt cầu loang lổ những vết đạn, làm lòng tôi se lại, khi chợt nghĩ, cầu Long Biên cũng đã trở thành một thương binh sau những năm tháng kiên cường chiến đấu cùng cả nước. Chắc chắn không chỉ riêng tôi, mà tất cả người Hà Nội đều sẽ nói, cầu Long biên xứng đáng được trân trọng, vì đó chính là một phần của linh hồn Hà Nội... Tôi mơ màng nghĩ đến một ngày nào đó, cầu Long Biên sẽ trở thành điểm đến cho những ai muốn vui thú trời mây sông nước, ở đó, sẽ có những chuyến tàu thong thả ngược xuôi đi về, cho người ta một cái cảm giác êm ả thanh bình khi đến với thủ đô Hà Nội.

Minh Thủy

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự