Long Biên ký sự

16:30 20/08/2010

(TT&VH Cuối tuần) - Hơn ba mươi năm trước, năm 1979, trên chuyến xích lô từ Gia Lâm sang Hà Nội, tôi lần đầu tiên được ngắm Thủ đô từ trên cây cầu sắt dài nhất Đông Nam Á. Thành phố thời ấy lam lũ nhưng thanh bình, không có cái nguy nga như bây giờ, nên đứng trên cầu đã thấy cột cờ Hà Nội, thấy cái chóp nhà thờ Cửa Bắc trên nền phố xá rêu phong lẫn giữa những tàn cây xanh… Tôi mê nhất là cái bóng chiều của cây cầu nổi nền xanh dãy Ba Vì in lên trời. Chả hiểu ngày xưa tả Đôi mắt người Sơn Tây thế nào mà thi sĩ Quang Dũng viết “Trời xanh không thấy bóng Ba Vì”. Hẳn là hôm ấy trời xanh quá nên núi lẫn với màu trời?

1. Trời ơi! Người Hà Nội sẽ ra sao nếu một sớm mai thức dậy bỗng không thấy cầu Long Biên?

Chỉ có thể đứng trên cầu Long Biên mới có cái tâm thế để ngắm nhìn Hà Nội với một vẻ đẹp vương vấn như một nỗi hoài niệm. Bây giờ khi Hà Nội đã nguy nga, đã lố nhố quá nhiều tòa tháp cao tầng, không gian cũ gần như biến mất nhường chỗ cho vô vàn kiến trúc phá nát bầu trời phố cổ..., muốn ngắm thành phố vẫn phải từ cầu Long Biên. Đó là góc nhìn lý tưởng nhất. Có người bạn miền Nam khi đi trên cầu này đã ví như thể cưỡi trên thân Rồng bay qua sông Cái. Cái cảm giác ấy mới lãng mạn làm sao! Tôi dám chắc khi lên các tháp nhà cao nhất Hà Nội để ngắm thành phố không thể có cảm giác như đứng trên cầu sắt Long Biên.


Cầu Long Biên xưa
Nhiều người vẫn hỏi nhau: Cầu ấy dài nhất Việt Nam hay chưa? Cầu ấy dài bao nhiêu mét? Cầu có bao nhiêu nhịp? Tôi đã cất công đi tìm tư liệu từ cơ quan quản lý cây cầu là ngành cầu đường sắt, và đây: Cầu dài 1, 682 km, phần cầu dẫn hai bên dài 609m, có 20 trụ chính giữa sông, chia thành 9 nhịp kép… Lại hỏi cầu có cấu trúc hình thù của cái gì? Hơi bí, dù xưa nay tôi vẫn tưởng tượng nó mang dáng Rồng bay qua Hồng hà. Hỏi các nhà tạo hình, đa số thống nhất cầu mang dáng Rồng bay qua sông. Một chuyên gia cầu Việt Nam phân tích: Nếu là cầu sắt bình thường, phần mái cầu chỉ là đường thẳng song song, như thế vừa đỡ tốn nguyên liệu là thép đặc biệt, và chắc là kinh phí giảm đi rất nhiều. Nhưng có lẽ cái ông kỹ sư thiết kế ấy lãng mạn và có đầu óc tạo hình nữa, lại có kiến thức về lịch sử Thăng Long nên mới tạo nên tác phẩm kiến trúc có dáng Rồng bay… Quả thật, ngắm phần mái cầu với độ cao những nhịp khác nhau thấy cái sự nhấp nhô tựa như rồng bay về phía cổ thành...

2. Mười hai năm trước, tôi có viết bài trên báo nói cầu Long Biên là tác phẩm kiến trúc của viên kỹ sư nổi tiếng Eiffel, sau đó nhận được phản đối từ một nhà sử học nổi tiếng cho rằng không phải. Nhưng rất may là tôi đã tìm được một tài liệu về công trình này từ chính một nhà khoa học chuyên về cầu đường Việt Nam. Tôi yên tâm là mình đã không thất thố với bạn đọc và với lịch sử.

Cây cầu có thể cùng tuổi hoặc cùng thời với cái tháp bằng thép hơn trăm năm bên Pháp là biểu tượng của Paris.

Tấm bảng đồng gắn trên thân cầu phía Hà Nội có ý nghĩa gì? Theo một nhà nghiên cứu, đó là tên hai nhà thầu Dayde’&Pille’. Nhưng “tác giả” vĩ đại nhất chính là những người thợ Việt Nam tài hoa và dũng cảm. Lại hỏi vì sao gọi là cầu Đu-me (Avenue Paul Doumer)? Bởi cây cầu thi công dưới sự chỉ huy của người Pháp mà Pôn Đu-me là Toàn quyền Đồng Dương lúc ấy, cũng là người phát lệnh khởi công công trình cầu sắt lịch sử. Pôn Đu-me khi quyết định xây cây cầu, hình như đã bất chấp cảnh báo sự đỏng đảnh và hung dữ của dòng sông khi từng nuốt chửng dinh công sứ Hưng Yên, hay từng đổi dòng cách 5 cây số tại Sơn Tây…

Ngày khánh thành cầu là 3/2/1902. Đoàn tàu hỏa đầu tiên chạy xuống Hải Phòng qua cầu Long Biên chở viên Toàn quyền và vua Thành Thái. Sau hôm ấy Pôn Đu-me cũng trở về Pháp hoạt động chính trường và sau đó leo đến chức Tổng thống Pháp rồi bị ám sát chết sau đó. Cảm ơn ông Thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai sau ngày Nhật đảo chính Pháp đã đặt lại tên Việt là cầu Long Biên. Cầu Long Biên còn đó, chứng nhân của lịch sử Việt Nam 110 năm. Nó đã là di sản Việt…

"Đêm, cái đêm rvút qua gầm cầu. Anh đã hẹn ngày mai anh trở lại…”. Bài hát của Nguyễn Thành (phổ thơ Tạ Hữu Yên) đã nhắc lại sự kiện Trung đoàn Thủ đô vượt gầm cầu Long Biên qua sông Hồng một đêm đầu năm 1947 để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến chín năm… Trăm năm, cây cầu gánh trên mình nó bao nhiêu biến cố lịch sử, nó gồng mình lên qua những cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta như người cha già nua gánh trên lưng cả một kiếp người. Với tôi, nghĩ đến cây cầu là nghĩ đến những người dân lam lũ với đôi quang gánh qua cầu mỗi ngày. Ôi có bao nhiêu những bàn chân xuôi ngược, bao nhiêu sấp ngửa phận người suốt trăm năm dư ấy? Tại sao nó không là di sản văn hóa Việt Nam?

Cầu Long Biên nay
3. Các nhà kỹ thuật đến bây giờ vẫn ngỡ ngàng trước các giải pháp thi công cầu Long Biên từ năm 1898. Đầu tiên là những cái hố móng sâu đến ba bốn chục mét mà phải đào thủ công giữa dòng nước xiết. Rồi mấy ngàn tấn thép chở từ Âu châu sang Hà Nội. Nhưng chưa là gì. Để kết nối các thanh thép làm thành cây cầu đẹp như tranh ấy, những người thợ Việt Nam đã dùng lò bể thợ rèn cổ điển để nung đỏ những chiếc đinh rive rồi dùng kìm cặp lấy tung lên trên cao cho người đón. Một cái đinh sắt to và nặng, đỏ rực ấy sau khi bắt được đã được đưa vào lỗ và bắt đầu tán hai đầu đến khi nào không thể tán được nữa thì thôi. Mấy chục vạn cái đinh rive như vậy đã nối hàng nghìn tấn thép vào nhau bằng việc đốt đỏ tung lên bắt lấy và… tán. Cả một nghệ thuật tung hứng ngoạn mục của hàng trăm người thợ rèn Việt Nam trên công trường vĩ đại cuối thế kỷ XIX… Bốn vạn ngày qua. Chưa có một con số thống kê nào cho việc chi phí xây cầu, bảo dưỡng và sửa chữa cầu trong ngần ấy năm. Không thể làm được điều đó. Sáu triệu đồng công trái năm cuối thế kỷ XIX giá trị khác xa bây giờ, liệu lấy gì làm vật ngang giá để tính ra tiền thời nay? Và còn bao người đã ngã xuống khi thi công cầu. Bao nhiêu người hy sinh khi bảo vệ cây cầu và những người lái xe chạy thử trên quãng cầu dây cáp nối những nhịp gãy vì bom năm 1967, 1972 ấy… Xương máu là của người Việt cho cây cầu nối đôi bờ. Các nhà làm sử nên có một công trình nghiên cứu hay một đề tài nào đó để làm tư liệu về công trình lịch sử này.

4. Số phận cây cầu có tuổi thọ 110 năm hôm nay chưa biết rồi sẽ ra sao. Khi cầu tròn trăm tuổi, nhà nước đã duy tu mà chưa có lại dáng hình xưa. Người Pháp đang quan tâm đến số phận cây cầu và nhiều lần đến thị sát cũng như bỏ tiền lập dự án tôn tạo. Nhiều phương án được đặt ra. Nhiều ý tưởng du lịch văn hóa trên cầu cũ khi có cầu đường sắt mới. Đáng tiếc là di tích lịch sử cầu Long Biên chưa được xếp hạng bảo vệ. Hãy xếp hạng di tích để bảo tồn khi chưa quá muộn. Đừng vội bàn cách khai thác tiềm năng du lịch từ ý tưởng bán vé đi bộ ngắm phố phường, tổ chức triển lãm, nhà hàng hoặc tổ chức dịch vụ khác trên cầu cũ… Hãy để nguyên và dựng thêm mô hình trận địa pháo cao xạ để bảo vệ cầu như đã từng có trong chiến tranh phá hoại… Đó là một phần của lịch sử thành phố…

Ký ức cầu Long Biên là một phần ký ức hào hùng của Hà Nội. Xóa đi cây cầu lịch sử là xóa luôn cái phần ký ức bi tráng của đất Thăng Long thế kỷ XX. Chưa nói nó là hình ảnh Rồng bay ngang sông Hồng hoành tráng nên thơ…Có thể mai sau, tôi đồ rằng con cháu chúng ta lấy cây cầu sắt trên sông Hồng làm biểu tượng Thăng Long (Rồng bay) của Hà Nội cũng nên…

Tân Linh

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự