Kỳ cuối: Sức sống qua ba thế kỷ

16:26 05/08/2010

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nói rằng phải đi bộ chầm chậm mới cảm nhận được hết vẻ đẹp sâu lắng của cầu Long Biên. Lúc đó người ta sẽ thấy không chỉ là một cây cầu sắt mà nó cũng có hồn và sức sống như bao thân phận con người.


Nhiều bạn trẻ chọn cầu Long Biên làm nơi chụp ảnh cưới vì muốn tình duyên của mình
đẹp và bền bỉ như chính cây cầu- Ảnh: Douglas Jardine


>> Kỳ 1: Công trình lịch sử
>> Kỳ 2: Trong bão lửa
>> Kỳ 3: Giữ vững huyết mạch
>> Kỳ 4: Ốc đảo dưới chân cầu

Một mảnh hồn khác

Chợ họp trên cầu Long Biên chẳng bao giờ quá đông và cũng chẳng có hàng gì xa xỉ. Hầu hết người bán là dân bãi hoặc kẻ quê quang gánh lên cầu chính những thứ trồng tỉa, chài lưới được. Người đàn ông bán ngô tên Tiến kể ông sinh ra bên đầu cầu Long Biên. Một thời ông lang bạt khắp xứ, cuối cùng lại về mưu sinh bên cây cầu này.

Vợ chồng thuê miếng đất bãi sông làm nông, bán những gì mình đổ mồ hôi trồng được. Quanh năm hết vụ ngô lại đến mùa khoai, mùa chài cá. Họ bán rẻ như chợ quê và bày thúng hàng bé nhỏ ở cái góc lõm bên hè cầu để không ảnh hưởng người qua lại. Trò chuyện chưa dứt thúng ngô đã bán hết, người đàn ông huýt sáo tìm về ngôi nhà bình yên dưới bãi sông.

Ở đầu cầu Gia Lâm, chị Lê Thị Hạnh đang ngồi róc vỏ mía đợi khách là những người qua cầu. Rót cho tôi ly nước sóng sánh mật ngọt, chị tâm sự mình là một trong những người đầu tiên "sáng kiến" ra quán cóc nước mía ở dốc cầu.

Năm 1994, khi đường dẫn lên cầu được xây thêm phần hè hai bên, chị đem vài cây mía ra đây rồi dùng chính sức tay mình quay máy ép nước mía bán cho khách du lịch đi bộ. Lúc ấy nước mía đá chỉ có 600 đồng một ly. Khách qua cầu rất thích hương vị dân dã này, nhất là mùa hè oi bức. Còn mùa đông chị bán thêm chè đỗ đen. Nồi chè ủ nóng làm mê mẩn khách trong gió rét sông Hồng. Bây giờ thì nước mía đá và chè đỗ đen đã trở thành món "đặc sản bốn mùa" bên dốc cầu Long Biên.

Trong câu chuyện miên man của chị Hạnh, tôi đã phần nào cảm nhận được những thân phận nghèo gắn đời mình với cầu Long Biên. Với họ, nó không chỉ là một cây cầu đẹp mà còn giúp họ thêm miếng cơm manh áo. Còn với cầu Long Biên, hình như chính những người và hàng quê này đã phả thêm cho nó một hình hài và linh hồn khác. Nhiều du khách phương xa cũng mê mẩn điều này.

Cảm xúc thật thú vị khi ngồi quán cóc bên bờ sông Hồng mà ngắm toàn cảnh cầu Long Biên, hay vừa lang thang trên cầu vừa thưởng thức vị ngô nướng ngọt bùi. Giữa thủ đô ồn ào, đông đúc, cầu Long Biên như lọt thỏm vào một thế giới khác. Thế giới của hương vị quê và những hoài niệm xa xưa.


Cầu Long Biên về đêm - Ảnh: Quốc Việt

Tuy nhiên, cầu Long Biên không chỉ có những thúng mủng, hàng quê, mà còn có cả những khoảnh khắc và khung cảnh thật lãng mạn, bình yên. Suốt cả buổi chiều, một đôi vợ chồng sắp cưới đang háo hức chụp ảnh kỷ niệm với cảnh nền là vòm cầu cổ kính uốn lượn như làn sóng sông Hồng. Có lẽ đôi lứa cũng muốn tình duyên của mình đẹp và bền bỉ như chính cây cầu Long Biên.

Trong tâm hồn người cao tuổi thủ đô, cầu Long Biên chất chứa bao kỷ niệm thời cuộc. Nhưng với những bạn trẻ, cầu còn là nơi chốn xinh đẹp để tâm sự chuyện đôi lứa. Chiều mát nào trên làn cầu của người đi bộ cũng có những đôi trai gái ngắm hoàng hôn. Khung cảnh lãng mạn đó đã làm mê mẩn biết bao tay máy ảnh.

Vượt thời gian

111 năm trôi đi kể từ ngày khởi công, cầu Long Biên đã vắt mình qua ba thế kỷ và xuống cấp nhiều sau chiến tranh. Khi những cây cầu mới lớn hơn, hiện đại hơn được xây dựng qua sông Hồng, nhiều người nghĩ rằng cầu Long Biên chuẩn bị chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy nhiên, rất nhiều người đều không muốn cây cầu mang nặng lịch sử này ngừng soi bóng sông Hồng.

Ở Hà Nội, bà Nguyễn Nga, người sáng lập Ngôi nhà nghệ thuật (31A Văn Miếu), đã bỏ nhiều tâm huyết tổ chức các triển lãm ảnh cầu Long Biên xưa và nay. Từ tranh hội họa đến những tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc về cầu Long Biên đều được trưng bày.

Ngoài những tác phẩm nghệ thuật, nhiều ảnh còn ghi lại những khoảnh khắc đời thường như ngày ngày cây cầu vẫn mang trên mình. Bà Nga nhiều lần tâm sự với những người đến xem triển lãm về tình yêu đặc biệt của mình với cây cầu cổ kính của thủ đô Hà Nội. Bà làm những việc này nhằm lan tỏa tình yêu cầu Long Biên đến với nhiều người hơn và hi vọng góp phần nhỏ bé giữ lại được cây cầu này.

Gần đây, bà Nga còn có kế hoạch tổ chức lễ hội Long Biên ngay trên cây cầu nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự kiến lễ hội diễn ra cuối năm 2009 với đoàn tàu hơi nước chạy qua cầu để tái hiện hình ảnh xưa. Rồi các cuộc triển lãm, biểu diễn tranh ảnh, sáo diều, thư pháp, âm nhạc, phim ảnh, sắc phục dân tộc... kết nối lịch sử xưa và nay sẽ diễn ra ngay trên cầu và bãi dưới sông. Ý tưởng lớn này thực hiện rất khó khăn nhưng lễ hội thành công sẽ có chiều sâu văn hóa.

Đặc biệt, dự án khôi phục cầu Long Biên cũng được chuẩn bị. Từ năm 2002-2005, các công ty Thales - Coyne, Freyssinet đã tổ chức khảo sát, đánh giá lại hiện trạng cầu. Họ khẳng định phần lớn chất lượng cầu vẫn còn bảo đảm để có thể khôi phục cho việc tiếp tục sử dụng lâu dài.

Phần quan trọng nhất là các trụ cầu được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 vẫn còn tốt, chỉ trừ một số trụ bị trúng bom hoặc được dựng tạm lại trong thời chiến tranh. Trong 2.587 cấu kiện dàn thép nguyên gốc của Pháp được khảo sát, chỉ 732 (28,30%) cấu kiện bị hư hỏng phải thay thế. Kế hoạch ngoài phục hồi nguyên mẫu, họ còn đề xuất mở rộng thêm hai bên phần đường cho người đi bộ và ôtô. Sau đó, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Họ cũng đồng quan điểm hoàn toàn khôi phục được cầu Long Biên trong điều kiện hiện nay.

Nghe kết quả khảo sát, những người từng gắn bó với cầu Long Biên rất vui. Nói như các ông Lê Minh Bội, Nguyễn Cảnh Chất, bà Ngô Thị Nguyệt từng tham gia bảo vệ cầu Long Biên bằng máu và mồ hôi trong chiến tranh, việc khôi phục cầu có ý nghĩa rất lớn. "Giữ lại cầu Long Biên là giữ lại một phần lịch sử không thể tách rời của thủ đô Hà Nội. Đó là trách nhiệm của chúng ta hôm nay với con cháu mai sau" - họ đều xúc động tâm sự như vậy.

QUỐC VIỆT

Theo Tuổi trẻ

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự