Cầu Long Biên - Lần qua, lần nhớ

10:10 03/09/2010

(Bài dự thi) - Tôi sinh ra ở Tây Nguyên, nhưng chồng là người Phú Thọ. 20 năm qua với 4 dịp về quê chồng bằng xe lửa tôi đã 8 lần qua lại cầu Long Biên.

Lần đầu tiên, tôi được một ông khách đồng hành ngồi chung ghế xe lửa tự giới thiệu là Cựu chiến binh pháo phòng không, những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ông là một trong những pháo thủ ở bộ phận bảo vệ cầu, kể cho nghe về lịch sử và thân phận cây cầu trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nghe rồi tôi vô cùng cảm phục những đốc công người Pháp và bàn tay tài hoa của những người thợ là người Việt Nam, bởi con sông Hồng rộng như eo biển, độ sâu tới hơn 20-30 mét nước mà bắc được chiếc cầu như một con Rồng khổng lồ nằm vắt ngang dài tới hơn 3 cây số, kể cả 2 bên mố cầu, thì quả là một công trình thật sự vĩ đại có lẽ chưa từng có trên thế giới thời bấy giờ. Ngồi trên tàu thả mắt nhìn xuống dọc sông Hồng, nước phù sa đỏ ngàu mà tôi cứ ngỡ màu đất Bazan ở tận quê tôi chảy ra tới đây bón cho những rẫy bắp, rẫy rau trên bãi bồi giữa sông thêm tốt cây, xanh lá. Khi đoàn tàu qua đến đầu cầu mạn bắc tôi để ý thấy hầu như ai cũng ngoái lại để nhìn cầu Long Biên lần cuối trước khi tạm biệt, và không ít người đã để lại luyến lưu trong lòng về hình ảnh cây cầu được kết cấu hầu hết bằng sắt, thép như một bộ xương Rồng khổng lồ bền bỉ với thời gian.

Lần thứ hai qua cầu lên phía bắc về đêm, nhìn những bóng điện lung linh nhiều lớp trên cầu tôi tưởng những vảy Rồng loé sáng. Người, xe ken đuôi nhau hối hả ngược xuôi một cách náo nhiệt mà có lẽ chỉ trên cầu Long Biên mới có. Tôi thầm thương cho thân phận cây cầu, được sanh ra trong chiến tranh và bản thân nó cũng bị đạn bom của chiến tranh tàn phá. Nghe nói những năm đánh phá miền Bắc, máy bay của Đế quốc Mỹ đã thả xuống cầu hàng trăm tấn bom, đạn đã làm cho nhiều trụ cầu bị bể, nhiều nhịp cầu bị cắt đứt, song ngay sau đó ít giờ cầu lại được lưu thông, hàng hoá phục vụ cho dân sinh, cho chiến trường từ phía bắc tiếp tục về nơi tập kết ở nội thành an toàn nhờ ý chí can trường và tinh thần quả cảm tuyệt vời của quân và dân Thủ đô.


Ảnh: Đỗ Đức

Lần thứ ba tôi qua cầu vào buổi sáng khi mặt trời vừa mới chồi lên tròn vành vạnh như cái miệng gùi lớn. Cảnh bình minh lúc ấy đẹp làm sao, nắng vàng rực dưới sông, nắng nhảy nhót trên cầu, nắng cố len lỏi vào từng toa tầu như xua đi cái lạnh căm căm của buổi sáng giữa mùa đông nơi đất Bắc. Gió từ mặt sông thổi hất lên, tôi như nghe rõ vị ấm nồng của phù sa, mùi thơm dịu dàng của hương lúa, hương bắp.

Bẵng đi cả hơn 10 năm chẳng có dịp về quê chồng, mãi đến năm 2003 tôi lại qua cầu Long Biên thêm một lần nữa. Tôi hoàn toàn bất ngờ bởi cầu không náo nhiệt, nhộn nhịp như xưa, chẳng thấy chiếc ô tô nào chạy qua; xe máy, xích lô cũng ít, chỉ thấy những chiếc xe đạp thồ những sọt hàng muốn oằn cả khung và lưng người đẩy xe cũng còng xuống thật lam lũ và nặng nhọc. Trên lan can dành cho người đi bộ có khá nhiều những đôi trai gái vô tư trò chuyện, ngay cả ban ngày họ vẫn thoải mái trao cho nhau những nụ hôn nồng thắm như chỗ không người. Hỏi ra mới biết Hà Nội đã được bắc thêm mấy cây cầu qua sông Hồng như Thăng Long, Chương Dương… sang trọng hơn, hùng vĩ hơn, đẹp đẽ hơn nên cầu Long Biên vắng khách. Thế nhưng cảnh vật vẫn đẹp như xưa, bình minh vẫn nhảy múa trên cầu, sóng sông Hồng vẫn nhẹ nhàng vỗ về những trụ cầu như an ủi…

Tôi không phải là người Hà Nội và cả cuộc đời có lẽ chỉ qua được cầu Long Biên 4 lần ấy mà thôi, song mỗi lần qua rồi lại là một lần nôn nao nỗi nhớ: Nhớ cây cầu đã quá tuổi ‘’Bách niên’’ vẫn kiên cường thi gan cùng nắng mưa, bão tố; nhớ nước sông Hồng ngầu đỏ phù xa; nhớ bình minh vàng rực trên cầu; nhớ những bộ ‘’xương Rồng’’ bấu chặt vào nhau tạo thành một chiếc cầu hùng vĩ… Và nhớ nhất cảnh tàu, xe qua lại, cảnh những người dân lao động tất tả ngược xuôi bất kể sớm tối, nắng mưa đều hối hả… Tôi luôn mong muốn dù xã hội có thay đổi đến đâu, dù Hà Nội có tới mấy chục cây cầu to, đẹp bắc qua sông Hồng đi nữa thì cũng đừng lỡ tay phá bỏ cầu Long Biên, bởi nó không chỉ là niềm tự hào của Thủ đô ta cả trăm năm qua mà nó còn là chứng tích lịch sử qua một thời đạn bom, một thời hoà bình của cả dân tộc ta.

ĐAM NGUYỄN

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự