Cầu Rồng của đất nước Rồng, ở thủ đô Rồng

21:35 17/09/2010

(Bài dự thi) - Từ cực Nam Trung Bộ xa xôi ngàn rưỡi cây số, chưa đến Hà Nội, tôi đã được nghe kể về cầu Long Biên thời còn Pháp thuộc.

Dạo ấy, có người kể một giáo viên người Pháp chấm thi sơ học yếu lược (tương đương lớp 4 bây giờ) coi thi oral (thi vấn đáp) môn Địa lý. Giáo viên hỏi một học sinh: "Cầu nào dài nhất Đông dương?"

Câu bé mải chơi không thuộc bài, biết mình 100% trượt vỏ chuối, lẩm bẩm chửi thề: "Đ.M!".

Giáo viên người Pháp tưởng em nói Doumer, tên toàn quyên Đông Dương được lấy tên đặt cho cầu Long Biên: "Tốt, giỏi lắm, mười điểm!".

Tôi vẫn còn nhớ mãi câu chuyện khôi hài, và mãi đến năm 1955, tôi vào bộ đội tập kết ra Bắc mới được tận mắt thấy cầu Long Biên.

Cầu Đà Rằng quê Phúc Yên tôi đứng thứ hai Đông Dương tính theo chiều dài, tôi đã thấy dài dằng dặc. Vậy mà khi ngồi trên xe lửa lên cầu Long Biên, loang loáng thấy thành cầu chạy qua cửa sổ nhanh, chóng mặt. Thế mà phải lâu lắm, xe mới qua khỏi cầu.

Tôi có những 4 năm học ở trường Đại học Nông nghiệp I, 8 năm công tác ở Hà Nội. Tôi từng ngồi chờ tàu ở ga Đầu Cầu để về trường. Ga Đầu Cầu đặt trên mố cầu Long Biên, phía Hà Nội. Dốc cầu, từ trường Trần Nhật Duật lên có nhiều xe ba gác, nhiều hàng quà. Bên dưới gầm cầu, trong đê màu đất đen màu than, đó là Hàng Than.


Ảnh: Đỗ Đức

Ngồi trên tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên, sông Hồng lộng gió. Mùa mưa lụt, nước đỏ như máu, chở đầy phù sa, sôi sùng sục. Mùa khô, nước cạn trơ từng cồn cát vàng. Người dân ra đây trồng rau, trồng ngô. Nương ngô, nương rau xanh đến mát mắt.

Đừng ở Đông Anh, thèm được nhìn thấy cầu Long Biên như con Rồng trườn từ bờ Hà Nội vắt qua bờ Gia Lâm. Mình nó nổi vông từng đoạn đan chéo bởi những cây sắt thép dày thưa dài ngắn. Cứ 100-150m là mặt cầu có chỗ phình ra, để xe ô tô, xe máy, xe đạp, ba gác có chỗ tránh. Tôi cũng đã đi xe đạp qua cầu Long Biên, lòng cảm thấy vô cùng hân hoan phấn khởi.

Những năm Hà Nội bị đánh phá, cầu Long Biên vẫn bảo đảm giao thông từ Hà Nội đi Hải Phòng, Bắc Ninh – Bắc Giang, Lào Cai – Phú Thọ.

Máy bay Mỹ: thần sấm, com ma, có cả B52 phào đài bay cố ném bom xuống toa độ 29 (Hà Nội) để hủy diệt cầu Long Biên. Bên đầu cầu phía Hà Nội bị bom làm gẫy mấy nhịp. Hồi đó, lập tức công binh bắt cầu phao, hàn vá, chỉ trong vài ngày là giao thông liên lạc thông suốt.

Nhìn đoàn toàn xuôi ngược qua cầu đầy ắp người, với quyết tâm đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, ăn no đánh thắng” lòng tôi thấy đầy tin yêu và tự hào.

Có những buổi trưa tôi đạp xe qua cầu, còi báo động máy bay thì xe đã ra giữa cầu, tới cũng khó mà lui cũng không xong, tôi đành đứng chịu trận giữa cầu. Tiếng máy bay, rồi tiếng đạn pháo nổ. Trên bầu trời Hà Nội xuất hiện những làn khói chạy thẳng và nhanh, đâm vào máy bay, rồi xa xa có dù rơi xuống. Có tiếng reo: “Tên lửa, tên lửa ta hạ máy bay Mỹ”.

Giờ đây đã có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng nhưng cầu Long Biên vẫn luôn mãi ở trong lòng người dân Việt Nam, nhất là những người trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cầu Rồng (Long Biên) ở Thủ đô Rồng (Thăng Long). Bất giác, tôi bỗng nhớ đến câu thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của bà huyện Thanh Quan:    
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm bia đá soi kim cổ"

Cao Phi Yến

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự