Chuyện tình Long Biên

15:53 29/08/2010

(TT&VH Cuối tuần) - Tôi không phải nhà văn càng không phải là nhà báo, tôi là một người dân làm ăn, buôn bán bình thường trên địa bàn Hà Nội nên câu chuyện viết ra dưới đây là tất cả những gì ngòi bút khiêm tốn của tôi ghi lại về một quãng đời của cha mẹ tôi, ông bà nội tôi với tôi gắn với cây cầu lịch sử có tên “Long Biên”.

Ngày ấy, ông nội tôi là công nhân của Công ty Cầu 5 trực tiếp sửa chữa những nhịp cầu bị bom Mỹ đánh sập, sau hòa bình ông tiếp tục cùng đội cầu sơn từng tí một bằng chổi quét tay, cọ cạo rỉ bằng bàn chải sắt từng thanh giằng, từng chiếc đinh tán hết sức thủ công để cây cầu luôn luôn sạch đẹp. Vì vậy với ông và mỗi người thợ trong đội, cây cầu như đứa con máu thịt mà mình chăm bẵm hàng ngày.


Tình yêu giữa những nhịp cầu

Bà nội tôi chiều chiều bê cái mủng con lên họp chợ trên thành cầu, khi thì vài mớ rau tập tàng vườn nhà, ít quả na, quả ổi găng hay chút cá tôm bố tôi đánh được dưới sông Hồng. Tuổi thơ của bố gắn liền với cái cầu sắt vĩ đại ấy. Hôm nào ông nội cùng đội cầu đi sơn, cạo rỉ, bố cũng đòi đi theo chỉ để ngắm các bác thợ tỉ mẩn làm việc. Ấy vậy mà hết tháng này qua tháng khác không biết chán.

Mối tình của ông bà nội tôi cũng bắt nguồn từ cây cầu sắt đó và tiếp tục với bố mẹ tôi rồi với tôi sau này cũng vậy. Nhà ông bà nội ở phố Ngọc Lâm, sáng và chiều nào bố tôi cũng chạy bộ ra cầu vừa để tập thể dục vừa hóng gió. Cầu Long Biên là nơi chứa nhiều gió nhất thủ đô mà. Cảm giác như sông Hồng là con rồng thiêng góp gió bốn phương suốt mấy ngàn năm để thổi về đây vậy. Mẹ ở phố Hàng Đậu, khu phố cổ. Mẹ là người Hà Nội gốc. Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, cô thiếu nữ Hà Thành lại cùng bè bạn đạp xe lên cầu ngắm cảnh, hóng mát. Tà áo lụa trắng cùng mái tóc dài tung bay trong gió thu phơ phất làm chàng trai đôi mươi si mê ngay lần bắt gặp đầu tiên. Và từ trên những nhịp sắt ấy bố mẹ đến với nhau.

Còn 6 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010),

Năm tôi mười ba, ông nội mất. Trước khi mất, ông chỉ có một ao ước là được đưa tang qua cầu. Chiếc cầu mà suốt một đời ông đã đi qua nó không biết bao nhiêu lần. Mọi người đã làm đúng như di nguyện của ông. Đám tang diễn ra lúc 3 giờ sáng vì để ít người qua lại. Hà Nội một buổi sáng mưa thu lất phất, gió lạnh hắt hiu. Nhìn mười chín nhịp thép như già nua, cũ kỹ và hoang phế thêm lên. Cầu Long Biên buồn thảm, thương khóc đưa tiễn một trong những người thợ sơn cầu cự phách nhất một thời. Chưa bao giờ tôi buồn hơn thế. Dưới chân cầu, dòng sông Hồng gầm gào, quặn sóng. Phù sa đỏ lừ màu huyết, âm âm khúc bi ca ngàn năm đưa tiễn. Ông nội yên nghỉ ở khu bãi giữa. Một thời gian sau mộ ông mọc trắng cỏ lau.


Lần đầu tiên, năm mười ba tuổi tôi chân trần bước qua cầu Long Biên như bước qua một khoảng cách, một bước ngoặt lớn của cuộc đời. Ước mơ đau đáu một thời thơ trẻ của tôi đã được thực hiện nhưng trong một tâm trạng hoàn toàn khác lạ. Sau này tôi có dịp đi qua nhiều chiếc cầu nổi tiếng trên thế giới như Brooklyn, Garabit, Bosporus…Nhưng không ở đâu tôi có được cảm giác lạ lùng như bước qua cầu sông Cái hôm đó. Cảm giác của tôi như bước tới thiên đường.

Từ phía bãi giữa nhìn chếch lên, cầu Long Biên sừng sững dưới bình minh như chiếc lược sắt khổng lồ cài hờ lên mái tóc màu hồng sữa. Nó là một công trình mỹ thuật rất hài hòa với không gian sông nước. Những dầm thép, nhịp thép lớn sải từ bờ Bắc sang bờ Nam tạo cho cầu một dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển chứ không khô cứng như các kiểu kiến trúc sắt thép ngày ấy. Lúc về, một đoàn tàu ngược vào Nam, đứng trên thành cầu, tôi, thằng bé mười ba tuổi có cảm giác như mình đang đứng trên lưng một con rồng đang cựa mình chuẩn bị bay lên trời vậy.


Nhịp sống hối hả qua cầu

Tình yêu của tôi cũng đến ở cây cầu ấy. Cầu sông Cái, với ai đó, có thể đơn thuần chỉ là chiếc cầu nối từ Hà Nội sang Gia Lâm và ngược lại nhưng với tôi và gia đình nó là chiếc cầu nối những bờ vui, Long Biên nối 19 nhịp cầu hạnh phúc. Tôi quen vợ tôi đúng dịp kỷ niệm ngày chiếc cầu tròn một trăm tuổi, cách đây tám năm. Hôm đó là một sáng đầu Xuân cuối tháng Hai ấm áp. Thủ đô tổ chức buổi lễ kỷ niệm rất long trọng trên thành cầu. Một con rồng với ngàn vạn sắc màu. Cô nữ sinh trường Quốc học Huế lần đầu ra thăm Hà Nội rồi đến cây cầu này làm tôi để thương vương nhớ suốt mấy tháng ròng. May mà tôi kịp xin địa chỉ liên lạc để thư từ qua lại. Chính cây cầu này làm tình yêu Thủ đô trong em lớn thêm lên và quyết định ra đây học đại học. Tốt nghiệp tôi xin cưới em ngay và chiếc xe hoa mang hương vị cố đô, mang nỗi niềm giăng giăng mưa Huế đi qua từng nhịp cầu Long Biên cũng vào một chiều mưa bụi phủ trắng sông Hồng. Với tôi tình yêu với cây cầu Long Biên không còn gì so sánh được. Nó có một vị trí không gì có thể thay thế được trong trái tim tôi dù đi đến bất cứ nơi đâu, ở bất cứ phương trời nào.

Đứa con gái đầu lòng của tôi, mỗi sáng, bà nội lại để con bé vào chiếc xe nôi đẩy ra chân cầu hóng mát, nó đã biết yêu tình yêu với cây cầu từ ngày còn trong nôi. Chúng ta cũng nên dạy cho con cái chúng ta một tình yêu lớn lao và quảng đại như thế. Con gái tôi lẫm chẫm những bước chân đầu đời trên những nhịp cầu ấy rồi nó bi bô tập nói trên cây cầu ấy. Ngày ngày, tôi lại đèo nó sang nhà trẻ bên kia cầu. Mỗi thế hệ của gia đình tôi lớn lên trưởng thành đều in dấu từng bước chân lên cây cầu thân thương ấy.

Năm nay con gái tôi ba tuổi, nó bắt đầu tập nói, tập hát. Bài học đầu đời bà nội dạy cho nó là bài học về lịch sử cầu Long Biên về tình yêu với cây cầu sắt ấy. Cái giọng trẻ thơ trong vắt, ngây ngô của nó mỗi ngày lại cứ ngâm nga bốn câu thơ mà bà nội dạy:

Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong

Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi

Hai vợ chồng sau mỗi ngày làm việc vất vả chiều chiều lại bế con bé ra cầu và được nghe cái giọng đầy yêu thương, luyến láy nhiều chỗ ngọng líu ngọng lo ấy cảm thấy thực sự nhẹ nhõm và càng thêm yêu cây cầu nhiều hơn.

Khởi thủy nó có tên gì tôi không cần biết, tôi chỉ biết 19 nhịp sắt thép với chiều dài 1862m ấy, con rồng sắt vắt ngang dòng sông Hồng ấy có tên gọi mà người dân thành phố quê tôi hay gọi với vẻ đầy tự hào là cầu Long Biên hay cầu Sông Cái. Đến nay nó tròn 108 tuổi, mong rằng 108, 208 hoặc 308 năm sau nữa con cháu chúng ta sẽ vẫn còn được nhịp bước trên nó, chiêm ngưỡng nó cùng với đất nước vươn lên phát triển như một con rồng.

Dòng sông Hồng mấy ngàn năm vẫn cuộn đỏ phù sa, cầu Long Biên hàng trăm nay vẫn sừng sững vươn về phía trước. Đất nước ngày càng đi lên. Cây cầu không chỉ nối giữa đôi bờ sông Cái mà còn nối Việt Nam với bạn bè thế giới với biểu tượng đáng tự hào về văn hóa và lịch sử. Dù tháng năm có chảy trôi cùng với bao nhiêu thăm trầm đi chăng nữa, dù có sửa sang, tu bổ kiểu gì chăng nữa nhưng tôi vẫn muốn nó có một diện mạo như xưa. Tôi rất tâm đắc với một lời nhận xét của ai đó khi bàn về dự định sửa sang lại cây cầu rằng: “Đừng nên sơn lại màu thời gian”. Tôi xin tha thiết nhắc lại rằng: “Đừng nên sơn lại màu thời gian”. Đó là cái được nhất để đất nước ta đón Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Bài và ảnh: Hoàng Mai

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự